Sau khi TAND TP Đà Lạt tuyên bản án sơ thẩm số 74 ngày 13/12/2012 về việc chia tài sản khi ly hôn giữa bà Lê Thị Thảo và ông Hồ Xuân Hoàng đã khiến dư luận địa phương không ít ngạc nhiên, vì sao?...
Ông Hoàng làm việc với PLVN |
Hạnh phúc tan vỡ
Sau một thời gian yêu nhau, năm 2000, Thảo và Hoàng tổ chức đám cưới, nhưng phải đến ngày 5/5/2005, chọn ngày “đẹp” nhất hai người mới quyết định làm đăng ký kết hôn. Những ngày tháng ấy, tuy nghèo nhưng cuộc sống vợ chồng Thảo Hoàng khá hạnh phúc với 3 đứa con xinh xắn. Nào ngờ, đến khi làm ăn phát đạt thì hạnh phúc vỡ tan, vợ chồng phát sinh mâu thuẫn ngày càng trầm trọng. Cuối năm 2009, họ ly thân, mạnh ai nấy sống, không còn quan tâm chăm sóc nhau nữa và đến cuối năm 2012 thì dắt nhau ra toà xin ly hôn, chia tài sản!.
Ngày 13/12/2012, TAND TP Đà Lạt ra bản án sơ thẩm số 74 công nhận sự thuận tình ly hôn của hai người, điều đáng bàn là việc chia tài sản của Toà xem ra thiếu công bằng. Theo trình bày của ông Hoàng, trước đây Cty TNHH Hoàng Thảo (Cty Hoàng Thảo) có 2 thành viên là ông Hoàng và bà Thảo, do bà Thảo làm giám đốc. Tại biên bản họp Hội đồng thành viên ngày 18/12/2009, ông Hoàng đã thoả thuận chuyển phần vốn góp cho bà Thảo. Đến ngày 12/01/2010, Cty Hoàng Thảo được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi từ Cty hai thành viên thành Cty một thành viên.
Trước đó, ngày 6/1/2010, Cty Hoàng Thảo mua tầng 2 của căn nhà số 2 và 4 đường Tăng Bạt Hổ, Đà Lạt của Cty CP Du lịch Đà Lạt (CPDLĐL) với giá 2 tỉ đồng. Khi ấy, bà Thảo đề nghị ông Hoàng lo chuyển cho Cty CPDLĐL 1,5 tỉ đồng để mua nhà, ông Hoàng đã chuyển 100 triệu và vay mượn của ông Hồ Văn Minh thêm 1,4 tỉ đồng, ông Minh trực tiếp chuyển vào tài khoản của Cty CPDLĐL số tiền này ngày 6/1/2010, đây là tài sản chung của vợ chồng có trong thời kỳ hôn nhân.
Ly hôn, Toà quyết định giao tài sản nói trên cho bà Thảo, ông Hoàng không tranh chấp, chỉ yêu cầu bà Thảo hoàn trả cho ông 700 triệu đồng, bằng ½ số tiền mua căn nhà nói trên mà ông đã mượn của ông Minh và trả lại cho ông 100 triệu đồng để trả nợ cho ông Minh. Bà Thảo cho rằng tiền chuyển vào tài khoản Cty CPDLĐL là của Cty Hoàng Thảo đưa cho ông Hoàng và ông Minh đi nộp, vì ông Minh là nhân viên của Cty Hoàng Thảo, còn ông Minh thì bác bỏ toàn bộ lời khai của bà Thảo.
Toà sơ thẩm đã thừa nhận số tiền 1,4 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Cty CPDLĐL là do ông Minh chuyển, ông Minh không phải là nhân viên của Cty Hoàng Thảo, nhưng án sơ thẩm lại buộc ông Hoàng có trách nhiệm trả toàn bộ số tiền nợ cho ông Minh 1,4 tỉ đồng, mà không buộc bà Thảo phải hoàn trả cho ông Hoàng số tiền 800 triệu đồng, trong khi bà Thảo được sở hữu toàn bộ tầng 2 căn nhà nói trên!.
Quyền lợi vợ hưởng trọn, chồng còng lưng trả nợ
Đó là chưa kể khoản nợ 3 tỉ đồng của Sacombank do bà Thảo và ông Hoàng cùng đứng tên vay theo hợp đồng tín dụng số LO 09289600192 ngày 23/9/2009, tài sản thế chấp là nhà và đất tại 66 (tầng 2) Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1 là tài sản riêng của bà Thảo. Ngày 3/3/2011, ông Hoàng và bà Thảo đã trả số tiền này. Ngày 28/10/2011, bà Thảo tự ý ký sửa đổi hợp đồng lần 2 vay số tiền 3 tỉ đồng để bổ sung vốn kinh doanh rồi tự ký nhận nợ, ông Hoàng không liên quan gì đến số nợ này.
