Thẩm phán địa phương ngại xử án hành chính
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh nhận định, thời gian qua, đặc biệt là sau hơn 8 năm thực hiện Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó vai trò của Tòa án đã được khẳng định rõ nét hơn, hoạt động thực tế hiệu quả hơn, đội ngũ thẩm phán, cán bộ Tòa án, cơ sở vật chất được tăng cường.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Khánh, thực tiễn đã đặt ra nhiều vấn đề mới như chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án, vấn đề về Tòa án khu vực, sự lãnh đạo của Đảng, chức năng giám sát của các cơ quan dân cử… Đây là những vấn đề quan trọng cần làm rõ cả về lý luận và thực tiễn để cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.
Hiện nay, cả nước có gần 700 đơn vị TAND cấp huyện nhưng số lượng án thụ lý và giải quyết, xét xử của TAND cấp huyện không đồng đều, có nơi lượng án hàng năm rất cao, từ 3 ngàn đến 4 ngàn vụ việc/năm, nhưng nhiều nơi lại chỉ có 30- 40 vụ/năm. Cá biệt, có Tòa án cả năm không phải xét xử vụ án nào. Trong bối cảnh tội phạm gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp thì đội ngũ thẩm phán của ngành Tòa án nhiều nơi thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng, lại được bố trí dàn trải theo đơn vị hành chính cấp huyện. Với cách tổ chức như hiện nay thì cơ sở vật chất cho ngành Tòa án cũng khó được bảo đảm tốt, thậm chí còn gây lãng phí.
Phân tích rất rõ những bất cập trong mô hình tổ chức Tòa án hiện nay, PGS.TS Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên chuyên trách- Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp khẳng định: “Việc tổ chức TAND theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính là phù hợp với mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ cải cách tư pháp”.
Đổi mới theo hướng này, theo ông Viễn, sẽ hạn chế được sự ràng buộc về địa giới hành chính trong phạm vi cấp huyện, bảo đảm hơn tính độc lập, khách quan và tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng và đảm bảo cho TAND thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp; đồng thời thực hiện việc phân công nhiệm vụ rành mạch giữa các cấp Tòa án, tạo điều kiện tốt hơn cho việc đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nâng cao chất lượng xét xử.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phạm Quý Tỵ cũng chỉ rõ, do Tòa án địa phương được tổ chức theo cấp hành chính nên chịu sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng ở địa phương, chịu sự giám sát của HĐND cùng cấp. Đây là một trong những lý do khiến hiện nay các thẩm phán rất ngại xử các vụ án hành chính vì liên quan đến những quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND và các cơ quan quản lý nhà nước. “Thành lập TAND sơ thẩm khu vực, trước mắt vẫn đặt tại các đơn vị hành chính cấp huyện để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay” - ông Tỵ nhấn mạnh.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đồng tình với việc tổ chức TAND theo 4 cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vùng sâu, vùng xa trong việc đi lại, tuy nhiên theo ông Nghĩa, có thể giao cho Chánh án TANDTC thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực và Tòa án tỉnh, thành phố.
Nâng cao tính độc lập cho Tòa án
Đảm bảo tính độc lập của Tòa án khi xét xử là vấn đề mang tính nguyên tắc, là cơ sở nền tảng thực hiện các yêu cầu về sự công minh, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả. Nhấn mạnh nguyên tắc này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba cho rằng: “Cơ quan tư pháp phải là chỗ dựa của dân, không độc lập thì không thể là chỗ dựa cho dân. Do vậy, đổi mới hoạt động của Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013 cần theo hướng: thứ nhất, độc lập là không chịu sự tác động của bất kỳ ai, kể cả Chánh án là lãnh đạo cấp trên của thẩm phán thứ hai là, độc lập giữa các cấp Tòa án (4 cấp Tòa, mỗi cấp có một quyền riêng) và thứ ba là, độc lập với bên ngoài. Chứ như hiện nay, kể cả cơ chế tuyển chọn thẩm phán cũng không thể độc lập”.
Còn theo PGS.TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương thì nguyên tắc độc lập phải được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật, nhất là luật tổ chức và các luật tố tụng tư pháp. Pháp luật cũng cần quy định về các bảo đảm cụ thể để nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế. Quan trọng nữa là phải đảm bảo cho thẩm phán không phụ thuộc vào các quan hệ hành chính, bảo đảm quyền lợi chính trị và vật chất để họ an tâm thực hiện nhiệm vụ.