Với chủ đề “Quản lý thuốc lá thế hệ mới – Cần góc nhìn mới”, tọa đàm sẽ được tổ chức trong khuôn khổ giới hạn, nhằm tuân thủ triệt để nguyên tắc phòng dịch COVID-19.
Với mục tiêu tập trung vào tình hình thực tiễn và thảo luận chuyên sâu về chính sách quản lý, những góc nhìn mới về các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, buổi tọa đàm sẽ là những thông tin cập nhật về khoa học của sản phẩm, chính sách quản lý của các quốc gia và hướng tiếp cận hợp lý với Việt Nam.
Các khách mời tham dự tọa đàm bao gồm: Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp); Ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan; Ông Cao Trọng Quý, Trưởng phòng Công nghiệp thực phẩm, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương); Ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn Nông nghiệp Thực phẩm - Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam.
Vấn đề chính sách quản lý đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc tiến đến quản lý những sản phẩm này bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá hiện hành đối với những sản phẩm phù hợp với định nghĩa “thuốc lá” trong Luật vẫn còn nhiều vướng mắc. Tọa đàm sẽ là một cơ hội để các bên liên quan có thể trao đổi ý kiến, chia sẻ góc nhìn và tham mưu cho quá trình đưa những sản phẩm này vào quản lý bằng chính sách, nhằm loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực từ nạn buôn lậu, tình trạng kinh doanh sản phẩm ngoài vòng kiểm soát đang ngày một tăng cao trên thị trường.
Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện đang là các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, thảo luận cũng như được lưu hành rộng rãi trên toàn cầu. Thị phần toàn cầu của các sản phẩm thuốc lá điện tử kể cả có nicotin và không có nicotin trong năm 2015 ước tính đạt gần 10 tỷ đô-la Mỹ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng một sản phẩm thuốc lá điện tử (vape) tại Mỹ cũng đã đạt mức tăng trưởng mạnh, lên đến 70%. Tại Anh, sản phẩm này chiếm 36,3% thị trường với giá trị lên đến 80 tỷ bảng Anh. Cũng theo số liệu từ một công ty thuốc lá, các sản phẩm thuốc lá làm nóng của công ty này đã chính thức được thương mại hóa tại ít nhất 70 thị trường trên toàn cầu. Ngoài ra còn có các sản phẩm thuốc lá ngậm tại thị trường Mỹ tăng trưởng đến 450%.
Trước sự phổ biến ngày càng gia tăng của các sản phẩm này, tại các kỳ họp Hội nghị Các bên (COP) về Kiểm soát thuốc lá do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức, WHO kêu gọi Chính phủ các nước cần sớm kiểm soát, đưa các sản phẩm này vào luật. Theo đó, COP7, WHO ban hành hướng dẫn quản lý thuốc lá điện tử. Còn tại COP8, WHO công nhận thuốc lá làm nóng là thuốc lá và kêu gọi các nước quản lý thuốc lá làm nóng theo luật kiểm soát thuốc lá quốc gia.
Về góc độ khoa học, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực Phẩm (FDA) của Mỹ, Viện Đánh giá Nguy cơ Liên bang Đức (BfR), Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE)… đã kiểm nghiệm và công bố những căn cứ về việc các sản phẩm thuốc lá làm nóng, thuốc lá điện tử có hàm lượng các chất hóa học gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu đốt cháy thông thường.
Tại Việt Nam, tình trạng buôn lậu các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới diễn ra khá phổ biến, dẫn đến sự hao tổn đáng kể đối với ngân sách nhà nước và ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe cộng đồng. Theo thống kê, vấn nạn buôn lậu thuốc lá, trong đó có thuốc lá thế hệ mới, khiến Nhà nước thất thu thuế đến 8.500 tỷ đồng/năm. Sự chậm trễ trong việc kiểm soát các mặt hàng này hiện đang dẫn đến những tổn thương về mặt xã hội bao gồm sức khỏe cộng đồng nói chung và ảnh hưởng đến giới trẻ nói riêng.
Do đó, việc sớm đưa các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chịu sự kiểm soát của Chính phủ, chế tài của luật pháp chính là góp phần chống lại việc bình thường hóa sử dụng mọi loại sản phẩm thuốc lá, cũng như ngăn chặn tình trạng phạm tội ngày càng tăng của những tổ chức, cá nhân buôn lậu.
Thông tin chi tiết của tọa đàm sẽ được cập nhật trên Báo Pháp luật Việt Nam để độc giả theo dõi.