Quyết định của TP Đà Nẵng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và môi trường kinh doanh
Chiều ngày 4/12 tại phòng họp Thăng Long, tầng 19 Khách sạn Super Hotel Candle Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp tổ chức buổi tọa đàm “môi trường kinh doanh dưới góc nhìn ứng xử của chính quyền với doanh nghiệp qua thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất” từ góc nhìn vụ việc giữa UBND TP Đà Nẵng ra quyết định huỷ kết quả đấu giá khu đất A20 mặt tiền Võ Văn Kiệt - đường Ngô Quyền, đường Lý Nam Đế (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) của Công ty Cổ phần Vipico (Vipico)
Trước đó, ngày 26/7/2017, Vipico đã trúng giá khu đất này khi là người bỏ giá cao nhất, đạt 652 tỷ đồng, tương ứng 56,8 triệu đồng/m2 (diện tích 11.487 m2). Doanh nghiệp đã nộp đủ tiền sử dụng đất đợt 1. Đối với tiền sử dụng đất đợt 2, do chưa thu xếp được nguồn vốn đúng hạn nên Vipico xin được gia hạn thời gian nộp tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, Cục thuế Đà Nẵng đã không đồng ý. Sau đó, doanh nghiệp đã nộp đủ tiền sử dụng đất đợt 2, với số ngày chậm nộp là 52 ngày. Doanh nghiệp cũng nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật và yêu cầu của cơ quan thuế Đà Nẵng.
Song, sau khi doanh nghiệp đã nộp đủ tiền đấu giá và tiền chậm nộp, tổng số tiền là khoảng 653 tỷ đồng, TP Đà Nẵng đã không giao đất mà xem xét việc hủy kết quả đấu giá đất. Quá trình lấy ý kiến của các Sở, ngành của TP Đà Nẵng, tất cả các đơn vị liên quan đều khẳng định không đủ cơ sở pháp lý để hủy kết quả bán đấu giá đất lô đất A20, đường Võ Văn Kiệt mà Công ty Vipico đã trúng đấu giá.
Ý kiến của các Bộ cũng tương tự như các Sở. Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất thì phải nộp tiền chậm nộp (như đã thực hiện); Tổng Cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tư pháp cũng cho rằng không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả bán đấu giá đất cho Công ty Vipico.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/11/2018TP Đà Nẵng đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ nhưng không nêu ý kiến của các Bộ, ngành và cả ý kiến tham mưu của các Sở. Sau đó, khi chưa có ý kiến chỉ đạo từ phía Chính phủ, ngày 16/11/2018, TP Đà Nẵng đã hủy kết quả bán đấu giá và "xung công" tiền đặt cọc. Quyết định này gây thiệt hại trực tiếp và gián tiếp cho doanh nghiệp hàng trăm tỷ đồng.
Vụ việc vẫn gây nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt dưới góc độ pháp lý và vấn đề môi trường kinh doanh. Do đó, CLB Pháp chế doanh nghiệp đã tổ chức Tọa đàm để mổ xẻ vấn đề này cũng như những tác động của nó đối với môi trường kinh doanh và sự an toàn của doanh nghiệp.
Khai mạc tại buổi tọa đàm, luật sư Nguyễn Duy Lãm – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp – Bộ Tư pháp đã khai mạc buổi tọa đàm và giới thiệu các thành phần tham dự gồm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đăng Huệ - Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ (TVPL&BDNV), Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp (CLB PCDN) điều hành phần trình bày tham luận của các chuyên gia.
Ngoài ra, đến với buổi tọa đàm còn có ông Nguyễn Văn Phúc – Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH), Tiến sĩ Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chuyên gia Kinh tế Tiến sĩ Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Phạm Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương, ông Đặng Ngọc Thắng là đại diện Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Bộ Tư pháp.
Đồng thời, đến dự buổi tọa đàm còn có Luật sư (LS) Nguyễn Văn Chiến – Phó Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam, LS Trương Thanh Đức – Chủ tịch Công ty luật Basico, LS Trần Hữu Huỳnh – chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Luật sư Lê Anh Văn – Giám đốc Trung tâm tư vấn và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội DNNVV Việt Nam cũng nhiều các cơ quan báo chí truyền thông.
Sau khi luật sư Nguyễn Duy Lãm phát biểu khai mạc tọa đàm, đồng chí Vũ Hoàng Diệp – Phó Tổng biên tập báo PLVN đã đưa ra lý do thực hiện buổi tọa đàm dựa trên góc nhìn vụ việc giữa TP Đà Nẵng ra quyết định huỷ kết quả đấu giá khu đất A20 của Công ty Cổ phần Vipico.
|
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Đăng Huệ - Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật và bồi dưỡng nghiệp vụ (TVPL&BDNV), Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp Bộ Tư pháp điều hành buổi tọa đàm. |
Giải pháp hủy kết quả đấu giá là không hợp lý
Tại buổi lễ phát biểu, ông Trần Minh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm TVPL&BDNV, CLB PCDN Bộ Tư pháp đã trình bày tóm tắt nội dung vụ việc của Pivico và các mốc thời gian cùng các tài liệu liên quan đến vụ việc của Vipico.
