Hai lần trả hồ sơ để VKS bổ sung chứng cứ phạm tội, Tòa án cho rằng việc buộc tội “lừa đảo” đối với bị cáo là chưa thuyết phục còn luật sư khẳng định đây là một vụ án oan.
Chứng cứ duy nhất bị nghi ngờ
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Bắc Ninh, bị can Nguyễn Thị Phúc bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà Đỗ Thị Hồng Liễu vì đã có hành vi chuyển nhượng quyền mua bán nhà cho bà Liễu nhưng rồi lại đem hồ sơ đất đai thế chấp cho người khác để vay tiền.
Theo đơn tố cáo của bà Đỗ Thị Hồng Liễu thì bà Liễu mua của bà Nguyễn Thị Phúc lô đất số 16 - C4 thuộc khu nhà ở và dịch vụ công cộng đường Lý Thái Tổ, TP. Bắc Ninh do công ty CP đầu tư phát triển Hà Thành (nay là Cty Việt Trang) làm chủ đầu tư. Hợp đồng được hai bến ký kết vào ngày 06/3/2008, với giá là 1 tỷ 474 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng mua bán, bà Liễu đã trả đủ tiền cho bà Phúc và nhận về bộ hồ sơ gốc (gồm hợp đồng huy động vốn giữa bà Phúc với chủ đầu tư là và các phiếu nộp tiền cho chủ đầu tư).
|
Khu nhà ở và dịch vụ công cộng đường Lý Thái Tổ, TP.Bắc Ninh |
Bà Liễu khẳng định, ngày 5/10/2010 và ngày 18/1/2011 bà Phúc đã nhận lại “hồ sơ gốc” để làm thủ tục để Cty sang tên cho bà Liễu vào hợp đồng chính chủ. Theo tố cáo của bà Liễu, sau khi cầm lại bộ “hồ sơ gốc”, bà Phúc đã không sang tên cho bà Liễu mà sử dụng để thế chấp vay tiền của ông Nguyễn Trọng Minh ở huyện Tiên Du. Những lời tố cáo với chứng cứ là bộ hồ sơ có chữ ký của vợ chồng bà Phúc chuyển nhượng lô đất 16-C4 cho bà Liễu, CQĐT đã khởi tố bà Phúc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nhưng, trong suốt quá trình điều tra, bà Phúc đều cho rằng không có chuyện mua bán với bà Liễu. Bà Phúc khẳng định, lô đất 16-C4 là của bà Nguyễn Thị Minh Tâm, vợ chồng bà chỉ đứng hộ tên. Lời kêu oan này đã không được đếm xỉa đến vì CQĐT cho rằng, bằng chứng buộc tội bà Phúc là bản hợp đồng mua bán với bà Liễu ngày 6/3/2008 đã quá chắc chắn.
Trong quá trình xét xử vụ án, lời buộc tội trở nên mong manh khi xuất hiện nhân chứng và vật chứng rất quan trọng chứng minh việc mua bán giữa bà Phúc và bà Liễu là “giả”. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm và bà Trần Thị Kim Chi khẳng định, ngày 25/1/2010, bà Tâm vay tiền của bà Chi và thế chấp bằng lô đất 16-C4 do vợ chồng bà Phúc đứng tên.
Để có cơ sở pháp lý cho việc thế chấp trên, vợ chồng bà Phúc phải ủy quyền thực hiện hợp đồng góp vốn với Cty Hà Thành cho bà Chi và giao cho bà chi toàn bộ “hồ sơ gốc”. Việc ủy quyền được thực hiện tại Văn phòng công chứng Bắc Hà. Cơ quan điều tra đã xác định rõ việc ủy quyền là có thật và cũng điều tra rõ, bà Phúc chỉ có một bộ “hồ sơ gốc”. Nếu tố cáo của bà Liễu là đúng thì bà Phúc chỉ có một bộ hồ sơ gốc đã giao cho bà Liễu từ ngày 6/3/2008 thì bà Phúc lấy đâu ra “hồ sơ gốc” để giao cho bà Chi vào ngày 25/1/2010?
Ngược lại, nếu việc giao cho bà “hồ sơ gốc” (bà Chi nộp cho cơ quan điều tra) là thật thì hợp đồng ngày 6/3/3008 sẽ là giả và việc kêu oan của bà Phúc là có cơ sở. Theo đánh giá của TAND tỉnh Bắc Ninh, chứng cứ duy nhất để buộc tội bà Phúc là bản hợp đồng ngày 6/3/2008 đang bị nghi ngờ là gian dối nên phải giám định để làm rõ.
Định tội không đúng
Nghi ngờ tính chân thực của “chứng cứ duy nhất” nên đã hai lần TAND tỉnh Bắc Ninh phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thu thập chứng cứ buộc tội. Đặc biệt, trong quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung, Tòa cho rằng, quan điểm buộc tội của VKS cũng “có vấn đề”.
Theo đánh giá của Tòa, nếu ngày 18/1/2011 bà Liễu đã đưa “hồ sơ gốc” cho bà Phúc để sang tên hợp đồng và bà Phúc có viết giấy biên nhận. Như vậy thì việc bà Phúc cầm “hồ sơ gốc” từ bà Liễu (nếu có - PV) cũng hoàn toàn ngay thẳng, không có gian dối. Do đó, việc truy tố bà Phúc về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng. Vì lý do này, trong quyết định trả hồ sơ, Tòa đề nghị xem xét lại tội danh đối với bà Phúc, nếu sự việc như tố cáo trên là sự thật.
Đồng tình với quan điểm của Tòa án, các luật sư tham gia bào chữa cho bà Phúc khẳng định, nếu bà Phúc “lừa đảo” thì ý thức chiếm đoạt phải xuất hiện trước ngày 6/3/2008, ngày ký hợp đồng với bà Liễu. Còn, nếu đem tài sản đã bán cho bà Liễu năm 2008 để thế chấp cho người khác vào năm 2011, như lời buộc tội, thì rõ ràng là bà Phúc không hành vi gian dối khi thực hiện việc bán nhà cho bà Liễu nên không phạm tội lừa đảo. Luật sư Trương Anh Tuấn, cho rằng, trong vụ án này, đã có sai lầm trong áp dụng pháp luật và chứng cứ duy nhất có dấu hiệu không khách quan dẫn đến bị cáo bị “hàm oan”.
Xuân Bính