TAND huyện Đan Phượng (Hà Nội) vừa đưa ra một yêu cầu được coi là “khó hơn cả… lên trời”, đó là đề nghị nguyên đơn “xin chữ ký” của bị đơn.
Chuyện là, ngày 4/7/2011, bà Đàm Thị Nhài và con trai Đỗ Quang Sơn gửi đơn đến UBND xã Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng) đề nghị giải quyết tranh chấp quyền thừa kế thửa đất số 160A, tờ bản đồ số 1 (của bố chồng bà là cụ Đỗ Văn Xuân để lại) với ông Đỗ Văn Kính (em cùng cha khác mẹ của chồng bà).
Bà Nhài cho rằng, khi cụ Xuân chết không để lại di chúc thì theo luật định, tài sản cụ Xuân để lại phải chia đều cho các đồng thừa kế trong gia đình, chứ ông Kính không thể chiếm làm của riêng được.
Ngày 26/7/2011, UBND xã Thượng Mỗ đã tổ chức hòa giải giữa hai bên. Tại cuộc họp hòa giải, ông Đỗ Văn Kính cho rằng mình đã có sổ đỏ mảnh đất trên (được cấp năm 1988) nhưng lại không xuất trình ra được. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch xã Nguyễn Duy Trung vẫn khẳng định “căn cứ hồ sơ địa chính đang được lưu giữ tại UBND xã, ông Kính đã được giấy chứng nhận QSDĐ thửa số 160A, tờ bản đồ số 1...”.
Thế nhưng, cầm cuốn sổ mục kê các thửa đất năm 1987, ông Hoàng Văn Tùng, cán bộ Địa chính xã này đã “bác” lời khẳng định của Phó chủ tịch Trung và cho rằng “chúng tôi chưa bao giờ nhìn giấy chứng nhận QSDĐ của ông Kính”.
Khi hòa giải không thành, UBND xã này lại chuyển hồ sơ đến TAND huyện Đan Phượng, trong khi thẩm quyền thuộc giải quyết UBND huyện Đan Phượng và UBND thành phố Hà Nội.
TAND huyện Đan Phượng vẫn thụ lý hồ sơ và đến ngày 22/11/2011, Thẩm phán Nguyễn Hữu Hòa ký thông báo trả lại đơn khởi kiện của bà Nhài với lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết”.
Ngày 24/4/2012, bà Nhài tiếp tục có đơn xin giải quyết chia thừa kế tài sản là thửa đất nói trên đến TAND huyện Đan Phượng đề nghị giải quyết. Khác với câu trả lời “hết thời hiệu khởi kiện” trước đó, lần này, ngày 7/5/2012, TAND huyện Đan Phượng lại yêu cầu bà Nhài phải bổ sung tài liệu là “giấy xác nhận chưa chia tài sản có chữ ký của ông Đỗ Văn Kính”.
Năm nay gần 80 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, bà Nhài nói rằng yêu cầu của tòa án “xin chữ ký” của ông Kính “là thách đố lớn nhất trong cuộc đời bà”, kể từ lúc sinh ra. Bởi, không bị đơn nào lại chịu ký vào giấy tờ cho nguyên đơn một cách “hòa bình” để thừa nhận tài sản đó chưa được chia thừa kế!
Bình luận về sự việc này, luật sư Trần Bình Thư cho hay, Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai nêu rõ, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà một bên hoặc các bên đương sự không nhất trí thì được chuyển đến TAND giải quyết trong trường hợp đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của luật này.
Trong vụ việc này, lãnh đạo xã đã đẩy quả bóng một cách “trái thẩm quyền” lên tòa án. Trong khi đó, yêu cầu từ phía tòa án đối với bà Nhài cũng thật sự là “một câu hỏi khó”. Trong khi chưa có “đáp án” chính thức về cách giải quyết trong tình huống pháp lý “tréo ngoe” này, thì phần thua thiệt lại nghiêng về người dân.
Như Trang