Tòa tuyên vô hiệu… di chúc hợp pháp?

Di chúc được lập theo quy định pháp luật, có cả người làm chứng, được UBND có thẩm quyền chứng thực. Thế nhưng, khi có tranh chấp thừa kế, Tòa án cấp phúc thẩm lại cho là di chúc không hợp pháp để chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Di chúc được lập theo quy định pháp luật, có cả người làm chứng, được UBND có thẩm quyền chứng thực. Thế nhưng, khi có tranh chấp thừa kế, Tòa án cấp phúc thẩm lại cho là di chúc không hợp pháp để chia di sản thừa kế theo pháp luật.

Chia di sản theo di chúc hay theo pháp luật ?

Theo “Tờ di chúc” ngày 28/10/2005, ông Nguyễn Thanh Sơn và bà Bùi Thị Ngọc Điệp để lại tài sản chung của hai vợ chồng cho các con là Nguyễn Ngọc Khánh và Nguyễn Khánh Ngọc được thừa hưởng nhà  số 384/222 Lý Thái Tổ, phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh; nhà số 198/7A/22 đường Bình Thới, phường 14, quận 11, TP Hồ Chí Minh cùng với các tài sản khác như phương tiện đi lại, tín phiếu, tín dụng, tiền cho vay, góp vốn, tiền ngân hàng…

Ngày 2/6/2006, ông Sơn chết, nhưng di chúc chưa phát sinh hiệu lực pháp luật vì theo quy định tại Điều 668 BLDS 2005: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết”.

Để kê khai di sản của ông Sơn, bà Điệp và các con Ngọc Khánh, Khánh Ngọc đã kê khai thừa kế phần di sản của ông Sơn theo pháp luật. Bà Điệp phải cam kết, hàng thừa kế thứ nhất của ông Sơn chỉ có bà và hai con là  Khánh và Ngọc, cha mẹ ông Sơn không còn.

Tuy nhiên, trước khi kết hôn với bà Điệp (năm 1979), ông Sơn đã có vợ là bà Dương Thị Minh Hảo và đã ly hôn vào năm 1977. Ông Sơn và bà Hảo có 4 người con chung là Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Thu Thủy, Nguyễn Thị Lệ Thanh và Nguyễn Thị Minh Tâm.

Năm 2011, bà Nguyễn Thị Minh Tâm có đơn khởi kiện ra TAND TP. HCM, yêu cầu công nhận đồng thừa kế thuộc hàng thứ nhất gồm bà Oanh, bà Thủy, bà Thanh, bà Tâm; chia thừa kế theo pháp luật di sản thừa kế của ông Sơn. Đối với di chúc ngày 28/10/2005 do ông Sơn và bà Điệp lập, bà Tâm không có ý kiến.

Khi các người con riêng của ông Sơn tranh chấp thừa kế, yêu cầu chia di sản của ông Sơn theo pháp luật và Tòa án  phải giải quyết tranh chấp thừa kế. Vấn đề  đặt ra là chia thừa kế phần di sản của ông Sơn theo pháp luật hay theo di chúc?.

Trong trường hợp này, nếu là di chúc hợp pháp thì bà Điệp còn sống nên chưa phát sinh hiệu lực pháp luật, không thể chia di sản của ông Sơn vì phần tài sản của ông Sơn đã được định đoạt theo di chúc, và theo di chúc thì ông Sơn không để lại thừa kế cho chị em bà Tâm.

Trong trường hợp chia thừa kế theo pháp luật, 4 chị em bà Tâm là hàng thừa kế thứ nhất. Và, chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông Sơn cũng đồng nghĩa với việc di chúc ngày 28/10/2005 của ông Sơn và bà Điệp bị vô hiệu. Hay nói cách khác, quyền lợi của chị em bà Tâm sẽ phụ thuộc vào tính hợp pháp của di chúc do Tòa án phán quyết.

