Tòa “xử” trước khi “xét”?

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Út, người người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án phân chia di sản thừa kế do TAND huyện An Dương, Hải Phòng xét xử ngày 23/9/2011 thì vụ kiện này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm vì có dấu hiệu không khách quan.  

Theo phản ánh của bà Phạm Thị Út, người người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án phân chia di sản thừa kế do TAND huyện An Dương, Hải Phòng xét xử ngày 23/9/2011 thì vụ kiện này có nhiều vấn đề cần phải làm rõ trong phiên tòa phúc thẩm vì có dấu hiệu không khách quan.  

Trước đây, vợ chồng ông Hoàng Văn Thẩm, người để lại di sản và bà Nguyễn Thị Nghiêm cùng các con đã sinh sống trên thửa đất của Hợp tác xã Việt Hùng thuộc thôn Do Nha, xã Tân Tiến, huyện An Dương. Năm 1971, bà Nghiêm. Năm 1972, ông Thẩm lấy bà Út và đưa bà về chung sống cùng bố con ông Thẩm tại thửa đất này. Cuối năm 1972, bà Út và ông Thẩm sinh được một người con chung là Hoàng Văn Tiến.

Trong quá trình chung sống, ông Thẩm và bà Út đã làm đơn xin giao đất và được Hợp tác xã Việt Hùng cấp cho hơn 700m2 đất để làm nhà ở và vợ chồng ông Thẩm bà Út đã xây ngôn nhà 4 gian trên diện tích đất này. Năm 2003, Nhà nước đã cấp GCNQSD đất cho ông Hoàng Văn Thẩm. Quá trình biến động sử dụng đất, diện tích thửa đất của gia đình ông Thẩm chỉ còn 628m2.

Năm 2005, ông Thẩm chết. Sau một vài năm, các con riêng của ông Thẩm với người vợ trước đã khởi kiện đối với anh Hoàng Văn Tiến để đòi chia di sản của ông Hoàng Văn Thẩm.

Quá trình xét xử, HĐXX TAND huyện An Dương đã nhận định: Diện tích đất 628m2 thuộc thửa số 176, tờ bản đồ số 11 tại thôn Do Nha, xã Tân Tiến nêu trên vẫn là tài sản của ông Thẩm và bà Nghiêm và những người thuộc hàng thừa kế được hưởng quyền về tài sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. 

Vì thế, HĐXX đã tuyên xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn và chia cho các nguyên đơn 340m2 đất trong diện tích đất 628m2 nêu trên do anh Hoàng Văn Tiến cùng vợ là Nguyễn Thị Tuyến và bà Phạm Thị Út đang quản lý, sử dụng. Ngoài ra, các nguyên đơn còn được giao sở hữu toàn bộ vật kiến trúc và cây cối trên diện tích đất được chia.  

Tuy nhiên, theo Luật sư Đỗ Văn Quang - Văn phòng Luật sư Đông Quang – Đoàn Luật sư Tp Hải Phòng thì Quá trình giải quyết, xét xử vụ án này, HĐXX đã có những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

Cụ thể, Tòa án cấp sơ thẩm đã có những sai phạm về thủ tục trong cả hai lần định giá tài sản. Tại  Quyết định thành lập Hội đồng định giá (lần 1) thành phần của Hội đồng có 6 thành viên thì 4 thành viên là cán bộ xã Tân Tiến, trong đó ông Vũ Khánh Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, Chủ tịch Hội đồng định giá.

Quyết định định giá lần ngày 29/8/2011 và Biên bản định giá  đề ngày 9/9/2011 có 5 thành viên thì 3 thành viên là cán bộ xã Tân Tiến. Cũng trong thủ tục định giá, Hội đồng định giá đưa hai Bảng tính chi tiết giá trị tài sản đề ngày 12/5/2011 và ngày 9/9/2011 đều do ông Phạm Văn Khiết ký có đóng dấu treo của Phòng Công thương huyện An Dương để kết luận định giá là không hợp lệ bởi theo khoản 4 Điều 92 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2004 thì hội đồng định giá phải trực tiếp định giá và thông qua kết quả định giá tại Biên bản định giá.

Hơn nữa, tại Biên bản nghị án ngày 23/9/2011 và Bản án sơ thẩm đều có “Trích lục dự kiến phân chia thửa đất” kèm theo. Điều kỳ lạ là 4 trích lục phân chia thửa đất nêu trên đều có chữ ký và con dấu đỏ của Phó chủ tịch UBND xã Tân Tiến là ông Lưu Tuấn Sơn. Các trích lục này không thể có cùng thời điểm hoặc sau Biên bản nghị án vì tại Biên bản nghị án đã đề cập đến các trích lục này. Như vậy, các trích lục phải có trước Biên bản nghị án và phiên tòa sơ thẩm. Do đó, phải chăng Hội đồng xét xử đã có quyết định phân chia tài sản trước khi mở phiên tòa !?

