Tòa “xẻ” đất công, nguyên đơn được tiền tỷ

Vụ tranh chấp đất giữa bà Thiểm và anh Việt không có thủ tục hòa giải tại địa phương. Nếu có thủ tục này thì chắc chắn, cả trăm m2 đất công, nằm trong dự án đã không bị Tòa phán, trả cho nguyên đơn...

[links()]Vụ tranh chấp đất giữa bà Thiểm và anh Việt không có thủ tục hòa giải tại địa phương. Nếu có thủ tục này thì chắc chắn, cả trăm m2 đất công, nằm trong dự án đã không bị Tòa phán, trả cho nguyên đơn...

c
Khu đất này đã tăng giá lên hàng chục lần so với trước khi có dự án.

Tòa “hợp thức hóa” đất công cho nguyên đơn...

Theo quy định tại Luật Đất đai, tranh chấp đất mà đương sự chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng hoặc giấy tờ hợp lệ về đất đai thì không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà do chính quyền giải quyết. Trong vụ án này, bà Thiểm kiện đòi bị đơn để được sử dụng 9 lô đất ( từ lô 1 đến lô 9 rộng gần 400 m2) trong dự án vì cho rằng, trước khi có dự án thì đây là đây là diện tích gia đình bà sử dụng.

Tuy nhiên, theo xác minh của cơ quan chức năng, bà Thiểm chỉ được quyền sử dụng hợp pháp 107,8 m2; sau khi có dự án, 1 phần đất này đã được sử dụng làm đường khu dân cư nên chỉ còn hơn 30m2. Diện tích gần 370m2 còn lại mà bà Thiểm đang đòi anh Việt vốn là đất sườn đồi, đất lưu không của Nhà nước chứ không thuộc quyền sử dụng hợp pháp của bà Thiểm.

Như vậy, việc giải quyết tranh chấp 370m2 đất lưu không trên đây không thuộc thẩm quyền của Tòa án song TAND Tp Hạ Long vẫn thụ lý, bỏ qua thủ tục hòa giải ở UBND phường.

Trong giai đoạn xét xử, Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) TP Hạ Long từng có ý kiến, “việc bà Thiểm cho rằng phần đất của bà gồm các ô từ số 1 đến số 8 và ½ ô số 9 là không có căn cứ”.. Thế nhưng cơ quan này cùng nhiều cơ quan khác và chính quyền địa phương đã không được triệu tập đến Tòa để làm rõ quyền sử dụng diện tích đất đang chấp. 

Kết cục, diện tích đất tại các lô 6,7,8,9 (rộng khoảng 160m2) đã được HĐXX cấp sơ thẩm “quyết” cho bà Thiểm sử dụng (mà chủ đất thực sự cũng như cơ quan cho phép triển khai dự án khu dân cư không được có ý kiến tại Tòa. Từ chỗ chỉ còn 30m2 đất trong Sổ đỏ, bà Thiểm đã được Tòa “biếu không” 130m2 đất vốn là đất công (trị giá cả tỷ đồng) chỉ vì chuyện “hợp đồng ủy quyền của bà Thiểm cho anh Việt triển khai dự án là vô hiệu”.

Mâu thuẫn ở chỗ, dù chối bỏ hợp đồng ủy quyền cho anh Việt triển khai dự án nhưng bà Thiểm lại rất sẵn sàng đón nhận kết quả công việc mà anh Việt đã làm, thông qua đề nghị “xin triển khai tiếp dự án” và “được 9 lô đất trong dự án”

Trước phán quyết của Tòa, anh Việt chua chát nói: “Nếu tôi không bỏ tiền bạc, công sức để lập và triển khai dự án thì liệu giá đất của bà Thiểm có tăng gấp 30 lần như hiện nay?”.

Ngược quan điểm của các cơ quan

Phán quyết cho bà Thiểm được sử dụng 4 ô đất như trên không biết sẽ được thi hành ra sao khi ông Việt- bị đơn trong vụ án này không phải là chủ sử dụng đất. Trong hồ sơ dự án cũng như tại các văn bản của cơ quan Nhà nước đều xác định, anh Việt thực hiện dự án với tư cách đại diện cho chủ đầu tư là 5 hộ dân, không hề được sử dụng hoặc có một m2 đất nào trong dự án. Vậy thì anh Việt có đất đâu mà trả cho bà Thiểm 4 lô đất, giả sử bản án này có hiệu lực, cơ quan thi hành án cũng đành... “bó tay”.

