Việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong tu dưỡng, rèn luyện, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Qua đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp có phẩm chất đạo đức tốt, phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực, chuyên nghiệp, có hiệu quả.
Đặc biệt, thông qua phong trào thi đua, có thể tạo ra môi trường làm việc dân chủ, văn hóa, thân thiện, hiện đại; cơ quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, bảo đảm tính trang nghiêm, hiệu quả trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, góp phần xây dựng Bộ, ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo đó, phong trào thi đua phải được triển khai đồng bộ, sâu rộng, thường xuyên, liên tục, thông qua những việc làm hàng ngày của cán bộ, công nhân viên chức, người lao động ngành Tư pháp trên mọi lĩnh vực công tác, trở thành nhiệm vụ trọng tâm trong các phong trào thi đua. Đặc biệt, phải kết hợp chặt chẽ với việc thực hiện phong trào thi đua “Cán bộ Tư pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bên cạnh đó, việc tổ chức, thực hiện phong trào thi đua phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong chỉ đạo và triển khai hưởng ứng phong trào thi đua. Tăng cường việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết phong trào, phát hiện bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, sáng kiến, kinh nghiệm hay phong trào thi đua, kịp thời biểu dương, khen thưởng.