Toàn cảnh bức tranh chung cư Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 928 nhà chung cư đã hoàn thành đưa vào sử dụng, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành 346 dự án nhà ở thương mại, 25 dự án nhà ở xã hội, 19 dự án nhà ở tái định cư, 4 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

928 nhà chung cư đã hoàn thành

Theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội, tại Hà Nội hiện nay có 132 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 (có hiệu lực ngày 1/7/2006) và 796 nhà chung cư hoàn thành, đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006.

Trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng trước ngày 1/7/2006, có 93/132 chung cư đã thành lập Ban quản trị. Còn 39 nhà chung cư chưa thành lập Ban quản trị do chung cư xây dựng trước thời điểm Luật nhà ở 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập.

Đối với 796 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1-7-2006, đã có 567/796 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị; 414/567 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị. Nhìn chung, hoạt động quản lý nhà nước đối với quản lý, vận hành nhà chung cư bảo đảm đúng quy định hiện hành.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, trong thời gian tới, UBND Thành phố sẽ tập trung, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. UBND Thành phố sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai ngay đối với các Nghị quyết được HĐND Thành phố thông qua tại kỳ họp này. Nhất là những Nghị quyết có tính chất quan trọng, xuyên suốt, tác động lâu dài, trực tiếp đến người dân như về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Kế hoạch tăng thêm 49,67 triệu mét vuông nhà ở so với năm 2016

Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố đã hoàn thành 346 dự án nhà ở thương mại, 25 dự án nhà ở xã hội, 19 dự án nhà ở tái định cư, 4 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Ngoài ra, TP đang triển khai 52 dự án nhà ở xã hội, 21 dự án nhà ở tái định cư, 14 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...

Theo đó, tổng diện tích nhà ở tăng thêm khoảng 49,67 triệu mét vuông so với năm 2016, đưa tổng diện tích sàn nhà ở trên địa bàn thành phố hiện đạt khoảng 224,73 triệu mét vuông. Diện tích nhà ở bình quân đạt khoảng 27,25m2/người, vượt mục tiêu chiến lược, chương trình phát triển nhà ở đã được phê duyệt là khoảng 26,3m2/người.

Thành phố cũng hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà đơn sơ; tỷ lệ nhà ở kiên cố và bán kiên cố toàn thành phố đạt 99,1% (mục tiêu Hà Nội đề ra là 91,2%), vượt xa mục tiêu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 70%.

Trước đó, vào tháng 3/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020.

Theo Quyết định số 2127/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đồng bộ các cơ chế, chính sách về quy hoạch, đất đai, tài chính và khoa học công nghệ; xây dựng kế hoạch để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường.

Chiến lược cũng hướng đến hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn về chỗ ở cho đồng bào đang sinh sống tại khu vực thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt, đáp ứng khả năng ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Đặc biệt, chiến lược đề cập đến việc tăng tỷ trọng nhà ở chung cư, đẩy mạnh phát triển nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị (nhà ở cho thuê giá rẻ do Nhà nước đầu tư và nhà ở cho thuê thương mại do các thành phần kinh tế đầu tư có sự hỗ trợ của Nhà nước); phấn đấu xây dựng mới nhà ở mỗi năm khoảng 100 triệu m2 sàn, trong đó tối thiểu khoảng 20% diện tích sàn trong các dự án phát triển nhà ở tại khu vực đô thị dành cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp…

Về mục tiêu cụ thể, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đến năm 2015 đạt khoảng 22m2 sàn/người, trong đó tại đô thị đạt 26m2/sàn và tại nông thôn đạt 19m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 6m2 sàn/người.

Trong giai đoạn 2011-2015, tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và hỗ trợ các hộ nghèo khu vực nông thôn; phấn đấu xây dựng tối thiểu khoảng 10 triệu m2 nhà ở xã hội (nhà chung cư) để giải quyết chỗ ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; hoàn thành việc hỗ trợ cho khoảng 400.000 hộ gia đình tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở.

Giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 62%, trong đó tại đô thị đạt 65%, tại nông thôn đạt 60%; tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) đạt trên 80%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 50%; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 20% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên;…

Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (từ 2016-2020), chiến lược đặt ra mục tiêu phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn quốc đạt khoảng 70%, trong đó tại đô thị đạt trên 75%, tại nông thôn đạt 65%; xóa hết nhà ở đơn sơ trên phạm vi toàn quốc;

Đến nay, chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2011-2020 đã kết thúc.

Đọc thêm