Năm 2014, Đài Loan sẽ “mở cửa” nhận “ô sin” Việt Nam?

(PLO) - Sau 9 năm đóng cửa, ngưng tiếp nhận lao động giúp việc nhà từ Việt Nam, đầu năm 2014 rộ lên thông tin Đài Loan sẽ dở bỏ "lệnh cấm", mở cửa trở lại đối với loại hình lao động rất đặc thù này.
Năm 2014, Đài Loan sẽ “mở cửa” nhận “ô sin” Việt Nam?

Đây là tin vui đối với các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam cũng như hàng vạn lao động nữ ở nông thôn mong muốn được đi làm "ô sin Đài Loan". Phía cơ quan quản lý nhà nước cũng "ngóng đợi" tin này thành hiện thực bởi thị trường Đài Loan đang dẫn đầu các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam.

Năm 2013 cả nước đưa được hơn 8,8 vạn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó khoảng 50% là đi làm việc tại Đài Loan (4,6 vạn lao động). Năm 2014 Cục Quản lý lao động ngoài nước dự kiến sẽ có khoảng 4,5 đến 5 vạn lao động được thị trường Đài Loan tiếp nhận và con số sẽ cao hơn nếu phía Đài Loan dở bỏ lệnh "cấm" đối với giúp việc gia đình.

Niềm hy vọng này không phải không có cơ sở khi năm 2013 phía Đài Loan đã áp dụng biện pháp đông kết, ngừng tiếp nhận lao động Philippines.

Thực tế, sau khi ngừng tiếp nhận lao động Philippines, chủ sử dụng Đài Loan đã quay sang lựa chọn lao động Việt Nam khiến cho số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này năm qua đã tăng lên đáng kể.

Bên cạnh đó, thị trường Đài Loan có sự "khởi sắc" còn do những biện pháp chấn chỉnh thị trường, thanh kiểm tra, rà soát hoạt động của các doanh nghiệp đưa lao động đi Đài Loan của Cục QLLĐNN đã phát huy tác dụng. Các đoàn thanh kiểm tra đã trực tiếp phỏng vấn người lao động trước khi đi về mức phí và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, tạm dừng một số doanh nghiệp có sai phạm.

Cụ thể, Cục QLLĐNN đã tạm dừng việc đưa lao động sang Đài Loan đối với 14 công ty mà "lỗi" chủ yếu đều do các doanh nghiệp này thu phí cao, thậm chí lập giấy vay nợ khống và bắt người lao động phải ký không đúng quy định của pháp luật. 8/14 công ty thu phí cao nhưng  không đảm bảo điều kiện ăn ở cho người lao động là : Vinamotor, Petromanning, Vihatico, Letco, Vinatex -LC, Vivaso, Vietcom Human.

Mới đây, Bộ LĐTBXH đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp XKLĐ giảm chi phí đi làm việc tại Đài Loan xuống mức hợp lý kể từ ngày 1/2/2014. Theo đó, tổng chi phí của người lao động trước khi đi làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan không vượt quá 4000 USD/ lao động đối với hợp đồng 03 năm, chi phí môi giới tối đa không quá 1.500 USD.

Văn bản này cũng cho phép doanh nghiệp được thoả thuận ký quỹ đảm bảo hợp đồng với người lao động nhưng không quá 1000 USD/ người. Nếu doanh nghiệp thu vượt trần tối đa nói trên sẽ bị xử lý nghiêm khắc, trong đó cao nhất là tạm dừng đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan.

Đọc thêm