Tòa đề nghị Sở TN&MT tham gia tố tụng vụ thu hồi đất sai tại Đống Đa (Hà Nội)

Sau nhiều năm khiếu kiện chính quyền thu hồi đất nhầm, ông Mai Thế Cường (2C Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được TANDTP Hà Nội thụ lý và đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản ủy quyền cho cán bộ thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tham gia tố tụng…

Sau nhiều năm khiếu kiện chính quyền thu hồi đất nhầm, ông Mai Thế Cường (2C Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã được TANDTP Hà Nội thụ lý và đề nghị UBND TP Hà Nội có văn bản ủy quyền cho cán bộ thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường tham gia tố tụng…

Các lần trả lời đều né tránh

Gia đình ông Cường bị chính quyền thu hồi đất từ năm 1963. Ngày 6/5/1964, Sở Quản lý Nhà đất Hà nội có Văn bản 880 thông báo cho cụ Mai Thế Sơn (bố ông Cường): “Thành phố đã quản lý đất của ông bàn giao ở ngõ Thịnh Hào 2, khu Đống Đa và cấp Giấy chứng sử dụng đất cho 4 hộ ở đấy”. Kèm đó, Sở này gửi cho gia đình ông biên bản bàn giao đất do cụ Sơn ký ngày 18/5/1963.

Bất ngờ, cụ Sơn đã khiếu nại tới UBND TP Hà Nội khẳng định mình không giao bất kỳ diện tích đất nào cho Ủy ban hành chính Hà Nội nhưng không được trả lời. Đến năm 1996, Sở Nhà đất TP Hà Nội có Văn bản 824 trả lời nhưng không làm rõ giấy bàn giao thật hay giả mà vẫn khẳng định đất đã bị thu hồi là căn cứ theo Thông tư 73/TTg ngày 7/7/1962 về việc quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất vắng chủ, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị và Thông tư 10/TTg ngày 4/2/1963 hướng dẫn Thông tư 73 nói trên. Tuy nhiên, không hiểu sao Sở Nhà đất TP Hà Nội đã trích dẫn sai nội dung hai thông tư, gây bất lợi cho gia đình ông Cường.

Hai thông tư quy định rõ trường hợp đất của tư nhân cho thuê, sử dụng nhờ thuộc thành phần nhân dân lao động về nguyên tắc xóa bỏ việc cho thuê đất để nhà nước quản lý và phân phối việc sử dụng, nhưng một số trường hợp được miễn, trong đó có trường hợp những người có ít diện tích, vừa sử dụng, vừa cho thuê hoặc sử dụng nhờ như trường hợp đất của gia đình ông Cường (gia đình thời điểm đó không cho thuê, không vắng chủ, không bỏ hoang mà một phần gia đình sử dụng, một phần cho bộ đội ở nhờ )…

Thế nhưng, tại văn bản trả lời Sở Nhà đất tự “chế” ra một quy định không hề có trong hai thông tư nêu trên: “Tư nhân có các loại đất cho thuê, cho sử dụng nhờ thuộc thành phần nhân dân lao động thì về nguyên tắc xóa bỏ việc cho thuê đất để nhà nước quản lý và phân phối việc sử dụng đất này. Đối với đất cho thuê không kể diện tích đất cho thuê nhiều hay ít, đều do nhà nước trực tiếp quản lý, phân phối sử dụng. Nhà nước không bồi hoàn cho họ một khoản tiền nào”. Đáng lẽ là đất của gia đình ông Cường được miễn bàn giao nhưng với quy định tự “chế” nêu trên nên đã trở thành diện bị thu hồi.

Hai nội dung mà ông Cường nhiều năm qua đề nghị làm rõ là Giấy bàn giao thật hay giả và vì sao Sở Nhà đất lại trích dẫn sai quy định, gây bất lợi cho gia đình đến nay vẫn chưa được cơ quan nào trả lời. Quyết định giải quyết đơn mới đây nhất của UBND TP Hà Nội ngày 16/6/2011 cũng né tránh, vẫn khẳng định đã bàn giao thì không được đòi lại và Quyết định này bị ông Cường khởi kiện vụ án hành chính.

Biên bản bàn giao giả: Chứng cứ quan trọng nhất

Ông Cường hy vọng phiên tòa hành chính tới đây sẽ làm rõ những sai phạm nói trên của chính quyền trong việc thu hồi và trả lời khiếu nại. Bằng chứng quan trọng nhất bảo vệ quyền lợi ông Cường chính là giấy bàn giao nhà đất năm 1963 có nhiều chi tiết mâu thuẫn. Theo ông Cường, giấy này hoàn toàn giả mạo. Cụ Sơn từng khẳng định, chữ viết, chữ ký trong giấy này không phải của cụ và sự thật được khẳng định tại kết quả giám định của Viện Khoa học Hình sự (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) ngày 4/8/2011 kết luận: chữ viết, chữ ký trên tài liệu này không phải của cụ  Sơn.

Chữ ký của ông Sơn trên “giấy bàn giao nhà” được Viện  Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận là giả mạo
Chữ ký của ông Sơn trên “giấy bàn giao nhà” được Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận là giả mạo

Ngoài ra, tất cả các thông tin trên giấy bàn giao này hoàn toàn không đúng thực tế. Tuổi ông Sơn được ghi nhận năm 1963 là 52, nhưng thực tế là 50, nghề nghiệp là kế toán nhà máy điện Bờ Hồ nhưng ghi thành “nội trợ”. Đất tại ngõ Thịnh Hào 3, số thửa 118, tờ bản đồ 5, diên tích 487 lại ghi thành thửa 41, tờ 12, diện tích 464m2.

“Chỉ có tự ý hợp thức hồ sơ thì mới sai nghiêm trọng như vậy, chứ không đời nào bố tôi lại ghi nhầm lung tung hết như thế được”, ông Cường giải thích. Cũng theo ông Cường, vì không bàn giao nên hiện gia đình còn có trong tay trích lục thật của thửa đất và sẽ là bằng chứng thuyết phục chứng minh yêu cầu của ông tại tòa.

Không biết những người đại diện cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi sẽ nói gì về các loại giấy tờ rên tại phiên tòa sắp tới?

Hà Linh

Đọc thêm