Tại bản án sơ thẩm số 842/2011/DS-ST ngày 13/6/2011, TAND TP. HCM không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của chị em bà Tâm với tư cách là nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ kiện. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm cũng không quyết định về tính hợp pháp của tờ di chúc.

Sau khi xét xử sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo có yêu cầu mới là hủy di chúc để chia thừa kế theo pháp luật. Tại bản án phúc thẩm số 106/2012/DS-PT ngày 6/3/2012, Tòa Phúc thẩm TANDTC tại TP. HCM đã chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, vô hiệu di chúc và chia di sản của ông Sơn theo pháp luật. Vấn đề đáng nói ở đây là căn cứ nào để vô hiệu di chúc chung của vợ chồng ông Sơn, bà Điệp?

Vô hiệu di chúc không có căn cứ

Trước hết, Tòa Phúc thẩm cho rằng di chúc có thiếu sót về hình thức. Di chúc được lập thành hai trang in rời thành hai tờ giấy, nhưng người chứng thực di chúc chỉ ký trên tờ thứ hai, tờ thứ nhất chỉ ghi nội dung di chúc không có chữ ký của người chứng thực. Vấn đề này liên quan đến việc chứng thực và việc chứng thực trong trường hợp này là phù hợp với quy định pháp luật bởi dấu giáp lai của UBND phường vẫn còn nguyên vẹn trên hai trang giấy.

Dựa vào nhật ký của ông Sơn với nội dung ghi chép không liên quan gì đến việc thay đổi di chúc, Tòa án cấp phúc thẩm lại cho rằng nội dung di chúc không phù hợp với ý chí của ông Sơn, và nhận định “ngay sau khi ông Sơn chết thì bà  Ngọc Điệp, bà  Ngọc Khánh và bà  Khánh Ngọc đều đã xác định ông Sơn không để lại di chúc và cùng nhau lập “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế” để chia di sản của ông Sơn theo pháp luật là đã tự nguyện từ bỏ di chúc này”.

Cách lập luận này là hoàn toàn suy diễn vì việc hủy bỏ di chúc phải do ông Sơn và bà Điệp thống nhất hủy bỏ theo quy định của pháp luật. Cuối cùng, Tòa phúc thẩm đã vô hiệu di chúc để chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông Sơn.

Sau khi vô hiệu di chúc, di sản của ông Sơn là ½ giá trị tài sản chung của vợ chồng ông Sơn và bà Điệp được Tòa Phúc thẩm phân chia thừa kế theo pháp luật cho các đồng thừa kế, trong đó  4 người con riêng được hưởng 7.214.090.890. đồng và 47.856 cổ phiếu.

Còn bà Điệp cùng 2 con được hưởng 5.410.568.169 đồng và 35.892 cổ phiếu. Riêng bà Tâm được hưởng căn nhà 198/7A/ 22 Bình Thới, phường 14, quận 11, TP. HCM và hoàn trả lại tiền chênh lệch cho các thừa kế khác.

Có thể nói, để chia thừa kế theo pháp luật, Tòa Phúc thẩm đã không ngần ngại tính đến việc vô hiệu tờ di chúc hợp pháp của vợ chồng ông Sơn, bà Điệp dù không có căn cứ; và việc Tòa Phúc thẩm vô hiệu di chúc là vi phạm nguyên tắc xét xử hai cấp bởi vì cấp sơ thẩm không quyết định về tính hợp pháp của di chúc nên cấp phúc thẩm không thể đặt ra để giải quyết, việc làm này của cấp phúc thẩm là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Do đó, việc xem xét lại vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm là cần thiết và ngày 23/11/2012, Chánh án TANDTC đã có văn bản số 40/TANDTC-DS yêu cầu hoãn thi hành án bản án dân sự phúc thẩm nêu trên để xem xét đơn khiếu nại của bà Bùi Thị Ngọc Điệp.

Nguyễn Đình Bích

Đọc thêm