Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn ngày 19/8 “trải lòng” về vấn đề này.
Theo Thứ trưởng Tuấn, khác với các nước, số thu BHXH nằm trong cơ cấu thu ngân sách, nên tỷ lệ động viên ngân sách nhà nước của các nước là rất cao, còn ở Việt Nam, có quỹ BHXH riêng và lực lượng thu khoảng trên 100 nghìn người. Vì vậy, giảm thời gian nộp thuế ở Việt Nam đồng nghĩa với giảm thời gian nộp BHXH, mà BHXH và cơ quan thuế lại là 2 cơ quan khác nhau.
Tại cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng trải lòng về những giải pháp để cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực Bộ mình phụ trách - một bài phát biểu mà Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung phải thốt lên rằng: “Lâu lắm mới được nghe bài phát biểu của một Thứ trưởng hay đến thế”.
Nếu như tại cuộc hội thảo đó, điều Thứ trưởng Tuấn băn khoăn nhất là sự phối hợp giữa 2 cơ quan Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam trong việc “chia” chỉ tiêu giảm còn 171 giờ/năm nộp thuế khi 2 cơ quan này vẫn “chưa ngồi lại được với nhau” thì tại cuộc họp báo này, Thứ trưởng Tuấn tỏ ra rất phấn chấn vì sự phối hợp của 2 cơ quan đã có bước tiến mới.
Trả lời câu hỏi của Pháp luật Việt Nam về sự phối hợp của 2 cơ quan, Thứ trưởng Tuấn cho biết, sau cuộc hội thảo đó, lãnh đạo hai bên đã có 2 cuộc họp và cấp vụ đã có đến 4 – 5 cuộc họp. “Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác của BHXH Việt Nam. Đến nay, BHXH đã thực hiện giảm được 108 giờ, đến cuối năm nay sẽ đạt được 108 giờ và chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tính khả thi của mục tiêu giảm số giờ nộp BHXH xuống còn 49,5 giờ/năm của BHXH…” - ông Tuấn nói.
Theo Thứ trưởng Tuấn, do BHXH Việt Nam là cơ quan Chính phủ, không có thẩm quyền ban hành VBQPPL nên cùng với việc BHXH nỗ lực giảm thủ tục giấy tờ thì rất cần sự phối hợp của 2 cơ quan. Để đạt được mục tiêu 171 giờ theo Nghị quyết số 19 của Chính phủ, trong đó hai bên đã thống nhất kê khai BHXH là 49,5 giờ/năm và thuế và 121,5 giờ/năm, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ giao BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT làm việc với Ngân hàng Thế giới và các tổ chức liên quan rà soát giải trình cách tính thời gian làm thủ tục kê khai nộp BHXH.
Theo đó, toàn bộ hệ thống mẫu biểu, tờ khai để đơn giản hóa các thủ tục đối với DN và người lao động sẽ được rà soát lại theo hướng loại bỏ những tiêu chí không cần thiết, những chỉ tiêu có sẵn thì không lặp lại, không yêu cầu ghi lại thông tin mà BHXH đã có; đồng thời sớm cho phép BHXH Việt Nam được áp dụng khai điện tử, nộp điện tử, đối chiếu điện tử, không dùng chứng từ.
Để thực hiện được giải pháp này, các chuyên gia cho rằng cần cho phép DN đang sử dụng chữ ký số để khai thuế có thể khai và nộp BHXH. Chỉ đạo BHXH ưu tiên tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung của ngành BHXH để phục vụ công tác quản lý thu nộp và trao đổi thông tin của BHXH, chậm nhất tháng 9/2015 phải hoàn thành...
Về cơ chế phối hợp trao đổi thông tin giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế, Thứ trưởng Tuấn cho biết, hai bên bàn bạc và thống nhất về việc cơ quan thuế sẽ cung cấp thông tin về DN (đăng ký kinh doanh, mã số thuế, lao động, doanh thu, tiền lương, tiền công…) cho cơ quan BHXH; phối kết hợp mã số thuế và mã số bảo hiểm; và sau khi Quốc hội thông qua Luật BHXH sẽ bàn tiếp việc phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra…
Về ý kiến chuyển việc thu BHXH sang cơ quan thuế để giảm bớt TTHC cho DN, Thứ trưởng Tuấn cho biết, đề xuất này vẫn chưa được chấp thuận, do vậy giải pháp vẫn là tăng cường công tác phối hợp trên cơ sở pháp luật với mục tiêu: Đơn giản hóa TTHC, nộp thuế/BHXH ở 2 cơ quan nhưng thời gian như nộp ở một cơ quan, tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra nhưng không làm tăng thời gian của DN…
“Với mục tiêu rõ ràng, giải pháp đưa ra khả thi, tôi tin tưởng lộ trình cắt giảm thời gian kê khai nộp các khoản BHXH đưa ra có thể thực hiện được" - Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2014 của WB công bố về chỉ số nộp thuế, thời gian DN ở Việt Nam làm thủ tục về BHXH là 335 giờ (trong tổng số 872 giờ), số lần nộp là 12 lần/năm (trong tổng số 32 lần nộp thuế). Thực hiện Nghị quyết 49/NQ-CP ngày 19/12/2010 của Chính phủ về việc đơn giản hóa các thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của BHXH Việt Nam, BHXH Việt Nam đã cắt giảm bộ TTHC từ 263 thủ tục xuống còn 115 TTHC liên quan đến việc thu, chi, cấp sổ, cấp thẻ tại tất cả các cấp.
Theo tính toán của PWC Việt Nam - đối tác được WB chỉ định thực hiện tính toán các chỉ số Nộp thuế của Việt Nam thì trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2015 (sẽ được công bố vào tháng 10/2014), thời gian dành cho việc thực hiện các TTHC liên quan đến BHXH đã giảm từ 335 giờ xuống còn 216 giờ (giảm 119 giờ) do những cải cách TTHC của BHXH trong 2 năm qua đã được ghi nhận.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19, BHXH Việt Nam đã cùng với PWC Việt Nam rà soát lại các quy định về chính sách và quy trình thủ tục thực hiện BHXH. Theo đó, cách tính toán các tiêu chí trong bảng tính toán số giờ chi tiết liên quan đến BHXH và số giờ nộp BHXH của DN trong năm 2014 sẽ giảm xuống còn 108 giờ (giảm thêm 108 giờ) và kết quả này sẽ được ghi nhận vào Báo cáo môi trường kinh doanh của năm 2016.