"Tòa" Hà Nội "thay" Nghệ An xử án bị đơn ở Cửa Lò?

Bị đơn cư trú ở đâu thì Tòa án địa phương đó có thẩm quyền xử lý. Trong lúc ở đây cũng chẳng còn bất cứ một “yếu tố nước ngoài nào” mà chỉ là chuyện làm ăn giữa các đối tác trong nước với nhau. Bị đơn không ở Hà Nội thì chẳng hiểu hà cớ gì mà TAND TP.Hà Nội lại đi “ôm rơm cho nặng bụng?”.

TAND TP.Hà Nội đang thụ lý một vụ “tranh chấp hợp đồng thuê nhà” giữa Cty TNHH Văn Tuân, kiện Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Hồng Thái có trụ sở tại Lô số 18-19 đường Bình Minh, TX.Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Chưa bàn đến nội dung của vụ việc, nhưng việc TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử vụ án này đã có những biểu hiện không bình thường về trình tự tố tụng và vận dụng pháp luật.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

TAND TP.Hà Nội thụ lý vụ án này căn cứ vào Giấy phép đầu tư số 2371 ngày 31 tháng 12 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Cty Hồng Thái-SIT Việt Nam được thành lập bởi bên Việt Nam là Cty TNHH Hồng Thái và bên nước ngoài là SAFEKEEPING INVESTMENT TRUST của Úc, dự án của hai bên là xây dựng khu liên hợp kinh doanh khách sạn, thể thao, thương mại, siêu thị và chung cư tại TX.Cửa Lò.

Dự án có vốn của nước ngoài nên các bên thỏa thuận tại Điều 7 của Hợp đồng thuê nhà ngày 20 tháng 5 năm 2005 nếu có tranh chấp phát sinh từ hợp đồng sẽ do Tòa án Hà Nội giải quyết. Điều này phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bản chất của của vụ việc này không phải vậy. Vì sau này Dự án làm ăn không hiệu quả phía đối tác nước ngoài không đầu tư. Các đối tác trong nước tự “xoay xở” với nhau để giải quyết khó khăn.

Cty Văn Tuân sau này kiện Cty Hồng Thái đòi trả lại một số tiền tương ứng với tài sản mà Cty này cho rằng đã góp cho Cty Hồng Thái để làm ăn trước đó. Bản chất vụ việc là một việc đòi nợ, “chẳng liên quan” gì đến bản hợp đồng thuê nhà nói trên. Vì vậy vụ việc “đòi lại tài sản” này theo đúng trình tự tố tụng, căn cứ vào quy định tại Điều 29 và Khoản 1 Điều 33 của Bộ luật Tố tụng Dân sự thì sẽ thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện.

Cụ thể, bị đơn cư trú ở đâu thì Tòa án địa phương đó có thẩm quyền xử lý. Trong lúc ở đây cũng chẳng còn bất cứ một “yếu tố nước ngoài nào” mà chỉ là chuyện làm ăn giữa các đối tác trong nước với nhau. Bị đơn không ở Hà Nội thì chẳng hiểu hà cớ gì mà TAND TP.Hà Nội lại đi “ôm rơm cho nặng bụng?”.

Một chuyện khó hiểu khác là thời hiệu khởi kiện của vụ án này cũng có vấn đề. Khi xảy ra việc thanh lý, đối chiếu công nợ từ năm 2006, 5 năm sau hai bên vẫn không hề có bất kỳ một ghi nhận khiếu nại từ Cty Văn Tuân. Cụ thể, Hợp đồng kinh tế giữa 2 bên ký vào ngày 25 tháng 05 năm 2005, theo Hợp đồng hạn giao nhà chậm nhất là ngày 20 tháng 5 năm 2006. 

Nếu quyền lợi hai bên bị xâm hại thì có quyền khởi kiện. Nếu Cty Hồng Thái có vi phạm thì Văn Tuân phải khởi kiện trong thời hiệu luật định. Vì Điều 319 Luật Thương mại ghi rõ: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là 2 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm…”.

Hàng mấy năm trời không khiếu nại, “bỗng dưng” đến ngày 30/11/2010 Cty Văn Tuân mới đi kiện, vậy nhưng không hiểu sao TAND TP.Hà Nội vẫn thụ lý vụ án?. Đó là chưa kể đến việc Cty Hồng Thái đã bị thu giấy phép đầu từ và tuyên bổ giải thể từ năm 2006. Nhưng đến năm 2010 Cty Văn Tuân mới “lò dò” đi kiện.

Vụ việc này còn có những điều bất bình thường khác, chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh sau khi có các phán quyết từ cấp tòa phúc thẩm.

Bảo Minh

Đọc thêm