Những câu chuyện cổ tích có hậu
Vừa mất việc vì dịch COVID-19, vừa túng thiếu nơi đất khách quê người, lại không có phương tiện đi lại, nhiều lao động nghèo quyết định đi bộ về quê với chặng đường từ vài chục đến hàng trăm cây số. Những ngày qua chúng ta chứng kiến những đoàn người lầm lũi rời Sài Gòn trở về quê ở miền Đông, miền Tây, miền Trung. Đó là những câu chuyện cảm động trên đường thiên lý khi bà con sẵn lòng chia sẻ khó khăn với đồng bào mình, như người thân, ruột thịt…
Đó là những đoạn clip ghi lại cảnh 30 người lao động đi bộ về Quảng Ngãi trong tình trạng đói lả, ăn mì tôm sống do lực lượng kiểm dịch hỗ trợ khiến nhiều người xót xa. Hình ảnh cảm động này được Thiếu tá Đỗ Thành Sự (Công an tỉnh Quảng Ngãi) ghi lại vào ngày 20/7 tại chốt kiểm soát dịch đèo Bình Đê, nơi giáp ranh với tỉnh Bình Định. Đoàn người may mắn được lực lượng tại chốt kiểm dịch đèo Bình Đê phát hiện, cấp mì tôm sống ăn tạm và hỗ trợ xe đưa về.
Trước đó, do không có tiền và phương tiện, 47 người dân tộc thiểu số Hrê ở làng Măng (xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) quyết định đi bộ về quê. Được biết, trưa 10/7, trong lúc đang chốt trực ở trụ sở UBND xã Ninh Ích - thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (ngay mặt tiền quốc lộ 1), công an xã phát hiện một nhóm người đi thành đoàn dài với ba lô, túi đựng tư trang vật dụng. Thấy vậy, công an liền mời vào làm việc để bảo đảm công tác phòng dịch COVID-19. Qua xác minh, những người này cho biết họ thường trú tại xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Họ đến Khánh Hòa làm thuê từ tháng 5/2021.
Công việc làm rẫy trồng keo mỗi ngày 200.000 đồng/người nhưng 2-3 ngày mới làm 1 lần. Do đó, những người này không đủ tiền để mua thức ăn. Sau 2 tháng, họ chỉ làm được khoảng 15 ngày. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, họ muốn về quê nhưng không có phương tiện.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ 2 ô tô đưa 47 người này về đến huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Thị xã Ninh Hòa cũng hỗ trợ người dân cơm, mì tôm, nước uống…
Mới đây cộng đồng mạng nghẹn lòng chuyện 4 mẹ con chở nhau trên 2 đạp từ Trảng Bom, Đồng Nai về quê ở Nghệ An. Sau 10 ngày di chuyển, nhóm mẹ con đến được Ninh Thuận thì được một chốt kiểm dịch phát hiện và giúp đỡ. Rất nhanh sau đó, cộng đồng mạng chia sẻ câu chuyện và 4 mẹ con được một mạnh thường quân hỗ trợ mua vé tàu về quê.
Tiếp đó là câu chuyện rơi nước mắt về hành trình của 4 ngư dân đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên. Sau chuyến biển vừa thất bát vừa không bán được cá vì dịch COVID-19, 4 ngư dân quyết định đi bộ thẳng từ Cà Ná về Phú Yên.
Khi đến huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận), cách TP Cam Ranh (Khánh Hòa) 28km cả 4 người đều mệt lả phải dừng lại. Ngay khi nhận được thông tin, Đội SOS Chữ thập đỏ tỉnh Phú Yên đã vượt hơn 200km trong đêm để đón người dân về nhà.
Mới đây, một đoạn clip ghi lại cảnh một người đàn ông bật khóc vì nhận được số tiền hỗ trợ từ những nhà hảo tâm sau chuỗi ngày đi bộ để trở về quê nhà. Trong đoạn clip này, khi cầm trên tay số tiền, người đàn ông bật khóc xúc động: “Em cảm ơn mọi người nhiều lắm. Từ đó đến giờ, em chưa bao giờ cầm số tiền lớn thế này luôn”.