Sau khi lắng nghe ý kiến, LS Chiến đưa ra quan điểm, Vipico trúng đấu giá khu đất A20 sau đó nộp tiền thuê đất lần 1 (50%) đầy đủ. Việc nộp tiền thuê đất lần 2 có chậm nhưng đã hoàn thành nên chưa đến mức TP Đà Nẵng phải đưa ra quyết định huỷ kết quả đấu giá. Việc UBND Đà Nẵng thu tiền thuê đất và tiền chậm nộp nhưng sau đó có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá của Vipico là hết sức thờ ơ khiến Vipico có nguy cơ doanh nghiệp lâm vào vòng phá sản”
“Đây không phải là lỗi của Vipico. Bởi lẽ, trách nhiệm của TP Đà Nẵng là phải trả lời và thông báo cho Vipico nhưng ngược lại thì TP Đà Nẵng lại hoàn toàn im lặng”, LS Chiến phát biểu.
|
Ông Đặng Ngọc Thắng – đại diện Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính phát biểu tại buổi tọa đàm. |
Cần xác định động cơ mục đích sau quyết định hủy đấu giá
Cùng quan điểm trên, tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Huệ cho rằng, quyết định của TP Đà Nẵng là không có cơ sở do không thể hủy quyết định trúng đấu giá. Trong khi đó, TP Đà Nẵng cũng đã thừa nhận phía Vipico đã hoàn thành việc nộp NSNN trước 9 tháng khi ra QĐ hủy quyết định này. Như vậy, cần phải xác định động cơ và mục đích đằng sau của sự việc này?
Còn theo ông Đặng Ngọc Thắng – đại diện Cục quản lý xử lý vi phạm hành chính cho biết, Cục cũng đã yêu cầu TP Đà Nẵng làm việc và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Đối với trường hợp của Vipico thì đây là trường hợp chậm nộp tiền chứ không phải cố tình “chây ì” hay không nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Bởi lẽ, ở vụ việc này cần phải xác đinh 2 dòng là không nộp đủ tiền và chậm nộp tiền. Qua nghiên cứu hồ sơ thì trường hợp của Vipico nằm trong trường hợp là chậm nộp tiền. Việc TP Đà Nẵng chọn văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện ra quyết định định huỷ kết quả đấu giá của Vipico là không chính xác.
Cũng theo ông Thắng, chính bản thân TP Đà Nẵng cũng đã không thống nhất các quy định của pháp luật vì theo hồ sơ mà ông Thắng có được thì tại Đà Nẵng cũng đã có trường hợp tương tự như Vipico nhưng trường hợp này cũng chỉ bị nộp phạt vậy mà trường hợp của Vipico lại bị hủy quyết định đấy giá.
Trong khi đó, theo quy định thì nếu Vipico bị hủy kết quả này thì đơn vị đấu giá sát với mức giá của Vipico sẽ là đơn vị trúng đấu giá.
Kết thúc buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Phúc – nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, nguyên ĐBQH khóa 12 và 13 cho rằng, giữa TP Đà Nẵng và Vipico trong sự việc này cần thực hiện theo đúng hợp đồng với phương hướng có thiện chí. Tuy nhiên, TP Đà Nẵng lại ứng xử cứng nhắc đúng ở giai đoạn sau cùng (Vipico nộp thiếu tiền vào NS) là không được thiện chí đối với doanh nghiệp.
Không chỉ có vậy, thời điểm đó Vipico đang gặp khó khăn và đã có các văn bản đề nghị lùi lại việc nộp thuế đã thể hiện không có tư tưởng là không nộp tiếp. Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản thể hiện theo hướng xử phạt đối với việc nộp chậm của Vipico và Vipico cũng đã hoàn thành nghĩa vụ của mình.
“Kiểm tra các văn bản của TP Đà Nẵng thì thấy có nhiều thuật ngữ khác nhau về sự việc này như: không nộp tiền theo quy định, không nộp tiền theo đúng thông báo, chậm nộp, không nộp đủ. Như vậy là TP Đà Nẵng cũng không thống nhất được trong các văn bản” – ĐBQH Phúc trao đổi.
Kết thúc buổi tọa đàm, các chuyên gia và các luật sư cùng các cơ quan Nhà nước đều cho rằng, để giải quyết sự việc này phía Vipico và TP Đà Nẵng cần ngồi lại với nhau để trao đổi và đối thoại trực tiếp để phía TP Đà Nẵng tự hủy quyết định của mình. Nếu không được thì hai bên cần ra tòa để xử lý sự việc.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc./.