Chung tay vì cộng đồng
Đã gần 3 tuần nay, bác sĩ CK2 Phạm Minh Hải ít có giờ nghỉ ngơi cho riêng mình. Anh là trưởng nhóm điều phối của Nhóm Bác sĩ Chung tay vì cộng đồng được thành lập vào những ngày cuối tháng 7/2021 đang hoạt động tại TP HCM.
Trên Facebook, nhóm Bác sĩ Chung tay vì cộng đồng hơn 4000 thành viên, không trao đổi gì khác ngoài hỏi - đáp giữa bệnh nhân và bác sĩ. Ý tưởng đầu tiên do chị Phan Thị Ngọc Quyên, chủ sở hữu chuỗi làm đẹp Hasaki và bác sĩ Hải đề ra.
Nhóm hoạt động với sự điều phối chuyên môn của bác sĩ Phạm Minh Hải trên nền tảng về công nghệ và nhân sự hỗ trợ của doanh nghiệp, với page, group Facebook, kênh zalo và hotline 180064642 phục vụ bệnh nhân miễn phí. Bộ phận điều phối gồm gần 10 người trực trên các kênh từ 9h sáng - 23h.
Các bác sĩ trả lời câu hỏi của người bệnh trên group và được phân chia lịch trực tổng đài ở những khung thời gian cố định. Khi bệnh nhân gọi, hệ thống sẽ chuyển cuộc gọi đến số cầm tay cho bác sĩ tương tác với bệnh nhân.
“Ban đầu, mục tiêu khi thành lập nhóm là nhằm cải thiện thực trạng bệnh nhân không được tiếp cận các dịch vụ y tế do tình trạng phong tỏa, y tế quá tải. Hiện đã có trên 50 bác sĩ tham gia, đến từ các bệnh viện tuyến đầu điều trị COVID-19, bệnh viện quốc tế, bệnh viện tư nhân, các phòng khám... từ nhiều vùng, miền trên khắp cả nước như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An, Bắc Ninh...
Giờ đây nhóm gần như mô hình của một bệnh viện hạng 1 với tập hợp các bác sĩ mọi chuyên khoa: Từ da liễu, nhi, hô hấp, chấn thương chỉnh hình, huyết học truyền máu cho đến chuyên gia tâm lý... Nhiều bác sĩ đang xông pha ngoài tuyến đầu điều trị bệnh nhân vẫn nhận “trực chiến”, thậm chí hỗ trợ bệnh nhân đến nửa đêm. Chúng tôi cố gắng không bỏ rơi bất cứ bệnh nhân nào cần đến mình”, bác sĩ Phạm Minh Hải cho biết.
Bác sĩ Tai mũi họng Nguyễn Huy Tú hiện làm việc tại phòng khám Đa khoa quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) biết đến Bác sĩ chung tay vì cộng đồng qua lời kêu gọi đăng trên trang của Đại học y khoa Hà Nội và tham gia từ những ngày đầu. Mỗi ngày, từ Hà Nội, anh khám cho nhiều bệnh nhân Sài Gòn bằng cách trả lời tin nhắn hoặc gọi điện trực tiếp.
Như cách đây vài hôm, bác sĩ Tú nhận yêu cầu giúp đỡ từ một người chồng sống trong khu phong tỏa cho biết vợ mình đau vùng thượng vị, đau ngực khi hít sâu. Qua thăm khám, bác sĩ Tú đã chẩn đoán trường hợp có thể điều trị tại nhà và kê thuốc, theo dõi bệnh. Đến nay, người vợ đã hết các triệu chứng đau, sinh hoạt bình thường.
Nhóm Bác sĩ chung tay vì cộng đồng đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị cung cấp oxy miễn phí, sau khi thăm khám chẩn đoán, bác sĩ “nhấn nút” là phía đơn vị cung cấp oxy lập tức lên đường đến ứng cứu bệnh nhân. Mỗi ngày, nhóm tiếp nhận hỗ trợ trên 30 ca bệnh, tới nay đã có hàng ngàn bệnh nhân được hỗ trợ từ xa như thế.
