Cổ phần hóa VIVASO: Chi trăm tỷ mua “nghèo khó”?

(PLO) - Ông Nguyễn Thủy Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường từng kêu ngành “vận tải thủy nghèo, cổ phần bán không ai mua”. Ấy vậy mà Vạn Cường vẫn chi hàng trăm tỷ đồng để sở hữu 45% vốn điều lệ tại VIVASO, và tới đây, có thông tin doanh nghiệp, này tiếp tục móc hầu bao mua thêm 20% vốn ở VIVASO. Có gì mâu thuẫn trong lời nói và hành động của nhà đầu tư này?
Mua VIVASO, nhà đầu tư Vạn Cường có trong tay nhiều khu đất “vàng”, trong đó có Cảng Hà Nội
Mua VIVASO, nhà đầu tư Vạn Cường có trong tay nhiều khu đất “vàng”, trong đó có Cảng Hà Nội
Nhận diện nhà đầu tư chiến lược
Ngày 17/9/2014, Báo PLVN có bài “Cổ phần hóa TCty Vận tải thủy: Ai được, ai mất?” nói về quá trình thay tên đổi chủ tại doanh nghiệp (DN) này cùng với những câu hỏi nghi vấn về việc hạ thấp giá trị DN trước khi cổ phần? Trong số này, chúng tôi tiếp tục trở lại vấn đề nói trên với những thông tin mới liên quan đến quá trình mua, bán VIVASO và nhà đầu tư chiến lược của DN này.
Như đã viết, nhà đầu tư hiện đang nắm giữ số lượng cổ phần lớn nhất (45%) tại “Tổng” này là Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, có văn phòng tại Hà Nội do ông Nguyễn Thủy Nguyên làm Tổng Giám đốc. Trước khi được “mối lái” để trở thành ông chủ của VIVASO, Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường hoàn toàn xa lạ đối với ban lãnh đạo của doanh nghiệp nói trên. “Chúng tôi dù công tác trong ngành Giao thông vận tải (GTVT) nhưng nói thật là trước đó không hề biết gì về Vạn Cường cả” - ông Phạm Ngọc Đích, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên VIVASO cho hay.
Theo xác minh của PLVN, Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường do ông Nguyên làm Tổng Giám đốc là một DN tư nhân. Trước khi sở hữu một lượng lớn cổ phần tại “Tổng” này, Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã được Bộ GTVT giao nhiều dự án thi công đường bộ như quốc lộ 1A và quốc lộ 14… Tóm lại, Vạn Cường là một DN không còn xa lạ với Bộ GTVT và các Ban quản lý dự án trực thuộc Bộ này.
Kêu khó nhưng vẫn chi trăm tỷ mua doanh nghiệp
Không chỉ được tham gia nhiều dự án trọng điểm của ngành GTVT, Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường gần đây đã, đang sở hữu phần lớn cổ phần và nắm quyền làm chủ tại VIVASO. Câu chuyện nhà đầu tư Vạn Cường ngắm nghía sau đó “đổ” tiền tỷ vào một DN nhà nước để nắm quyền quản lý không có gì là cá biệt trong bối cảnh hàng loạt DN thuộc ngành GTVT đang tiến hành cổ phần hóa, chỉ có điều thời điểm mua cổ phần và một số tuyên bố của nhà đầu tư sau khi bỏ tiền vào “Tổng” này khiến dư luận cho rằng có dấu hiệu của sự sắp đặt nào đó chứ không phải là chuyện thuận mua, vừa bán thông thường?
Cụ thể, theo thông tin phóng viên có được, ngày 19/3/2014, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, VIVASO đã tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với việc chào bán rộng rãi hơn 15 triệu cổ phần (tương đương 46% vốn điều lệ). Tuy nhiên, tại thời điểm này nhà đầu tư Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường không xuất hiện. Kết quả phiên đấu giá lần đầu, VIVASO chỉ bán ra được hơn nửa triệu cổ phần, với mức đấu giá thành công là 10.000 đồng/cổ phần… 
Ngay ngày hôm sau, những thông tin về cuộc IPO đã được báo cáo lên lãnh đạo Bộ GTVT. Và chỉ bảy ngày sau đó (tức ngày 26/3/2014), nhà đầu tư Vạn Cường lập tức xuất hiện với Công văn số 116/CV do Tổng Giám đốc Nguyễn Thủy Nguyên ký, gửi Bộ GTVT về việc xin mua hết toàn bộ hơn 14 triệu cổ phần chưa bán hết trong ngày 19/3/2014. 
Quyết định đặt mua cổ phần của nhà đầu tư này vì sao không phải  ngay trong ngày 19/3 mà là ngày 26/3? Phải chăng việc “thâu tóm” VIVASO đã nằm trong “kịch bản” của Vạn Cường, nhưng phải đợi qua ngày 19/3  - tức là sau khi xác định được giá trị bình quân của mỗi cổ phần, đồng thời có văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký chỉ đạo Ban Chỉ đạo cổ phần hóa Cty mẹ - VIVASO “thực hiện đàm phán, thoả thuận với nhà đầu tư (Cty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường) để bán số cổ phần còn lại… không thấp hơn giá đấu thành công bình quân”, thì nhà đầu tư này mới xuất hiện và “đổ” vào đây hơn 100 tỷ đồng để sở hữu VIVASO?
Sau khi mua được DN này, mới đây tại một buổi thảo luận bàn biện pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực vận tải thủy nội địa vùng Đồng bằng sông Hồng, với sự có mặt của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, ông Nguyễn Thủy Nguyên, tân Chủ tịch VIVASO kêu rằng: “Các công ty đường bộ bán cổ phần thì thi nhau mua, nhưng công ty thủy thì bán mãi chẳng ai mua. Lý do là vì vận tải thủy nghèo, người làm đường thủy rất nghèo!”. Ý ông Nguyên là cần phải đầu tư mạnh hơn nữa cho lĩnh vực mà DN ông đang có ưu thế về mặt thị phần ở miền Bắc?
Điều đáng nói là, một mặt thì kêu than vận tải thủy đang gặp nhiều khó khăn, nhưng mặt khác Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường tiếp tục đăng ký mua thêm 20% cổ phần tại VIVASO. “Cuối tuần trước, chúng tôi đã nhận được Văn bản số 10849/BGTVT-QLDN của Bộ GTVT về việc thoái vốn nhà nước tại một số DN, trong đó có “Tổng” của chúng tôi. Nhà đầu tư Vạn Cường cũng đang muốn mua tiếp 20% vốn của Nhà nước tại đây” - Tổng Giám đốc VIVASO xác nhận với PLVN hôm qua (18/9).
Ở đây, nếu xem lại quá trình đổi mới mô hình DN tại VIVASO (từ thời điểm IPO đến bây giờ), có thể thấy việc Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường thâu tóm một “Tổng” lớn về kinh doanh vận tải thủy của Bộ GTVT không phải là một sự ngẫu nhiên mà có lẽ đã có “kịch bản” từ trước? Bởi trên thực tế, Ban Chỉ đạo Cổ phần hóa VIVASO chưa kịp tiến hành thương thảo với các nhà đầu tư tham dự đấu giá thành công vào ngày 19/3/2014 để bán tiếp thì Bộ GTVT đã có văn bản chỉ định cho Cty Liên hợp xây dựng Vạn Cường vào mua. 
PLVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này./.

Đọc thêm