Tòa nên khép lại vụ "nhờ đứng tên mua nhà ở Đà Lạt"

Trong lá đơn gửi Chánh án TANDTC ông Nhàn bộc bạch: “Từ ngày phát sinh tranh chấp kiện tụng chưa khi nào tôi thấy lương tâm mình thanh thản, khi gặp mặt anh em trong dòng họ tôi thấy không được tự nhiên và thiếu tự tin, thậm chí không dám gặp mặt bà nội...".

Năm 1998, ông Nguyễn Earl (Nguyễn Cửu Chi), Việt kiều Mỹ, nhờ mẹ đứng tên mua giúp căn nhà tại Đà Lạt để có nơi cư ngụ khi về nước làm ăn… 

Ông Nhàn (bên trái) và ông Chi trao đổi với PV.
Ông Nhàn (bên trái) và ông Chi trao đổi với PV.

Rắc rối chuyện nhờ đứng tên

Năm 1998, ông Nguyễn Earl (Nguyễn Cửu Chi) mua ngôi nhà số 60 Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt. Do đang định cư tại Mỹ và pháp luật lúc đó chưa cho phép việt kiều đứng tên mua bán nhà đất, nên ông Chi nhờ mẹ là bà Hồ Thị Liễu thay mặt đứng tên Giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCN).
Bà Liễu cho biết: Chi gửi tiền về nhờ bà mua dùm nhà để có nơi sinh sống khi hồi hương. Bà chỉ thay mặt con trai mua bán và đứng tên GCN chứ không phải mua cho bà. 
Năm 2004, do tuổi cao, sức yếu bà bàn với ông Chi nhờ anh ruột là ông Nguyễn Huyền Thanh đứng tên giúp bằng cách bà Liễu làm hợp đồng tặng cho ông Thanh ngôi nhà trên vào ngày 26/10/2004 và ông Thanh đứng tên chủ sở hữu.
Để tránh tranh chấp về sau, ông Thanh làm giấy cam kết thừa nhận việc đứng tên nhà hộ ông Chi. Ngày 24/10/2007, ông Thanh làm thêm một giấy cam kết nữa thừa nhận căn nhà này là của ông Chi và lập di chúc để lại căn nhà nói trên cho ông Chi khi qua đời. Sau đó, ông Chi giao giấy tờ cho bà Liễu cất giữ. 
Tháng 02/2008, ông Thanh chết, bà Liễu mở tủ lấy giấy tờ nhà đất giao lại cho ông Chi thì phát hiện đã “không cánh mà bay”. Sau đó bà Liễu mới biết ông Thanh đã lập văn bản hủy bỏ di chúc ngày 24/10/2007 và làm hợp đồng tặng cho căn nhà cho hai con là Nguyễn Thanh Hiển và Nguyễn Lê Thanh Nhàn vào ngày 11/1/2008.
Bà Liễu, ông Chi khởi kiện ra tòa đề nghị hủy bỏ hợp đồng tặng cho nhà nói trên và yêu cầu ông Hiển, ông Nhàn trả lại nhà cho ông Chi, vì ông Chi đã về làm ăn tại Việt Nam theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Lâm Đồng cấp ngày 10/7/2008, nên có đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam theo quy định.
Ông Nhàn, ông Hiển thừa nhận nguồn gốc số tiền bỏ ra mua nhà là của ông Chi gửi về, nhưng lại cho rằng ông Chi gửi tiền về là cho bà nội (bà Liễu) để mua nhà chứ không phải nhờ Liễu mua giúp. Đến năm 2004 bà Liễu làm hợp đồng tặng căn nhà nói trên cho ông Thanh; Sau đó ông Thanh lập hợp đồng tặng cho nhà đất nói trên cho Nhàn và Hiền, nên họ không đồng ý trả nhà.
Bị đơn rút kháng cáo, tòa nên khép án
Ngày 29/9/2008, TAND tỉnh Lâm Đồng ra Bản án sơ thẩm số 11 tuyên hủy hợp đồng tặng cho nhà ở và quyền sử dụng đất đối với căn nhà 60 Phù Đổng Thiên Vương do bà Liễu lập ngày 26/10/2004 và ông Thanh lập ngày 11/10/2008; Công nhận căn nhà trên thuộc quyền sở hữu của ông Chi. Kiến nghị UBNDTP Đà Lạt thu hồi GCN đã cấp cho ông Nhàn và ông Hiền.
Ông Chi có trách nhiệm liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để xin cấp GCN đối với căn nhà trên. Ngày 23/12/2008, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP HCM ra Bản án số 499 giữ nguyên án sơ thẩm. 
