Tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục diễn biến phức tạp và gay gắt

(PLO) - Hôm qua (15/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2017 của Chính phủ. Theo Báo cáo của Chính phủ, tình hình khiếu nại, tố cáo đã giảm so với năm 2016 nhưng vẫn phức tạp, gay gắt nhất là trong lĩnh vực đất đai.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày báo cáo.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày báo cáo.

Người giải quyết khiếu nại cũng bị tố cáo

Trình bày Báo cáo tóm tắt, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, năm 2017, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có giảm so với năm 2016, thể hiện trên các tiêu chí: Số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 11%; tổng số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 25,6%, tuy nhiên số đoàn đông người tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2016.

Về khiếu nại, cả nước phát sinh 56.762 đơn khiếu nại, trong đó có 22.372 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 10,6% số đơn và giảm 23,7% số vụ việc. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm 61,7%, về nhà ở chiếm 11,7% trong tổng số đơn khiếu nại.

Về tố cáo, cả nước phát sinh 15.148 đơn tố cáo, trong đó có 5.157 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính nhà nước. So với cùng kỳ năm 2016, giảm 12% số đơn và giảm 33,2% số vụ việc. Trong tổng số đơn tố cáo, nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm 62,7% chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thực hiện chính sách xã hội. Tố cáo trong lĩnh vực tư pháp chiếm 4,8%, chủ yếu là tố cáo cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng thiếu khách quan trong giải quyết các vụ án. Tố cáo cán bộ, công chức có hành vi tham nhũng chiếm 5,1%...

Tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân từ cuối năm 2016 đến nay nhìn chung có giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt. Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. 

Số lượt người, số vụ việc và số lượt đoàn đông người đến Trụ sở tiếp công dân Trung ương giảm, tuy nhiên tình hình khiếu kiện của công dân vẫn diễn ra phức tạp. Các đoàn đông người xuất phát từ việc khiếu nại không đạt mục đích chuyển sang tố cáo người giải quyết với thái độ gay gắt, bức xúc. Nhiều trường hợp mặc dù đã được Trụ sở tiếp nhiều lần, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng không trở về địa phương để được giải quyết theo quy định của pháp luật, tiếp tục đeo bám khiếu kiện dài ngày tại Hà Nội gây mất an ninh, trật tự.

Cũng theo Bộ trưởng Tân, điều đáng lo ngại là một số thế lực thù địch và cơ hội chính trị đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích, biểu tình, chống đối làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.

Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước còn kém

Ông Tân đánh giá nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực ở một số địa phương còn nhiều tồn tại, yếu kém, nhất là trong công tác quản lý, sử dụng đất đai. “Đáng chú ý, có những vụ việc xuất phát từ trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức còn hạn chế, thậm chí có hành vi vi phạm pháp luật, vụ lợi cá nhân, thiếu khách quan, công tâm trong thực thi công vụ làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. Thủ trưởng cơ quan hành chính ở một số nơi chưa thực hiện hết trách nhiệm theo quy định của pháp luật; có việc thời gian giải quyết kéo dài, việc thẩm tra, xác minh sơ sài, thu thập chứng cứ không đầy đủ, kết luận thiếu chính xác, phương án giải quyết thiếu thuyết phục; chưa thực hiện đúng quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, không tổ chức đối thoại”- Báo cáo nêu.

Ngoài ra còn do cơ chế, chính sách pháp luật chưa được hoàn thiện, hoặc thiếu đồng bộ. Việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành chậm, còn nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. 

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, báo cáo của Chính phủ chưa tập trung phân tích, đánh giá sâu sắc về kết quả và chất lượng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là việc phân tích, đánh giá nguyên nhân tăng, giảm các số liệu trên cơ sở có so sánh với các năm trước nên tính thuyết phục chưa cao; chưa có đầy đủ số liệu kết quả xử lý trách nhiệm người đứng đầu nơi có vi phạm các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. “Một số nguyên nhân và giải pháp còn chung  chung chưa thể hiện rõ nội dung mới của năm 2017, kiến nghị còn ít và chưa cụ thể. Những bất cập trong thực tiễn giải quyết tố cáo chưa gắn với việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tố cáo. Một số ý kiến cho rằng giữa tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, giải pháp và kiến nghị chưa đồng bộ, một số nhận định, đánh giá còn chưa thực sự thống nhất”-Ủy ban Pháp luật đánh giá. 

Đọc thêm