Mô hình cần nhân rộng
Thời gian này, bác sĩ Trần Ngọc Lưu Phương, Trưởng khoa Nội soi - Tiêu hóa BV Nguyễn Tri Phương đang đảm nhận nhiều vai trò, vừa tham gia điều trị COVID-19, là thành viên của nhóm Bác sĩ chung tay vì cộng đồng, lại là Cụm trưởng của Tổ Y tế từ xa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Được thành lập gần 20 ngày và có 2 tuần “chạy nháp”, Tổ Y tế từ xa do các thầy cô trường Phạm Ngọc Thạch lập đã phát huy hiệu quả tích cực. Nếu như Bác sĩ chung tay vì cộng đồng tận dụng ưu thế về quy trình, công nghệ của doanh nghiệp và sự chung sức của nhiều bác sĩ cả nước, thì Tổ Y tế từ xa lại là một “đội mạnh” phát huy được sức mạnh của hơn 100 bác sĩ và hơn 600 sinh viên, với quy trình chuẩn và chuyên nghiệp. Tổ chia thành 10 cụm, mỗi cụm chia thành 10 đội, 100 đội ấy phụ trách 20 quận huyện.
Mỗi cụm có 1 cụm trưởng và một cụm phó là bác sĩ, giảng viên của trường. Sinh viên phụ trách tiếp nhận thông tin người bệnh, liên kết với cụm nơi bệnh nhân cư trú. Các sinh viên năm thứ 5 - thứ 6 được 1 bác sĩ trẻ kèm liên hệ, lắng nghe, ghi chép triệu chứng của bệnh nhân và chuyển bệnh án cho bác sĩ phụ trách. Những ca bệnh nghiêm trọng sẽ được chuyển đến bác sĩ cụm trưởng.
Với những trường hợp cần hỗ trợ trực tiếp, đội hậu cần kết hợp cùng đơn vị cung cấp oxy mang theo oxy, thuốc men đến nhà bệnh nhân. Theo bác sĩ Lưu Phương, đây cũng là cơ hội giúp sinh viên hiểu thêm ý nghĩa của hai từ “y đức”.
Một trường hợp ở Thủ Đức, có gia đình nhiễm COVID-19. Cụ ông 80 tuổi sốt, ho và khó thở, chỉ số oxy trong máu chỉ còn dưới 92%. Người cháu học y tá chưa ra trường liên hệ đến Tổ Y tế từ xa. Thông qua cuộc gọi video, bác sĩ Lưu Phương đã hướng dẫn người cháu sử dụng máy cô đặc oxy hỗ trợ cho ông cụ, rồi cách đếm nhịp thở, hướng dẫn mua thuốc theo phác đồ của Sở Y tế. Diễn tiến bệnh được người nhà quay clip, nhắn tin báo cáo đều đặn ngày 2 lần. Cụ ông sau đó đã qua khỏi cơn nguy kịch và ổn định sức khỏe.
Theo bác sĩ Lưu Phương, bệnh nhân COVID-19 được can thiệp, xử lý kịp thời ở ngay những triệu chứng đầu sẽ giúp ngăn ngừa sự tăng nặng, biến chứng, góp phần giảm gánh nặng cho tuyến đầu. Cạnh đó, nhiều ca bệnh khác đã được Tổ Y tế từ xa cấp cứu tại nhà, thoát hiểm thành công để kịp thời chuyển đến bệnh viện điều trị.
BS Phương cũng chia sẻ, cái khó của hầu hết các mô hình nằm ở khâu hậu cần, điều này cần có sự góp sức, chung tay của nhiều lực lượng trong xã hội. Hôm nay ngày 18/8, Tổ đã thông báo đi vào hoạt động chính thức với hotline 02899999115. Nhà trường sẽ gửi thư đến UBND quận, huyện mong muốn sự phối hợp, hỗ trợ để mô hình đạt hiệu quả cao hơn. Bởi vậy, mô hình y tế từ xa được đánh giá là sáng kiến hữu hiệu của ngành y tế Sài Gòn trong những ngày dịch bệnh phức tạp.