Tuy nhiên, 3 năm sau, ngày 23/12/2011 Phó Chánh án TANDTC ra Quyết định số 751 kháng nghị Bản án phúc thẩm số 499 ngày 23/12/2008 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM; đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử giám đốc thẩm hủy bản án dân sự phúc thẩm và án sơ thẩm, vì cho rằng cần xác minh làm rõ mục đích ông Chi gửi tiền về để cụ Liễu mua nhà xuất phát từ thời điểm nào?.
Cần xác định căn nhà thuộc sở hũu chung của cụ Liễu và ông Chi. Ông Thanh có viết thêm một giấy cam kết hay không? Ai là người quản lý, sử dụng và có việc sửa chữa hay không?. Nhu cầu sử dụng nhà của các con ông Thanh…
Sau khi nhận được QĐ trên, ngày 29/12/2011, ông Nhàn đã làm đơn xin rút khiếu nại Giám đốc thẩm gửi Chánh án TANDTC với lý do: “Sự thật nhà đất 60 Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, Đà Lạt, Lâm Đồng là do chú ruột của tôi là Nguyễn Cửu Chi (Earl Nguyễn) mua bằng tiền của chú tôi. Do chú tôi là Việt kiều không được đứng tên sở hữu nên đã nhờ bà nội của tôi là Hồ Thị Liễu đứng ra mua và đứng tên dùm”. 
Ông Nhàn cho biết: Từ trước đến nay, gia đình ông sinh sống tại căn nhà 49A Trương Công Định, Đà Lạt chưa từng đến ở tại căn nhà 60 Phù Đổng Thiên Vương. Sau khi mua nhà xong, ông Chi để cho bà Nguyễn Cửu Tường Vy và Nguyễn Thị Hạnh là chị và em của ông Chi quản lý, sử dụng. Hiện anh em ông Nhàn và gia đình đã có nơi ở là căn nhà 49 A Trương Công Định mà trước đây vào năm 1989 ông Chi đã mua tặng cho ông bà nội.
Ngày 02/3/2012 ông Nhàn, bà Thúy (mẹ ông Nhàn) làm giấy cam kết (có chứng thực của chính quyền địa phương) nói rõ: “Trước đây tôi Nguyễn Lê Thanh Nhàn cùng anh tôi là Nguyễn Thanh Hiền đã tranh tụng kiện chú tôi để giành chủ quyền nhà 60 Phù Đổng Thiên Vương thuộc phường 8, TP Đà Lạt. Nhưng nay chúng tôi (Nhàn, chị dâu Thúy) đã ý thức rằng việc tranh giành chủ quyền căn nhà tại 60 Phù Đổng Thiên Vương, thuộc phường 8, TP Đà Lạt là việc làm sai sự thật, sai đạo đức con người, sai đạo đức xã hội” 
Theo Luật sư Nguyễn Văn Bửu – Trưởng VPLS Bửu Tín: Như vậy sự thật đã rõ. Việc hai cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử tuyên hủy các hợp đồng tặng cho giả tạo và công nhận quyền sở hữu căn nhà 60 Phù Đổng Thiên Vương cho ông Chi là đúng với bản chất sự thật, phù hợp với các Điều 128, 136, 255, 256, 465 Bộ luật Dân sự, nên không cần thiết phải hủy án vì những lý do trên để xét xử lại từ đầu. Hơn nữa, việc dân sự là việc của  dân, do người dân định đoạt.
Thiết nghĩ, Hội đồng Thẩm phán TANDTC nên xem xét, cân nhắc vấn đề này, nhằm tránh tình trạng đắng lòng vì những vụ án dân sự kéo dài không đáng có.

Trong lá đơn gửi Chánh án TANDTC ông Nhàn bộc bạch: “Từ ngày phát sinh tranh chấp kiện tụng chưa khi nào tôi thấy lương tâm mình thanh thản, khi gặp mặt anh em trong dòng họ tôi thấy không được tự nhiên và thiếu tự tin, thậm chí không dám gặp mặt bà nội.

Vì vậy, khi nhận được Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm về việc hủy bỏ các bản án đã có hiệu lực pháp luật để giao cho TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử lại, tôi thấy áy náy và rất ngại phải đánh mất lương tâm để một lần nữa phải tranh chấp kiện tụng, ruột thịt tương tàn”. 

Phúc Ân 

Đọc thêm