Trong bản tự khai ngày 12/3/2012 nộp cho Toà, bà Thảo cho rằng: “Cuối năm 2009 vợ chồng sống ly thân đến năm 2012. Còn về công nợ thì từ khi ly thân hai bên không còn liên quan chung về tài chính nên nợ của ai người đó trả”.
Tại phiên toà sơ thẩm bà Thảo khẳng định:“Từ năm 2010 về kinh tế làm ăn kinh doanh giữa tôi và ông Hoàng đã tách riêng không còn liên quan gì với nhau nữa”. Thế nhưng, không hiểu sao án sơ thẩm lại buộc ông Hoàng phải trả ½ số nợ cho bà Thảo là 1,5 tỉ đồng cho Sacombank, trong khi số tiền nợ 3 tỉ đồng nói trên là do bà Thảo tự ký sửa đổi để bổ sung vốn kinh doanh cho Cty của bà nhằm hưởng lợi riêng!
Đáng lưu ý hơn số tiền nợ 5 tỉ đồng do Cty Hoàng Thảo vay của Eximbank ngày 4/3/2009 do ông Hồ Văn Minh (anh ông Hoàng) bảo lãnh thế chấp cho khoản nợ này là nhà đất số 41 Đinh Tiên Hoàng, Đà Lạt. Ngày 12/1/2010 Cty Hoàng Thảo được cấp GCN chuyển đổi từ Cty hai thành viên trở thành Cty một thành viên. Tại giấy đề nghị chuyển đổi Cty, bà Thảo xác định rất rõ: “Cty chuyển đổi thừa kế toàn bộ các quyền và lợi ích, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả về nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của Cty chuyển đổi”.
Thế nhưng, khi đến hạn trả nợ số tiền 5 tỉ thì Cty của bà Thảo không trả, trong khi tài sản thế chấp là tài sản của ông Minh, nếu không trả nợ sẽ bị phát mãi, nên ngày 17/3/2010 ông Hoàng phải chạy “long tóc gáy” để trả toàn bộ số nợ 5 tỉ và tiền lãi. Ly hôn bà Thảo yêu cầu ông Hoàng phải có trách nhiệm cùng bà trả nợ. Tại biên bản hoà giải ngày 17/10/2012 ông Hoàng đã tranh chấp về số tiền này, yêu cầu bà Thảo phải hoàn trả lại cho ông ½ số tiền ông đã thay bà trả nợ cho Eximbank.
Tuy nhiên, hôm đó do ông Hoàng không đem theo hợp đồng tín dụng, nên không nhớ chính xác về số tiền và thời gian vay tiền, nên ông Hoàng đã khai vào năm 2007 với số tiền là 6 tỉ đồng. Sau đó 5 ngày (23/10/2012) ông Hoàng đã nộp cho TAND TP Đà Lạt hợp đồng tín dụng số 1202-LAV- 200900072 ngày 4/3/2009 với số tiền vay là 5 tỉ đồng (có giấy biên nhận của Toà) nhằm xác định chính xác thời gian và số tiền nói trên.
Để Toà hiểu rõ hơn về khoản tiền này, ngày 5/12/2012 ông Hoàng bổ sung thêm lời khai xác định rõ năm vay tiền là 2009 và số tiền vay là 5 tỉ đồng. Đến ngày 13/12/2012 Toà mới đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, ông Hoàng đã yêu cầu Toà giải quyết tranh chấp số tiền 5 tỉ đồng trước ngày TANDTP Đà Lạt ra QĐ số 91 ngày 5/11/2012 đưa vụ án ra xét xử. Thế nhưng, kỳ lạ là án sơ thẩm lại tách yêu cầu này của ông Hoàng để giải quyết bằng một vụ án khác!.
Từ đó, dư luận cho rằng bản án sơ thẩm chia tài sản sau khi ly hôn nói trên của TAND TP Đà Lạt là không công bằng. Thử hỏi có công bằng không khi mà TAND TP Đà Lạt phán quyết về quyền lợi thì bà Thảo hưởng trọn, còn trả nợ thì ông Hoàng “lãnh đủ”?.
Dư luận mong chờ bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng sẽ trả lại sự công bằng .
Nhóm PV Đà Lạt