Theo anh Nguyễn Văn Quỳnh, Trung úy Công an huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông, nhân vật chính trong đoạn clip là anh Trần Văn Khánh (SN 1987, ở thị trấn Thứ 11, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).
Anh Khánh đến TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) để làm thuê trong một vườn rẫy. Do bị tai nạn hơn 2 tháng trước nên anh không thể làm việc và chỉ nằm dưỡng bệnh trong rẫy. Gần đây, anh muốn về nhà chị gái ở TP Đồng Xoài (Bình Phước) nhưng do không có tiền nên anh đã quyết định đi bộ. Anh đi bộ ròng rã suốt 16 ngày, đi đường ai cho ăn gì thì ăn nấy, ngủ vật vã ở nhà dân ven đường.
Đến ngày 24/7, khi anh đến thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp) thì người dân biết được hoàn cảnh khó khăn của anh. Một nhóm Facebook có tên Đắk Rlấp 24h đã kêu gọi sự giúp đỡ và quyên góp được hơn 7 triệu đồng, giúp anh có tiền lộ phí đi đường, đồng thời giúp anh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 để có thể đến Bình Phước.
Hiện tại anh Khánh không thể quay lại Đắk Lắk, cũng không thể vào Bình Phước bởi địa phương này đang giãn cách. Chốt kiểm soát dịch Cai Chanh đã bố trí một chỗ nghỉ tạm thời cho anh Khánh trong thời gian nhóm Đắk Rlấp 24h tìm một nơi lưu trú cho anh ở đến khi các tỉnh dỡ bỏ lệnh giãn cách…
Và những hành trình không đơn độc
Trong những ngày chống dịch khó khăn, thử thách này, đã có không ít những câu chuyện nghĩa tình ấm áp được lan tỏa. Cùng với các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch, lực lượng công an trên từng lĩnh vực, mặt trận đã có những việc làm ấm áp, nghĩa tình. Câu chuyện về những người chiến sỹ lực lượng cảnh sát giao thông dẫn đường hàng trăm km đưa người dân về quê an toàn đã được đông đảo cư dân mạng ngợi ca trong những ngày vừa qua.
Hàng nghìn lượt xe máy di chuyển từ TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương về Tây Nguyên. Trên hành trình dài hàng trăm km đó, tất cả đều được di chuyển an toàn và thuận lợi. Ngay sau khi hình ảnh này được chia sẻ, đông đảo cư dân mạng đã gửi lời cảm ơn tới lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bình Phước và Công an tỉnh Đắk Nông.
Không kể ngày hay đêm, những người dẫn đường mang sắc phục công an nhân dân luôn có mặt để hỗ trợ người dân khi đi qua địa bàn. Còn tại cửa ngõ tỉnh Quảng Ngãi rất nhiều người trở về sau hành trình mưu sinh đã cảm thấy ấm lòng hơn. Lực lượng Công an tại đây không chỉ giúp đỡ người dân kiểm tra y tế, cung cấp một số đồ nhu yếu phẩm cần thiết. Đó còn là chuyến xe nghĩa tình được cán bộ, chiến sĩ Công an thị xã Phổ Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi đóng góp, giúp đưa đón bà con không có phương tiện trở về nhà.
Và đó còn là những “trạm dừng chân” ấm áp, khi thấy bà con các tỉnh về dọc quốc lộ 14 không mua được đồ ăn thức uống, người dân ở xã Nâm N’jang, huyện Đắk Song (Đắk Nông) góp công góp của tạo nên những “nồi bắp 0 đồng”.
Do thời gian gấp rút, chặng đường đi lại vừa xa vừa phải chờ qua các chốt kiểm dịch nên phần lớn mọi người đều đói và mệt. Ngoài một số ít người chuẩn bị sẵn đồ ăn được ở nhà, số còn lại không thể mua được đồ ăn dọc đường do nhiều hàng quán e ngại những người từ vùng dịch trở về.