Bà Phạm Thị Út buồn bã không chỉ do phán quyết của tòa mà đau buồn về chữ “nhân nghĩa” trong vụ kiện khi mà những người ruột thịt phải đối mặt với nhau trước tòa, tình cảm mẹ con đã bị chia lìa khi người ta chia thửa đất. Theo bài Út cho biết, bà đã lo lắng, chăm sóc cho các con chồng như con mình

Mới chỉ cách đấy 3 năm trở về trước, tình cảm mẹ con còn mặn nồng vì con chồng luôn coi bà như mẹ đẻ của mình. Thế mà khi đất cát đắt đỏ, các anh các chị ấy đã sinh sự với tôi. Ban đầu các anh, các chị ấy xin đất, đòi chia đất rồi đến chửi bới, riếc móc tôi là “con nọ, con kia”. Và, các anh, các chị ấy kiện mẹ con tôi ra tòa để đòi đất.

Được biết, hiện TAND Tp Hải Phòng đang xem xét hồ sơ để chuẩn bị đưa vụ kiện này ra xét xử phúc thẩm. Kết quả của vụ kiện như thế nào còn phải chờ phán quyết của HĐXX cấp phúc thẩm. Tuy nhiên, vụ kiện này đã để lại “bài học nhân nghĩa” ở đời – vì đất, mất tình mẹ con.                                                                                                             

Xung quanh việc định giá tài sản trong vụ án này, chúng tôi có cuộc trao đổi với Luật sư Trần Văn Toàn để bạn đọc hiểu rõ hơn quy định của pháp luật về định giá tài sản trong một vụ kiện dân sự.

Thưa Luật sư, trong một vụ kiện tranh chấp tài sản thì việc định giá có phải là bắt buộc hay không?

- Theo quy định tại Điều 92 Bộ Luật tố tụng dân sự thì Tòa án tiến hành định giá tài sản trong trường hợp đương sự có yêu cầu hoặc do các bên thỏa thuận giá trị tài sản thấp hơn thực tế để trốn tránh nghĩa vụ thuế, phí với Nhà nước.

Tuy nhiên, việc định giá là việc phải làm của tòa án trong hầu hết các vụ án dân sự tranh chấp về tài sản. Vì, định giá tài sản là cơ sở để tính án phí và phân chia tài sản tranh chấp. Do đó, trong các vụ án dân sự tranh chấp về tài sản, Tòa án đều định giá tài sản, kể cả trường hợp đương sự không có yêu cầu.

Xin ông cho biết, khi thành lập Hội đồng định giá thì thành phần tham gia Hội đồng này như thế nào?

- Theo Khoản 2 của Điều 92, thành phần hội đồng định giá gồm đại diện của các cơ quan chuyên môn mà Tòa án mời. Tại Nghị quyết 04/2005/NĐ-HĐTP của TADN tối cao hướng dẫn điều luật này có quy định rõ, tranh chấp tài sản trong lĩnh vực gì thì Tòa án mời cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực đó. Trong vụ việc này, tài sản tranh chấp là quyền sử dụng đất nên tòa phải mời đại diện cơ quan tài nguyên môi trường cấp huyện để tham gia Hội đồng định giá.

Trong hầu hết các vụ việc giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan chuyên môn tham gia Hội đồng định giá do tòa án mời còn có cả Phòng Tài chính của UBND cấp huyện.

Việc UBND xã có đến 4 đại diện như trong vụ án này có đúng pháp luật không, thưa ông?

- Theo quy định của pháp luật, UBND cấp xã không phải là “cơ quan chuyên môn” để tham gia Hội đồng định giá mà trong trường hợp cần thiết thì UBND cấp xã nơi có tài sản được mời để chứng kiến việc định giá. Như vậy, đại diện của chính quyền địa phương chỉ được tham dự với tư cách người làm chứng, không có quyền nêu ý kiến về việc định giá với tư cách là thành viên của Hội đồng định giá.

Việc mời đến từ 3- 4 đại diện của UBND cấp xã tham gia Hội đồng định giá là “có vấn đề” và không đúng pháp luật, có thể làm sai lệch kết quả định giá. Vì, Hội đồng này hoạt động theo nguyên tắc đa số ý kiến. Nếu như những người không có thẩm quyền mà tham gia Hội đồng định giá sẽ dễ dẫn đến thiên lệch.

Xin cảm ơn ông!

Bình Minh

Hùng Minh

Đọc thêm