Ngày 30/6/2014, UBND tỉnh Bình Dương tập trung lực lượng đến các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman trên địa bàn để tiến hành cưỡng chế. Quyết định này khiến 200 doanh nghiệp cũng như hàng vạn lao động bức xúc bởi liên quan đến việc này, ngày 18/6/2014 (cùng ngày PLVN đăng bài “Chủ tịch tỉnh Bình Dương bị tố “khai tử” hàng loạt doanh nghiệp”), Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 4515/VPCP-KTN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về khiếu nại của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch bằng công nghệ Hoffman trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bất chấp ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, tỉnh này vẫn tiếp tục cưỡng chế.
“Mũ ni che tai”?
Sau khi xảy ra sự việc, hơn 200 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch tiếp tục gửi đơn kiến nghị, khiếu nại lên các cấp, ngành Trung ương về cách làm không thấu tình, đạt lý của ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung khi ra quyết định bắt buộc các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất phải chấm dứt hoạt động.
Ngày 2/7/2014, Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 2492/TDXLĐ-XLĐ về việc nhận được đơn của ông Bùi Trí Dũng cùng đại diện của các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ Hoffman tại tỉnh Bình Dương. Cơ quan này chuyển nội dung đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Tiếp đến, ngày 1/8/2014 đến lượt Thanh tra Bộ Xây dựng lại ra Văn bản số 422/TTr-KNTC về việc chuyển đơn của 200 doanh nghiệp sản xuất gạch xây dựng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến UBND tỉnh này. “Để ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương và đảm bảo cuộc sống của người lao động tại các doanh nghiệp, tránh khiếu kiện vượt cấp, Thanh tra Bộ Xây dựng chuyển đơn và đề nghị UBND tỉnh Bình Dương xem xét, giải quyết theo thẩm quyền” – văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng lưu ý.
Tuy nhiên, “mũ ni che tai”, chính quyền tỉnh Bình Dương vẫn không có văn bản trả lời và xem như không có chuyện gì xảy ra dù các doanh nghiệp đang “rên xiết”.
“Chỉ nói suông”
Theo UBND tỉnh Bình Dương, địa phương đã thực hiện theo đúng lộ trình của Chính phủ. Cụ thể, Bình Dương đã có chủ trương không đầu tư xây dựng các lò gạch Hoffman từ năm 2010, khuyến khích chuyển đổi từ lò thủ công sang lò Tuynel và đã thông báo chủ trương của tỉnh đến các cơ sở sản xuất, chứ không phải năm 2014 mới có thông báo. Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh đã làm đúng lộ trình chứ không phải cố tình muốn đóng cửa hàng trăm doanh nghiệp (?!).
Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất cực lực phản bác ý kiến này. “Họ nói một đằng nhưng thực ra làm một nẻo, bởi vì các quyết định, văn bản đó chúng tôi không hề hay biết. Đến khi tỉnh ra quyết định “khai tử” hơn 200 doanh nghiệp thì đã cận kề ngày họ đưa lực lượng đến cưỡng chế (30/6/2014), chúng tôi trở tay không kịp. Chúng tôi có nhiều lần viết đơn kêu cứu cũng không thấy họ trả lời. Làm như vậy có được không?” - bà Bùi Thị Ngọc Ánh, chủ một cơ sở sản xuất gạch ở Bình Dương bức xúc nói.
Ông Hoàng Văn Khuê, Chủ DNTN Thuận Thuận Phát ở thị xã Tân Uyên trình bày: Năm 2009, tỉnh Bình Dương cho xây dựng thí điểm lò Hoffman tại Công ty TNHH một thành viên Việt Linh ở huyện Phú Giáo. Sau thời gian vận hành sản xuất, công nghệ Hoffman đã được cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đánh giá đạt yêu cầu. Thấy công nghệ Hoffman phù hợp với quy mô hoạt động nhỏ lẻ, được cơ quan chức năng khuyến khích nên các doanh nghiệp, cơ sở mới mạnh dạn đầu tư, học hỏi, áp dụng. “Từ đó đến nay, tỉnh không nói năng gì. Đến nay tỉnh bất ngờ ra quyết định cưỡng chế, như vậy là “chơi khăm” chúng tôi” - ông Khuê bộc bạch.
Do thời gian quá ngắn nên hầu hết các doanh nghiệp đều đang vướng nợ ngân hàng. Chủ doanh nghiệp nợ ít thì 1-2 tỷ đồng, nhiều thì khoảng 3 tỷ đồng trở lên. “Thử hỏi, trong ngần ấy thời gian thì làm sao chúng tôi có thể thu hồi vốn để trả nợ cho ngân hàng được. Trong khi số phận cơ sở mình chưa biết ra sao thì lãi suất ngân hàng vẫn tăng lên từng ngày. Còn trang thiết bị sản xuất, nếu bị thanh lý thì chỉ đem bán sắt vụn” - ông Nguyễn Thanh Quân, chủ một cơ sở gạch trăn trở.
Ông Bùi Chí Dũng – chủ lò gạch Thạch Anh, xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên thì than thở: “Chính quyền thí điểm công gần 10 tỷ đồng đầu tư lò Hoffman, sản xuất chưa bao lâu, chưa thu hồi vốn, giờ phải phá lò, tiếc đứt ruột. Chính chủ trương “tiền hậu bất nhất” của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã làm khổ chúng tôi”.
Nhiều chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman khác cũng tỏ ra bức xúc và nghi ngờ có điều khuất tất trong các văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Họ cho rằng, phải chăng tỉnh Bình Dương quyết “khai tử” bằng được lò gạch Hoffman vì lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất gạch Tuynel?