Anh Nguyễn Văn Bền, người “sáng lập” nồi bắp cho biết, không chỉ có bắp luộc, người dân ở đây cũng mua cả khoai luộc và tặng kèm với nước lọc cho người dân đi đường ăn lót dạ. Chỉ trong vòng 2 ngày 18 và 19/7, nhóm thiện nguyện đã nấu và tặng gần 4.000 quả bắp cùng 3.000 chai nước suối cho người dân từ các tỉnh phía Nam đi qua địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Có thể nói, dịch bệnh quả thật đáng sợ nhưng lạ thay, ngay trong lúc nguy nan nhất, tình người lại trỗi dậy hơn bao giờ hết. Ngay trong tâm dịch Sài Gòn, là dăm, ba ký gạo, là bó rau, là hũ muối vừng... tất tần tật những gì họ có thể gửi trao, giúp nhau cùng vượt qua dịch bệnh. Ấm áp đến vô ngần! Và chỉ có trong khốn khó thế này mới thấy được tình người nồng ấm đến kỳ lạ. Dẫu là những câu chuyện nhỏ, rất nhỏ nhưng lúc này mọi thứ lại trở nên đáng yêu, đẹp đẽ vô cùng. Sự đoàn kết, yêu thương nhau giữa người với người dường như chưa bao giờ tắt, mà trong nghịch cảnh lại càng trỗi dậy mạnh mẽ lạ kỳ.
Bởi thế, trong những ngày tháng cam go này, là những ngày chúng ta cay xè mắt bởi nghĩa tình, là thương xót và trắc ẩn trong hoạn nạn. Và khắp mọi miền đất nước, chúng ta đều hướng về nơi tâm dịch “máu chảy ruột mềm”, là “bầu bí thương nhau”, là những tấm lòng, những nghĩa cử xích lại gần nhau. Người Việt mình là vậy, hai chữ “đồng bào” luôn thấm đẫm từ sâu thẳm, nơi bọc trứng mẹ Âu Cơ không chỉ là thần thoại…
Các địa phương đón người dân về quê, “chia lửa” với TP HCM
Ngày 21/7, chuyến bay số hiệu VN-122 đưa 227 người trong số 626 người dân Đà Nẵng tại TP TP HCM về quê. Trước đó, tối 20/7, cũng tại sân bay Tân Sơn Nhất, khoảng 200 người dân tỉnh Bình Định sinh sống và làm việc tại TP HCM gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã lên tàu bay về quê.
Sáng 21/7, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã đưa 10 xe ô tô đi đón người dân Quảng Nam có hoàn cảnh khó khăn đang ở TP HCM về quê. Được biết, đợt này Quảng Nam dự tính sẽ đón khoảng 300 - 400 người dân. Cũng trên các chuyến xe này có hơn 100 tấn hàng cứu trợ của Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam gửi vào TP HCM để hỗ trợ cho người dân vùng dịch.
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa 400 người dân đang khó khăn tại TP HCM về quê, tỉnh Bình Định thuê 4 chuyến bay đón 1.000 người dân từ TP HCM về quê, Thừa Thiên - Huế dự kiến đợt 1 từ ngày 20 - 25/7 có khoảng 300 người được đưa về quê bằng tàu hỏa,...
Theo dự kiến, 3 chuyến bay còn lại chở người Bình Định sinh sống, làm việc, học tập… tại TP HCM về quê sẽ được thực hiện vào các ngày 23, 27 và 30/7. Hội đồng hương Bình Định tại TP HCM đang tiếp tục cập nhật danh sách hỗ trợ đưa người dân về quê nhà…
Trước tình hình dịch Covid-19 tại TP HCM và một số tỉnh, thành phía Nam đang diễn biến phức tạp, việc làm này thật ấm lòng đối với những người dân đang gặp khó khăn ở vùng dịch, cũng để chia sẻ với TP HCM.