Những bàn luận nổ ra từ giữa tháng 4/2020, khi báo PLVN đăng tải một số bài viết về vụ án xảy ra tại TX Hoàng Mai. Một bác nông dân mua đất của một phụ nữ quen biết. Hai bên đã làm đủ các thủ tục pháp lý. Chín năm sau, người phụ nữ sau khi đi xuất khẩu lao động trở về, đã cắt khóa vào căn nhà nằm trên đất để sinh sống.
Bác nông dân “đuổi” chủ đất cũ đi không được, sau khi báo chính quyền địa phương cũng không được xử lý rốt ráo, đã “tự xử” thuê máy xúc đến phá căn nhà trên đất mình đã mua. Sau khi có hành vi, hai cha con người nông dân này cùng bị bắt, bị tuyên án có tội, dù kêu oan từ đó đến nay.
Vụ án hi hữu không chỉ “nóng” ở địa phương, khiến phiên sơ thẩm nhiều người dân tới dự đến mức phòng xử không đủ chỗ ngồi, lãnh đạo địa phương nhắc lại sự việc phải thốt lên “ân hận”, cả hệ thống chính trị địa phương xác định đây là sự việc nổi cộm, hàng trăm người trong khu vực viết đơn kêu oan cho cha con bị cáo.
Vụ án còn khiến dư luận cả nước “nóng” theo, vì liên quan vấn đề ai cũng quan tâm là mua bán đất đai, bán đất có đồng nghĩa bán nhà trên đất hay không? Nói cách khác, kết quả vụ án có thể trở thành một tiền lệ án rất quan trọng trong lịch sử tố tụng Việt Nam.
Rất mừng khi sự việc pháp lý hi hữu này đã làm dậy sóng dư luận, được mọi người quan tâm. Tòa phúc thẩm ngày 20/4 vừa qua cũng đã hoãn phiên xử. Nhiều tờ báo tới nay cũng đã vào cuộc, mổ xẻ, phân tích các khía cạnh, các vấn đề liên quan vụ án. Trên mạng xã hội, cũng đã có hàng ngàn, thậm chí có đến hàng vạn ý kiến tranh cãi, bình luận về sự việc, rằng cha con bác nông dân oan hay không…
Tất nhiên, việc oan hay không, đúng sai ra sao, phải căn cứ luật pháp, sẽ có tòa phân xử. Nhưng dư luận cũng có quyền được quan tâm, theo dõi, quyền được biết, quyền được nêu ra ý kiến chính đáng của mình về vụ việc. Đó cũng là cách học luật nhanh nhất, “ngấm” nhất.
Có điều tranh luận bàn cãi ra sao trên tinh thần thượng tôn luật pháp, tinh thần cầu thị, để hiểu luật hơn, để nếu có oan sai thì người bị oan phải được xin lỗi bồi thường, chứ không nên nêu ý kiến kiểu “bỏ bóng đá người”. Trong “trận đấu” này, tất cả cùng thắng, cùng hiểu luật, để luật pháp được thực hiện đúng đắn, chứ không có mình ai thắng mình ai thua.