Tòa "quên" luật, thiếu phụ chật vật với đơn ly hôn chồng nghiện game

“Chồng nghiện game, đánh đập vợ, vay nặng lãi, nay bỏ nhà đi lang bạt, gia đình chồng ruồng rẫy, đến con sinh ra cũng không được nuôi… không thể chịu đựng nổi, tôi muốn ly hôn cũng không được”, chị Tho nghẹn ngào.

Giữa tháng 7/2013, đường dây nóng báo Xa lộ Pháp luật nhận được cuộc gọi khẩn thiết từ chị Nguyễn Thị Tho (SN 1990, ngụ đội 1, thôn Lai Xá, xã Lê Thanh (Mỹ Đức, Hà Nội) về việc chị đã hai lần làm đơn xin ly hôn với chồng gửi lên Tòa án nhân dân (TAND) huyện Mỹ Đức, tuy nhiên, không được tòa chấp nhận giải quyết.

Theo lời chị Tho, nguyên nhân mà tòa đưa ra là do anh Nguyễn Ngọc Minh (SN 1988, quê cùng xã) chồng chị hiện không có mặt ở nhà. Anh Minh đang sống ở TP.HCM nên tòa cho rằng chị Tho phải vào trong đó mới giải quyết được việc ly hôn.

Vì TAND huyện Mỹ Đức vô trách nhiệm, chị Tho vẫn chưa thể rời bỏ được người chồng vô trách nhiệm.
Chị Tho vẫn chưa thể rời bỏ được người chồng vô trách nhiệm.

Bố vợ cho bao gạo ăn, chồng cũng bán lấy tiền chơi game

Gặp chúng tôi, chị Tho nghẹn nghào: “Chồng nghiện game, đánh đập vợ, vay nặng lãi, nay bỏ nhà đi lang bạt, gia đình chồng ruồng rẫy, đến con sinh ra cũng không được nuôi… không thể chịu đựng nổi, tôi muốn li hôn cũng không được”.

Năm 2010, hai người đến với nhau. Hàng ngày vợ ra chợ buôn bán, chồng theo bố vợ đi buôn chó và mở quán bán thịt chó tại nhà. Hạnh phúc gia đình chưa được bao lâu, Minh bỗng đổi tính vì nghiện game, bỏ bê công việc, kiếm được bao nhiêu tiền đều đem "đốt" hết vào game.

Khi đối đầu với nhiều khoản nợ không thể trả, Minh đã ôm con chạy trốn vào TP.HCM, "thả" con cho bố mẹ đẻ rồi bỏ đi, mặc vợ bơ vơ một mình với khoản nợ lớn.

Kể về cuộc hôn nhân đẫm nước mắt của con gái, bố chị Tho lắc đầu ngán ngẩm: “Nhìn gia đình con đứt gánh giữa đường, vợ chồng tôi cũng đau lòng lắm nhưng thà giải phóng cho nhau chắc sẽ tốt hơn. Cứ để vậy nghĩ quẩn lại thiệt thân nó”.

Theo người cha, con rể mình là người cùng xã nhưng bố mẹ lại sinh sống ở miền Nam nhiều năm nay. Khi lấy vợ, Minh mới về quê, hai vợ chồng sinh sống ở căn nhà cũ của bố mẹ ở thôn An Thượng.

“Đang làm ăn rất thuận lợi, cuộc sống vợ chồng hạnh phúc, tự dưng nó lại lao đầu vào game. Có bao nhiêu tài sản mang đi cầm cố hết, đến khi không còn gạo ăn, tôi chở sang cho một bao nó cũng mang đi bán nốt”, người cha vợ ngậm ngùi.

Không chỉ vậy, trong một lần người thân trong gia đình ngăn không cho đi chơi game, Minh nổi điên vứt xe máy giữa đường, ôm rơm chất đống lên xe phóng hỏa. Sau đó, bỏ mặc chiếc xe cháy đùng đùng, anh ta đi bộ hơn 5 km đến quán net để chơi game.

Thỉnh thoảng Minh mới chịu về nhà, phờ phạc vì mất ngủ. "Thế giới ảo" ngấm sâu vào máu, bị vợ can ngăn, Minh còn trói tay chân vợ, đóng cửa lại đánh đập, rất may người dân xung quanh phát hiện kịp thời.

Ông nội chết vẫn ngồi quán game, em gái cưới cũng không về

Để có tiền chơi game, từ bán trộm chó của bố vợ, vay nặng lãi hàng chục triệu đồng, Minh còn nghĩ ra đủ trò tinh quái. “Ngày trước đi làm dư giả được đồng nào tôi bỏ hết vào con heo đất tiết kiệm. Không ngờ anh ấy đập lấy hết tiền rồi ra chợ mua con heo đất khác giống như đúc về thay thế. Đến khi nợ nần túng quẫn, tôi đập heo ra mới biết tiền đã bị lấy mất từ lúc nào. Hai năm nay, tôi luôn phải chịu đựng như thế”, người vợ nghẹn ngào.

Nhiều người địa phương cho biết, Minh nghiện game đến mức không còn biết gì xảy ra xung quanh. Chuyện vô trách nhiệm của anh ta đã đến mức người dân ai cũng có thể kể vanh vách.