Tại Biên bản tạm giao mặt bằng ngày 24/5/2010, đại diện các cơ quan chức năng yêu cầu đại diện chủ đầu tư “sau khi thi công xong mặt bằng và kết cấu hạ tầng phải lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất cho UBND TP Hạ Long để làm cơ sở giao đất cho từng hộ dân theo quy định...”.

Còn Phòng TN& MT TP Hạ Long từng có ý kiến “việc bà Thiểm và các hộ dân có sự tranh chấp về quyền lợi chỉ được giải quyết sau khi dự án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật” và “không có căn cứ để thực hiện việc chuyển vị trí diện tích đất cho các hộ vào các ô theo quy hoạch mà phải thực hiện đền bù GPMB và cấp tái định cư theo quy định”.

Cùng quan điểm này, Phòng Quản lý Đô thị (QLĐT) cũng có trả lời TAND TP Hạ Long về yêu cầu đòi đất của bà Thiểm rằng, “trước hết, bà Thiểm phải đến phòng TNMT để xác định rõ quyền sử dụng của mình đối với lô đất”  hoặc “sẽ trả lời sau khi có phương  xử lý tài chính để thực hiện điều chỉnh diện tích đất cho các hộ vào các ô theo quy hoạch”.

Thế nhưng, trong khi chưa có các thủ tục thu hồi đất, giao đất trong dự án cho các hộ, chưa có phương án sử dụng cụ thể các ô đất ...theo yêu cầu trên thì HĐXX sơ thẩm đã “chạy trước” và  “lấn quyền” của UBND tỉnh Quảng Ninh, của UBND TP Hạ Long để chia đất công, chia đất dự án cho bà Thiểm.

Bằng phán quyết trên, HĐXX sơ thẩm còn “xé” nhỏ dự án, trái ngược với quan điểm của Phòng QLĐT TP Hạ Long trước đó rằng “dự án có tính chất là một khu dân cư đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ... Việc phân chia hạ tầng lỹ thuật làm nhiều đoạn giao cho cá nhân đầu tư sẽ khó khăn cho công tác quản lý...”, “đây là một dự án chung nên tốt nhất là nên đầu tư chung theo Giấy phép đã được cấp...”.

Với vô số những điều vô lý và sai có bản cả về tố tụng lẫn nội dung trên, người ta không khỏi nghi ngờ về tính vô tư, khách quan của những người “cầm cân nẩy mực” trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua.

“Tòa không thể giao đất công, đất dự án thay chính quyền”

Điều 137 BLDS quy định, “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền...”

Trong vụ án này, nếu Tòa xác định hợp đồng ủy quyền giữa bà Thiểm và anh Việt vô hiệu thì anh Việt phải khôi phục tình trạng ban đầu và trả lại bà Thiểm nhà đất cũ. Tuy nhiên, do nhà, đất của bà Thiểm không thể khôi phục được hiện trạng ban đầu (nhà đất đã bị san ủi và bạt núi để hạ cốt nền, đưa) nên bà Thiểm có thể được nhận lại diện tích cũ nhưng phải trả phần tiền chênh lệch do hưởng lợi từ việc tăng giá trị đất.

Nhưng do đất đã được đưa vào dự án khu dân cư nên Tòa cần cân nhắc về việc, nếu bà Thiểm được nhận lại diện tích đất cũ thì sẽ làm vỡ quy hoạch chung đã được phê duyệt, ảnh hưởng đến dự án đang thực hiện, thậm chí có thể bị cơ quan Nhà nước cho dừng thực hiện dự án. Vì vậy, Tòa có thể xem xét cho bà Thiểm được hưởng giá trị nhà đất cũ (tính bằng tiền) và tính lỗi của các bên.

Còn đối với diện tích đất công, nếu chuyển thành đất ở của hộ gia đình thì phải do UBND các cấp quyết định theo những điều kiện, thủ tục nhất định chứ Tòa không thể quyết được. Cứ xử theo cách này thì người ta có thể thôn tính bất kỳ thửa đất công nào chỉ cần họ  nếu viết giấy ủy quyền cho người khác sử dụng thửa đất đó rồi đề nghị Tòa xử lý hậu quả của hợp đồng ủy quyền vô hiệu?.

Ý kiến một thẩm phán (đề nghị không nêu tên)

Khoa Lâm

Đọc thêm