Nói về những chiếc xuồng, cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ561 cho biết, xuồng CQ hay còn gọi là “xuồng chủ quyền”, là phương tiện có khả năng trượt trên san hô, đá cuội, không bị chìm, không bị thủng hay méo khi va đập.
Đặc biệt, xuồng CQ có khả năng chạy xuyên qua sóng, chịu thêm được 1-2 cấp sóng so với xuồng thông thường. Mặc dù đảm nhiệm việc đưa đón khách chỉ trên một quãng đường ngắn, vài trăm mét đến vài cây số từ vị trí tàu neo đậu đến mỗi điểm đảo nhưng công việc lại đòi hỏi sự chính xác cao về thao tác cũng như kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.
Tổ xuồng
Các thành viên trong Tổ xuồng thường phân công nhau, một số đứng trên mạn tàu, số kia đứng dưới xuồng để phối hợp đưa khách xuống xuồng. Trước khi xuống xuồng lên đảo, ai cũng được trang bị áo phao; phóng viên thì có thêm các phương tiện tác nghiệp, nhẹ thì máy ảnh, cồng kềnh hơn thì máy quay nên việc lên xuống xuồng càng gặp khó khăn. Các thành viên trong Tổ xuồng, người ở trên dắt tay, mang đồ cho chúng tôi, người ở dưới thì đón và sắp xếp chỗ ngồi.
Những phóng viên nữ có lúc còn được đỡ lấy bàn chân, cẩn trọng đặt vào mép xuồng, kèm những lời hướng dẫn, nhắc nhở rất cụ thể, tỉ mỉ. Cứ như vậy, các thành viên trong Tổ xuồng cần mẫn, thận trọng hết chuyến này đến chuyến khác đưa khách từ tàu HQ561 lên đảo rồi lại từng ấy chuyến lần lượt đón khách về tàu tiếp tục hành trình.
Chúng tôi, nhất là chị em phụ nữ, ai cũng khăn áo lùng thùng, đủ loại phụ kiện từ mũ rộng vành, khẩu trang, găng tay, áo chống nắng; còn những người lính biển chỉ duy nhất một bộ rằn ri và chiếc mũ cối.
Kinh nghiệm và bản lĩnh
Mùa này biển yên mà những chuyến xuồng còn phải căng sức như vậy, Thượng úy Nguyễn Hà Hải và Trung úy chuyên nghiệp Chu Ngọc Huấn - những thành viên trong Tổ xuồng - cho biết, vào mùa biển động, sóng dữ, công tác phục vụ và bảo đảm của Tổ còn khó khăn hơn bội phần.
Chiếc xuồng khi ấy dềnh lên dập xuống; có khi, xuồng đang áp sát mép tàu, bất chợt lại bị sóng đánh ra xa. Lúc ấy, sự phối hợp giữa các thành viên trong Tổ xuồng cần sự cẩn trọng và ăn ý cao độ, nếu không sẽ rất dễ xảy ra tai nạn với khách. Đó còn chưa kể, việc điều khiển con xuồng nhỏ bé giữa sóng to, gió lớn không chỉ đòi hỏi khả năng, kinh nghiệm mà còn cả bản lĩnh của tay lái.
Cẩn trọng, tỉ mỉ từ lời nói đến hành động, những người lính biển đã cho chúng tôi cảm giác thật tin cậy. Còn nhớ, khi đến với Nhà giàn DK1- 14, khi từ Nhà giàn xuống xuồng về tàu, trên cao nhìn xuống chiếc xuồng tròng trành, lắc lư nơi chân cầu thang dựng đứng, vốn sợ độ cao, tôi run lẩy bẩy, mặt xanh như tàu lá. Vậy mà nghe sự chỉ dẫn trong từng thao tác và những lời động viên của cán bộ, chiến sĩ tổ xuồng ở phía dưới vọng lên, tôi dần bình tĩnh lại, theo từng bậc thang xuống xuồng an toàn.
Thượng úy Dương Văn Đắc — Chính trị viên Tàu HQ561 - cho biết, các thành viên trong Tổ xuồng trên con tàu này cũng như bao con tàu khác trong hải trình đem hơi ấm từ đất liền ra đảo, đều cần mẫn nhất mực như vậy.
Các thành viên trong Tổ, có người tôi đã biết mặt nhớ tên, có người chúng tôi gọi chung là “lính biển”, nhưng tất cả đều giống nhau ở màu da, ở cốt cách “ăn sóng, nói gió” và trên hết là tác phong làm việc tận tụy.
Những gì mắt thấy tai nghe sau chuyến công tác ở Trường Sa càng làm tôi ấm lòng hơn và đinh ninh một điều, dù là lính canh trời hay giữ biển, ở đâu có tình yêu Tổ quốc, ở đó công việc đều luôn được đề cao không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả sự trân quý của những tấm lòng…