Tọa đàm về công tác tổ chức cán bộ cơ quan tư pháp khu vực phía Nam

(PLVN) - Mới đây, tại An Giang, đã diễn ra buổi Tọa đàm về công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp địa phương khu vực phía Nam, do ông Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng cục công tác Phía Nam; ông Nguyễn Ngọc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cùng ông Cao Thanh Sơn - Giám đốc Sở Tư Pháp tỉnh An Giang đồng chủ trì.

Tại Tọa đàm, gần 25 đại biểu đại diện các Sở Tư pháp của các tỉnh thành khu vực phía Nam đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm có hiệu quả trong công tác tổ chức cán bộ của các địa phương trong khu vực. Qua đó giúp Sở Tư pháp các tỉnh thành phố trong khu vực tham khảo vận dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tổ chức cán bộ đồng thời nhận diện đầy đủ hơn về kết quả đạt được và những khó khăn vướng mắc trong công tác tổ chức cán bộ, đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ để nâng cao hơn chất lượng hiệu quả công tác trong thời gian tới gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 của Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XII.


Phát biểu buổi Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đầu năm 2019 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành quy chế hoạt động tổ chức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Sở Tư Pháp. Theo bà Hạnh quan trọng là lực lượng cán bộ nhân sự chủ chốt cũng cần có thời gian để hoàn thiện. Chất lượng cán bộ Tư pháp ở thành phố Hồ Chí Minh về phía Sở và huyện tương đối ổn tuy nhiên lực lượng cán bộ ở xã phường lại có sự biến động rất lớn. Ước tính cán bộ xã phường ở thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1300 người thì chỉ có ba phần tư trong số đó được đào tạo chuyên sâu. 

Qua đó bà Hạnh cũng đề xuất mở rộng điều kiện theo hướng tuyển dụng cán bộ làm công tác Hộ tịch không chỉ ở Sinh viên Đại Học Luật và Trung cấp Luật mà cả những sinh viên tốt nghiệp Đại học Hành chính và Trung cấp hành chính cũng có cơ hội. Kiến nghị Bộ có tiếng nói trong Danh mục vị trí việc làm đối với ngành Tư Pháp để đảm bảo tính thống nhất giữa các địa phương đồng thời cũng phát huy được vai trò của Ngành Tư pháp.

Đối với việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy nhân sự của các Sở theo tinh thần Nghị quyết số 18/ NQ-TW ngày 25/10/2018, ông Cao Thanh Sơn - Giám Đốc Sở Tư Pháp tỉnh An Giang cho biết, Sở Tư pháp tỉnh chưa có chủ trương sắp xếp lại bộ máy tổ chức khi chưa có một Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tư pháp quy định cụ thể về việc này. Việc sáp nhập tinh giản bộ máy phải làm sao cho hợp lý các chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan khi gộp vào, cũng đồng thời để đảm bảo được tính thống nhất chung không chỉ cho từng địa phương mà còn cả nước. Ông Sơn kiến nghị không nên biến động lực lượng làm công tác hộ tịch nhân sự; Phòng công chứng và các Văn phòng công chứng phải được xã hội hóa; Bộ Tư pháp cũng cần quan tâm đến việc tăng cường tổ chức bộ phận pháp chế Ngành, trong việc dự thảo văn bản quản lý về mặt pháp luật giúp đỡ các cơ quan, doanh nghiệp.


Sau khi nghe ý kiến tham luận của đại diện các Sở Tư Pháp, ông Nguyễn Thanh Bình - Cục trưởng Cục công tác phía Nam đánh giá các ý kiến tham luận, trao đổi đã đi đúng trọng tâm vấn đề về công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan Tư pháp ở địa phương của khu vực phía Nam với nội dung đa dạng, phong phú, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thái độ nghiêm túc của các đại biểu. Bên cạnh những kết quả đạt được rất đáng khích lệ thì công tác tổ chức cán bộ ở các địa phương vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. 

Theo đó, Cục công tác phía Nam đề xuất Bộ Tư Pháp sớm có văn bản hướng dẫn mới thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BNV để địa phương làm cơ sở kiện toàn bộ máy tổ chức. Hướng dẫn sáp nhập sắp xếp các phòng chuyên môn, cũng như là chỉnh sửa quy định về số lượng công chức cấp Sở theo hướng phù hợp với các văn bản mới được ban hành. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Sở Tư pháp cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng, vị trí vai trò của công tác tổ chức cán bộ, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tổ chức trong việc tham mưu các cấp lãnh đạo. 


Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, qua việc đánh giá toàn diện nguyên nhân của những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong công tác tổ chức cán bộ tại các cơ quan Tư pháp khu vực phía Nam và đề xuất các giải pháp hoàn thiện trong thời gian tới, tọa đàm lần này chính là một cơ hội rất tốt để nhằm tăng cường trách nhiệm quản lý của các cơ quan tư pháp địa phương cũng như phục vụ tốt hơn yêu cầu của nhân dân.

Ông Bình cũng khẳng định về việc không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ Tư pháp nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác trong những năm tiếp theo.

Đọc thêm