Cải tạo, xây lại chung cư cũ: Lựa chọn nhà đầu tư thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ 1/9/2021, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư đối với trường hợp các chủ sở hữu thỏa thuận với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ được thực hiện theo quy định mới khi Nghị định 69/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư có hiệu lực thi hành.
Nhiều chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội cần được xây dựng lại.
Nhiều chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội cần được xây dựng lại.

Thời hạn thẩm định hồ sơ các nhà đầu tư

Việc lựa chọn chủ đầu tư (CĐT) dự án quy định tại điều này được áp dụng đối với trường hợp cải tạo xây dựng lại nhà chung cư (CTXDNCC) quy định tại Điều 110 của Luật Nhà ở, trừ trường hợp nhà chung cư thuộc diện Nhà nước thực hiện CTXDNCC nguồn vốn quy định.

Theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP, căn cứ vào kế hoạch CTXDNCC, quy hoạch khu vực nhà chung cư (NCC) phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại đã được phê duyệt, quy mô diện tích đất, quy mô dân số tại khu vực dự án và các yêu cầu về bồi thường, thời gian, tiến độ thực hiện dự án, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng và ban hành các tiêu chí để lựa chọn CĐT; đồng thời phải công bố công khai các tiêu chí này và thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm CĐT của từng dự án CTXDNCC trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện nơi có dự án để các chủ sở hữu NCC biết và thực hiện lựa chọn CĐT.

Trên cơ sở tiêu chí, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm CĐT đã được công bố và quy hoạch chi tiết khu vực có NCC phải thực hiện cải tạo, xây dựng lại, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản có nhu cầu gửi đơn đăng ký làm CĐT dự án kèm theo hồ sơ năng lực đáp ứng các tiêu chí do UBND cấp tỉnh ban hành và phương án bồi thường được lập theo quy định đến cơ quan được UBND cấp tỉnh giao chủ trì tiếp nhận hồ sơ (UBND cấp huyện nơi có NCC cần cải tạo, xây dựng lại hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh).

Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày hết hạn tiếp nhận hồ sơ theo quy định, cơ quan được giao chủ trì tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương để kiểm tra hồ sơ năng lực theo tiêu chí đã công bố và nội dung phương án bồi thường gửi kèm của các DN kinh doanh bất động sản đã đăng ký; trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu thì cơ quan được giao chủ trì lập danh sách các DN này để tổ chức lựa chọn CĐT dự án.

Lấy ý kiến chủ sở hữu khi lựa chọn chủ đầu tư

Cũng theo Nghị định 69/2021/NĐ-CP, trong thời hạn tối đa 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn quy định, cơ quan được giao chủ trì kiểm tra hồ sơ (trường hợp là UBND cấp huyện thì phải phối hợp với cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, nếu là cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh thì phải phối hợp với UBND cấp huyện nơi có dự án) tổ chức lấy ý kiến của các chủ sở hữu NCC về việc lựa chọn CĐT dự án. Các chủ sở hữu NCC căn cứ vào các tiêu chí lựa chọn CĐT đã được công bố, danh sách các CĐT đáp ứng tiêu chí kèm theo hồ sơ năng lực và phương án bồi thường do DN đề xuất để quyết định lựa chọn CĐT dự án.

Việc lấy ý kiến của các chủ sở hữu khi lựa chọn CĐT dự án CTXDNCC được thực hiện theo nguyên tắc mỗi một căn hộ trong NCC tương ứng với một phiếu biểu quyết và có ít nhất 70% tổng số chủ sở hữu căn hộ chung cư của NCC, khu chung cư đó tham gia; DN được lựa chọn phải được tối thiểu 75% tổng số các chủ sở hữu NCC, khu chung cư tham gia đồng ý; trường hợp có nhiều DN tham gia đăng ký làm CĐT thì lựa chọn DN nhận được tỷ lệ đồng ý cao nhất của các chủ sở hữu nhưng tối thiểu phải đạt trên 51% tổng số chủ sở hữu NCC, khu chung cư đó đồng ý; việc tổ chức lựa chọn CĐT dự án phải được lập thành biên bản có chữ ký của đại diện UBND cấp huyện nơi có dự án, đại diện cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh, đại diện các chủ sở hữu NCC và DN được lựa chọn.

Trong quá trình lựa chọn CĐT, các chủ sở hữu NCC và DN kinh doanh bất động sản tham gia lựa chọn có thể thống nhất điều chỉnh nội dung phương án bồi thường do DN kinh doanh bất động sản lập nhưng phải tuân thủ nội dung quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định về nội dung bồi thường tại Nghị định này.

Trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày có biên bản lựa chọn CĐT dự án quy định, cơ quan được giao chủ trì tiếp nhận hồ sơ phải có văn bản báo cáo kèm theo biên bản lựa chọn CĐT và phương án bồi thường của nhà đầu tư được lựa chọn gửi UBND cấp tỉnh để xem xét, phê duyệt; trong quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND cấp tỉnh phải có nội dung xác định rõ tên DN đã được lựa chọn.

Cũng theo Nghị định mới, sau khi phương án bồi thường được phê duyệt, UBND cấp tỉnh phải công bố công khai nội dung phương án bồi thường và tên DN được lựa chọn trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, đồng thời gửi cho UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có NCC để thông báo cho các chủ sở hữu NCC biết.

Sau khi phương án bồi thường được phê duyệt, DN kinh doanh bất động sản được lựa chọn làm CĐT có trách nhiệm làm thủ tục đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật nhà ở và quy định tại Nghị định này. Trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời chấp thuận DN đã được lựa chọn làm chủ đầu tư dự án cải tạo, xây dựng lại NCC.

Đọc thêm