Để chuẩn bị cho việc Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 8, sáng qua - 11/8, tại Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các vấn đề lớn trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) còn nhiều ý kiến khác nhau.
Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Nhà đầu tư hiện đang rất khó khăn trong việc áp dụng các qui định pháp luật để được hưởng chính sách ưu đãi. Vì vậy, Dự thảo Luật cần quy định về ưu đãi đầu tư “phải có tiêu chuẩn, qui chuẩn, không thể quy định về lĩnh vực ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư quá chung chung, chưa hợp lý như Dự thảo” theo nhận xét của ông Phan Trung Lý – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.
Qua khảo sát tại 18 tỉnh cho thấy hoạt động đầu tư ở các khu vực này mới đạt một mục tiêu là đem lại lợi ích cho DN, còn mục tiêu giải quyết lao động tại chỗ rất ít và lợi ích thu về cho ngân sách nhà nước cực kỳ thấp, ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - nhận xét: “Đó là do luật sơ hở, cho ưu đãi đầu tư theo địa bàn mà không phân biệt lĩnh vực đầu tư”. Ông Ksor Phước kiến nghị: “Không ưu đãi lung tung mà cần mổ xẻ các qui định ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cho hợp lý”.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định sẽ thể hiện rõ “không phải đầu tư vào vùng khó khăn là được ưu đãi, mà chỉ ưu đãi nếu có lợi cho địa phương và cần tính đến lĩnh vực đầu tư”.
Nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - cho biết, Dự thảo sẽ được chỉnh lý theo hướng quy định rõ nguyên tắc và hình thức, đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư, bổ sung và chỉnh lý Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư, quy định rõ điều kiện và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, các hình thức và điều kiện áp dụng các chính sách hỗ trợ đầu tư.
Cẩn trọng trong qui định “cấm đầu tư” và “đầu tư có điều kiện”
Đó là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc nhở để “không ảnh hưởng đến quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013”. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể các lĩnh vực cấm đầu tư, chi tiết danh mục ngành, nghề đầu tư có điều kiện vào Dự án Luật.
Ông Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp - nhận thấy: “Không thể định lượng đủ ngay các lĩnh vực đầu tư có điều kiện, lĩnh vực cấm đầu tư. Trong điều kiện phát triển kinh tế năng động hiện nay cần mở cho Chính phủ được quyền qui định trong những điều kiện nhất định nhưng phải được UBTVQH phê chuẩn và báo cáo Quốc hội ngay tại kỳ họp gần nhất. Nếu để luật qui định “cứng” thì không đáp ứng yêu cầu, cơ hội phát triển”.
Nhưng ông Phan Trung Lý lưu ý, giao cho Chính phủ qui định về lĩnh vực cấm đầu tư hay lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì phải qui định rõ loại ngành nghề có điều kiện và các điều kiện để Chính phủ có cơ sở qui định cụ thể và cho rằng “tốt nhất là qui định rõ trong luật trên cơ sở rà soát các văn bản qui phạm pháp luật”.
Giải thích nguyên nhân chưa có danh mục các lĩnh vực đầu tư có điều kiện và cấm đầu tư cùng với Dự thảo Luật, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, hiện có 368 ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, danh mục cấm đầu tư, cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện được quy định tại nhiều luật chuyên ngành, nhưng mới có 3 Bộ (Quốc phòng, Tư pháp, Thanh tra Chính phủ) có ý kiến về Danh mục này nên Bộ KH&ĐT chưa thể hoàn thiện Danh mục.
Vì vậy, Bộ sẽ đề nghị Thủ tướng yêu cầu các Bộ rà soát các quy định của pháp luật về ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh và đầu tư, kinh doanh có điều kiện, xem xét loại bỏ các quy định bất hợp lý, gây cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân để có cơ sở qui định danh mục những ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh cụ thể trong Dự thảo Luật.