Tổ chức Pháp chế ở địa phương: Quy định cụ thể cho từng cơ quan

 Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị, dự thảo cần được bổ sung thêm để đảm bảo tính khả thi, tạo thành bước ngoặt trong công tác pháp chế, đồng bộ trên cả nước.

Cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị, dự thảo cần được bổ sung thêm để đảm bảo tính khả thi, tạo thành bước ngoặt trong công tác pháp chế, đồng bộ trên cả nước.

Theo kế hoạch, trong tháng 1/2011, Bộ Tư pháp sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế (thay thế Nghị định 122/2004/NĐ-CP (ngày 18/5/2004) của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc TƯ và doanh nghiệp nhà nước). Tuy nhiên, một trong hai vấn đề còn tranh cãi trong dự thảo chính là qui định có nên thành lập tổ chức pháp chế ở tất cả các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh hay không.

Đại diện các Bộ Nội vụ, Tài chính, Công an đều cho rằng, không nên qui định “cứng” buộc phải thành lập phòng pháp chế ở các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện vì sẽ “vướng” các nguyên tắc về tổ chức bộ máy và biên chế. Thậm chí như đại diện Bộ Tài chính còn lo ngại sẽ “lãng phí hoặc lạm dụng để xây dựng bộ máy mà không đạt hiệu quả công việc”.

Thực tế, nhiều người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương chưa có nhận thức thống nhất về xây dựng tổ chức pháp chế nên theo đại diện Bộ Tài chính, ở các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh có thể qui định thành lập phòng pháp chế hoặc cử cán bộ chuyên trách làm pháp chế (như Nghị định 122). Sau đó, Bộ Tư pháp và các Bộ có thể hướng dẫn cụ thể.

Cùng quan điểm, đại diện Bộ Tài chính nhận thấy, không phải cơ quan chuyên môn nào cũng cần đến tổ chức pháp chế. Do vậy, sẽ hợp lý hơn nếu để UBND cấp tỉnh tự quyết định việc thành lập tổ chức pháp chế ở cơ quan nào là cần thiết.

Từ đặc thù của ngành Công an, đại diện Bộ Công an cũng không tán thành qui định “cứng” về việc thành lập phòng pháp chế ở các cơ quan chuyên môn của UBND cấp huyện. Qui định như vậy là vô hình chung đã “bỏ rơi” 5 phòng pháp chế của cơ quan Công an 5 TP trực thuộc TƯ và các đội pháp chế của Công an các tỉnh vì Công an cấp tỉnh không phải cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh.

Nhưng Bộ trưởng Hà Hùng Cường lại “có cách suy nghĩ khác” khi cho rằng, “không thể để “lơ lửng” (cho phép thành lập theo yêu cầu – PV) thì sẽ “khó thực hiện” mà cần theo hướng “vừa cứng, vừa mềm” trong vấn đề này.

Do vậy, vẫn cần qui định bắt buộc thành lập phòng pháp chế đối với một số Sở như Tài chính, TN&MT, NN&PTNT, Giáo dục, Y tế, GTVT…, còn các cơ quan khác sẽ để từng UBND cấp tỉnh quyết tùy yêu cầu của địa phương.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, tại các địa phương, Sở Tư pháp, Cục THADS, VKSND, TAND, Thanh tra tỉnh không thành lập tổ chức pháp chế vì “đã có nghề “làm luật”. Nhưng cần quan tâm đến các cơ quan TƯ đóng tại địa bàn như Cục Thuế, Hải quan… hay các đơn vị lực lượng vũ trang lại phải có tổ chức pháp chế.

Huy Anh 

Đọc thêm