Tố cáo tham nhũng ở Vivaso: Cựu Vụ trưởng Quản lý DN nói “lâu rồi, tôi không nhớ...”

(PLO) -Văn phòng Chính phủ hôm 4/5 đã có văn bản gửi Bộ GTVT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ này phải kiểm tra làm rõ những tố cáo tiêu cực trong quá trình cổ phần hóa tại Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso).
Định giá Vivaso khi cổ phần 327 tỷ đồng là đắt hay rẻ?
Định giá Vivaso khi cổ phần 327 tỷ đồng là đắt hay rẻ?

Dàn xếp thâu tóm cổ phần?

Trước đó, PLVN đã đăng tải loạt bài với nghi vấn có hay không sự dàn xếp để nhà đầu tư Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường thâu tóm cổ phần của Vivaso thuộc Bộ GTVT, khi doanh nghiệp này tiến hành cổ phần hóa hồi năm 2014.

Nghi vấn trên xuất phát từ thời điểm ngày 19/3/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Vivaso đấu giá thành công 550.700 cổ phần; số còn lại (hơn 14 triệu cổ phần), lãnh đạo Vivaso khi đó xin phép Bộ GTVT cho thương thảo tiếp với các nhà đầu tư đã tham dự phiên đấu giá thành công ngày 19/3/2014 để bán tiếp cho đến hết ngày 4/4/2014. Nhưng sau đó, bất ngờ có chỉ đạo từ Bộ GTVT là phải đàm phán bán số cổ phần còn lại cho nhà đầu tư Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường.

Cụ thể, chỉ ít ngày sau phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), với mức giá 10.000 đồng/cổ phần, ông Nguyễn Thủy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường liền có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị được mua 14.627.287 cổ phần còn lại. 

Ngày 26/3/2014, lãnh đạo Bộ GTVT đã có bút phê trên đơn của nhà đầu tư  với nội dung: “Đồng ý chuyển Vụ Doanh nghiệp làm việc với Tổng công ty Đường thủy…”.  

Ông Nguyễn Thủy Nguyên sau đó đã mua được, và giờ đã là Chủ tịch HĐTV của doanh nghiệp này.

“Lâu quá rồi, tôi không nhớ...”

Liên quan vấn đề nói trên, ngày 4/5/2017, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 4542/VPCP-V.I gửi Bộ GTVT với nội dung: “Thủ tướng Chính phủ nhận được đơn của ông Nguyễn Huy Thanh (do Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng chuyển) tố cáo việc tham nhũng và dấu hiệu bao che tham nhũng trong cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Vận tải thủy”.

Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ có ý kiến về vấn đề này như sau: “Bộ GTVT kiểm tra, làm rõ các nội dung tố cáo liên quan đến việc cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Vận tải thủy, trong đó có việc bán đấu giá cổ phần có đảm bảo công khai, đúng quy định hay không và việc ông Nguyễn Thủy Nguyên chưa thanh toán hết tiền mua cổ phần để xử lý theo quy định...”

Như đã nói, Vivaso IPO vào tháng 3/2017. Thời điểm đó, người “gác gôn”, tham mưu và đề xuất chính sách liên quan tới công tác tái cơ cấu khối doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT là ông Nguyễn Chiến Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp. Ông Thắng sau đó đã được điều động luân chuyển về Yên Bái làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vào tháng 11/2014 - tức sau khi Vivaso đã hoàn thành việc cổ phần hóa.

Hiện, tuy không còn ở Bộ GTVT, nhưng ông Thắng là người từng theo sát quá trình lên kế hoạch, tổ chức thực hiện việc tái cơ cấu một loạt “Tổng” lớn thuộc ngành GTVT, trong đó có Vivaso. Do đó, PLVN đã thông tin việc này tới cựu Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp - mà nay là Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, nhưng vị này nói rằng: “Việc lâu quá rồi, tôi không nhớ cái gì nữa. Có gì anh cứ thông tin đến Bộ GTVT, nếu có gì liên quan đến tôi, tôi sẽ phối hợp...”.

“Ngày đó, tôi không trực tiếp làm về Đường thủy (Vivaso - PV). Tôi đã giao cho một đồng chí Vụ phó trực tiếp xuống làm việc của đơn vị này”, cựu Vụ trưởng Quản lý doanh nghiệp Nguyễn Chiến Thắng nói thêm.

Theo lời vị này thì một cấp Phó ở Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ GTVT  đã trực tiếp “thụ lý” vấn đề trên - vậy Vụ phó đó là ai, có tường tận trình tự và diễn biến việc cổ phần hóa Vivaso hơn Vụ trưởng Thắng lúc bấy giờ hay không?

Liên quan vấn đề này, PLVN cũng đã trao đổi với Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức. Đại diện Văn phòng Bộ này nói sẽ kiểm tra, hồi âm với điều kiện bản báo phải đánh văn bản gửi đến Bộ.

Mua cổ phần vì “đất vàng”?

Ông Nguyễn Thủy Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường, Chủ tịch Vivaso sau đó còn gây chấn động dư luận khi tham gia vào thương vụ mua bán Hãng Phim truyện Việt Nam. Sự vụ thu hút sự chú ý của nhiều người trong đó có giới văn nghệ sỹ, còn báo giới khi đó hóm hỉnh rằng, sự thật phía sau việc “thủy thủ đi làm phim” chính là khu đất vàng nhiều mặt tiền ven hồ Tây (Hà Nội)?

Tại Vivaso, việc nắm giữ nhiều cổ phần ở đây cũng đồng nghĩa với việc ông Nguyên đang có trong tay quyền sử dụng nhiều lô đất trị giá hàng trăm tỷ đồng, trong đó có trụ sở của “Tổng” này ở 158 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội).

Đọc thêm