10 năm qua, kể từ khi Ban Bí thư TW Đảng ban hành Chỉ thị 40 - CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã thực sự tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và thực hiện công tác huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời mọi nguồn vốn ưu đãi tới người nghèo và các đối tượng chính sách ở tỉnh Hà Nam.
Dòng vốn tín dụng chính sách xã hội được khơi thông, chảy đều đặn, góp phần quan trọng cho các chương trình kế hoạch phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.
Điểm giao dịch xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm. |
Điểm nổi bật sau 10 năm đưa Chỉ thị 40 vào cuộc sống ở vùng châu thổ sông Hồng này là tín dụng chính sách được ghi nhận trong các Nghị quyết, kế hoạch, lịch trình công tác thường xuyên từ các cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.
Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể đã phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác huy động tạo lập nguồn lực và quản lý, sử dụng nguồn vốn chính sách đạt kết quả cao.
Đơn cử về ngành lao động - thương binh và xã hội phối hợp với các cơ quan hữu quan, với chính quyền địa phương thực hiện đúng quy định, chính xác việc điều tra, rà soát, bổ sung danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo thuận lợi cho Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) cho vay đúng đối tượng.
Theo đó, căn cứ tình hình ngân sách của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo Sở tài chính tham mưu, ưu tiên bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Cán bộ NHCSXH họp giao ban với hội đoàn thể và Tổ TK&VV, hướng dẫn phổ biến chính sách tín dụng mới tại Điểm giao dịch xã Thanh Hà. |
Tại tỉnh Hà Nam hiện nay, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng được thụ hưởng là 195 tỷ đồng, tăng 185 tỷ đồng gấp 18,86 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40. Chính nguồn vốn ngân sách địa phương đã hỗ trợ đắc lực cho NHCSXH tỉnh Hà Nam nâng tổng nguồn vốn hoạt động lên 3.335 tỷ đồng, tăng 2.041 tỷ đồng so với 10 năm trước đây.
Cũng cần kể thêm sự tham gia của hầu hết chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện HĐQT cấp huyện và chính quyền tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã ưu tiên dành diện tích trụ sở làm việc tổ chức thực hiện phiên giao dịch xã đã góp phần không nhỏ để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của NHCSXH tại địa phương, bảo đảm công tác tín dụng chính sách được minh bạch, công khai để mọi người dân cùng thực hiện và tham gia giám sát.
Nguồn vốn tín dụng chính sách giúp đoàn viên thanh niên trên địa bàn thị xã Duy Tiên khởi nghiệp, mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm. |
Từ sự quan tâm, phối hợp trong quá trình thực hiện Chỉ thị 40 của địa phương, những người làm tín dụng chính sách ở tỉnh Hà Nam đã luôn tận tụy, say mê với công việc đưa nhanh nguồn vốn ưu đãi tới đúng từng đối tượng thụ hưởng, đến tận làng trên xóm dưới, hỗ trợ đắc lực kế hoạch phát triển kinh tế và các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Nam - bà Lê Thị Kim Dung cho biết, các Chương trình cho vay vốn tín dụng chính sách đã và đang phát huy hiệu quả. Sau 10 năm thực hiện mạnh mẽ Chỉ thị 40 với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến 30/4/2024, NHCSXH tỉnh Hà Nam đã giải ngân số tiền 7.132 tỷ đồng cho gần 191 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng được vay vốn.
Từ nguồn vốn trên đã giúp cho trên 30 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 21 nghìn lao động; giúp trên 14 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn yên tâm học tập; xây dựng, cải tạo được gần 160 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn, hỗ trợ 58 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn sản xuất kinh doanh tạo việc làm để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng…
Nguồn vốn chương trình GQVL đã giúp Hợp tác xã Khánh Linh đang tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động tại huyện Lý Nhân. |
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam: Chỉ thị 40 đã thực sự đi vào cuộc sống ở địa phương; cả hệ thống chính trị tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Chỉ thị tạo sự chuyển biến lớn về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng và nhân dân về tín dụng chính sách tập trung huy động nguồn lực của địa phương để cùng với các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước do NHCSXH tổ chức thực hiện góp phần đắc lực giúp người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên trong sản xuất, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội trên quê hương Hà Nam.