Ví như lần ông nội Minh mất, người thân báo tin, cha Minh từ miền Nam vội đi máy bay ra. Vậy mà tận lúc người cha có mặt ở nhà, quý tử vẫn đang mải mê chơi game, chưa về chịu tang.

“Nhà có những việc lớn như ông nội mất rồi em gái cưới, nó vẫn không chịu về, cứ ngồi cả ngày ngoài quán "nét". Không có ông bố vợ nào khổ như bố vợ nó, nhiều đêm 1h sáng mưa gió ầm ầm, không dám để con gái đi ngoài đường, ông ấy còn đích thân đi khắp các quán "nét" tìm con rể”, một người dân chia sẻ.

“Bản cáo trạng” về sự vô trách nhiệm của người chồng ngày càng dài ra đến mức không còn điểm dừng. Trước Tết Nguyên Đán vừa rồi, không thể trả nổi nợ nần, Minh ôm con bắt xe trốn vào Nam. Vào đến nơi, anh ra thuê xe ôm chở con về nhà cho bố mẹ đẻ, rồi bỏ đi đâu không ai biết, điện thoại cũng không liên lạc được.

“May trời phật phù hộ nên con tôi không gặp bất trắc gì. Ngày mới yêu, thấy anh ấy rất ngoan hiền, lịch sự, không ngờ cưới nhau về rồi mẹ chồng mới kể, có lúc Minh nghiện thế giới "ảo" đến mức bỏ nhà đi lang bạt cả tháng, gia đình từng phải nhiều lần nhờ thầy làm lễ cúng bái để tìm anh ấy”, người vợ nghẹn ngào nhớ lại.

Thương nhớ con, chị Tho bắt xe khách vào đón con về nhưng đến nơi, mẹ chồng tìm đủ lời lẽ hắt hủi: “Mày vào đây thì ra thuê nhà trọ mà sống, đây là nhà của tao”. Sau khi đưa con về nhà được hơn hai tháng, mẹ chồng lại ra đón cháu nội, không cho chị Tho nuôi con.

“Tôi không thể chịu nổi cuộc sống này nữa. Nhiều lần tôi đã định tự tử nhưng bố mẹ lại kịp thời phát hiện. Giờ tôi muốn ly hôn, xin Tòa được nuôi con để hai mẹ con chăm sóc nhau”.

TAND huyện khước từ quyền ly hôn hợp pháp của công dân

Gia đình hai bên đã có trao đổi về việc chị Tho làm đơn ra tòa xin li hôn, hai bố con ông đã lên xã trình bày vấn đề, được xã hướng dẫn viết đơn, đóng dấu xác nhận và giới thiệu lên Tòa án nhân dân huyện đề nghị giải quyết.

Chị Tho đã hai lần đến TAND huyện Mỹ Đức nộp đơn vào hai tháng 6 - 7/2013. Cả hai lần, cán bộ tòa đều từ chối nhận đơn. Lý do cán bộ này đưa ra là vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND huyện. Vì người chồng hiện không có mặt ở địa phương nên yêu cầu chị Tho phải vào miền Nam nơi chồng sinh sống để giải quyết?

Thạc sĩ Nguyễn Thế Anh (Trung tâm Truyền thông Pháp luật Việt Nam) cho rằng việc từ chối giải quyết yêu cầu ly hôn kể trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền khởi kiện ly hôn hợp pháp của công dân, vi phạm nghiêm trọng thủ tục nhận đơn khởi kiện và thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Thứ nhất, “Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc gửi qua đường bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn” (Điều 167 Bộ luật Tố tụng Dân sự). Như vậy, chỉ cần có đương sự đến nộp đơn khởi kiện, tòa án buộc phải nhận đơn chứ không được từ chối.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn khởi kiện, tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây: Tiến hành thụ lý vụ án; Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác; Trả lại đơn khởi kiện, nếu việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Theo luật, thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự theo lãnh thổ được xác định là tòa án nơi bị đơn cư trú. Để làm rõ vấn đề, Xa lộ Pháp luật được phó Trưởng Công an xã xác nhận, anh Minh là con trai cả của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bình có hộ khẩu đăng kí thường trú tại đội 6, xóm Áng Thượng, xã Lê Thanh.

Hiện gia đình anh Minh chưa cắt khẩu, nên vẫn thuộc phạm vi quản lí về hộ khẩu của xã Lê Thanh. Như vậy, bị đơn là anh Minh thường trú tại huyện Mỹ Đức thì TAND huyện Mỹ Đức có nghĩa vụ phải giải quyết vụ án theo đúng thẩm quyền. Việc TAND huyện từ chối giải quyết đơn yêu cầu ly hôn hợp pháp của chị Tho là chối bỏ thẩm quyền đã được giao.

Xa lộ Pháp luật đã tìm đến TAND huyện Mỹ Đức để làm rõ thông tin sự việc. Tuy nhiên, một lãnh đạo Tòa lại đưa ra nhiều lý do để không trả lời phóng viên.

Theo Xa lộ pháp luật

Đọc thêm