Toàn cảnh cuộc sống nơi di dời vườn tược xây cầu Nhật Tân

(PLO) - Cây cầu Nhật Tân sừng sững, đang trong những ngày gấp rút hoàn thành. Người dân hai bên cầu dù chộn rộn, đợi chờ ngày thông xe nhưng trong cuộc sống của họ, những ký ức về cuộc vật lộn với cơm áo gạo tiền ngay sau khi phải di dời để trả mặt bằng xây cầu dường như vẫn nguyên vẹn…
Những biển báo bán nhà ở khu tái định cư CT13,14
Những biển báo bán nhà ở khu tái định cư CT13,14
Phú Thượng trù phú ngày xưa với hàng ngàn héc ta đào, quất vào mùa mỗi dịp Tết đến đã trở thành quá khứ. Bây giờ, hiện diện ở nơi trước kia là vườn tược ấy, một cây cầu dây văng nhiều nhịp, hiện đại. Cây cầu là nhịp sống sôi động, là sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Nhưng đâu đó, vẫn có sự tiếc nuối trong lòng những người dân Phú Thượng. 
Tiền vào, vận hạn đến…
Theo ông Mai Đức Khánh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Phú Thượng, Phú Thượng có đặc điểm nổi bật là từ xã chuyển thành phường, sống thuần về nông nghiệp, nên khi phải di dời để trả mặt bằng, quá khó để những người dân quen làm nông nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề, thích ứng với sự phát triển của xã hội. Nhiều gia đình chỉ có một sào đất ruộng, họ trồng một sào đào cũng đủ để sinh sống. Bây giờ mất đất, họ sẽ phải tiếp tục sống ra sao? Hoặc có nhiều gia đình làm nghề xôi chè, cả đời bán quanh quẩn vỉa hè, lòng đường, giờ di chuyển cả cụm dân cư, cả tổ dân phố đi rồi, họ biết bán cho ai? 
Mất đất, mất nghề, những người dân quanh năm chỉ trông chờ vào nông nghiệp bỗng chốc… thất nghiệp, cả ngày chỉ biết quanh quẩn ra vào ngôi nhà tái định cư sau khi bàn giao mặt bằng cho cây cầu. Bình thường, làm cả năm được vài chục triệu cất đi, coi như có tiền tiết kiệm. Khi cây cầu ngang qua, dân tình tự nhiên… giàu sụ vì được cầm trong tay cả trăm triệu, cả tỉ bạc. 
Ông Nguyễn Văn T, một người gốc Phú Thượng cho biết: “Ở Phú Thượng có vài gia đình được đền bù nhiều lắm, lên đến cả vài tỉ đồng. Con cái tự nhiên có tiền, tiêu không suy nghĩ, thế rồi thành thảm cảnh”. 
Ông T kể, bà H, người cụm 8, mỗi lần gặp là mỗi lần than thở thằng con trai “phá gia chi tử”, từ ngày có tiền đền bù đất là chỉ biết ăn tiêu. Có lần, nó xin tiền bà mua đôi giày, bà đưa cho nó tờ 500.000 đồng, nó bật lửa lên dọa đốt vì bấy nhiêu không đủ để nó đi mua giày. Rồi không biết nó bàn với mẹ những gì mà cuối cùng bà mất tới cả 7 triệu đồng để cho con… đi mua giày. 
“Người ta nói, tiền vào, vận hạn đến quả cũng không sai. Đổi đời đâu không thấy, chỉ thấy dân lao đao. Cá biệt có trường hợp một gia đình làm thủ tục ly hôn giả để được cấp 2 căn nhà chung cư… tưởng là giàu hơn, nhưng cuối cùng gia đình lại lục đục, tan nát và tờ giấy ly hôn kia trở thành sự thật. Dân mình sống khổ cả đời không sao, cứ có tiền là y rằng có chuyện. Nhà nào bản lĩnh thì giữ được số tiền đền bù để có nguồn đầu tư, làm ăn; nhà nào chưa kịp làm quen với việc có nhiều tiền thì sẽ mất hết tiền sớm. Tiền nhiều như miếng thịt chín ấy, cứ tiện tay xé ra là ăn thôi, ăn bao nhiêu cũng không đủ” - ông T lắc đầu, thở dài.
Những hoàn cảnh, những cuộc đời, những con người như ông T chia sẻ cũng vẫn sẽ hiện diện đâu đó trong xã hội này, dù đã có bao nhiêu câu chuyện “mất đời” sau đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn hiện diện qua từng trang báo. Xót xa cho dân mình một thì thấy thương và đồng cảm cho người dân mười, bởi chính họ là nạn nhân của đồng tiền, không biết làm chủ đồng tiền mới nên cơ sự... 
Khốn khó trăm bề…
Ông Phan Danh Quý (tổ trưởng tổ dân phố CT 14A2, khu chung cư một số dân Phú Thượng được chuyển đến sau khi bàn giao mặt bằng) cho biết: Không biết dân ở đâu đổi đời sau giải phóng mặt bằng chứ bà con Phú Thượng thì gặp quá nhiều khó khăn, vất vả sau khi phải nhường đất xây cầu. Chuyện mất đất trồng đào là chuyện đương nhiên và bây giờ thất nghiệp là điều tất yếu rồi. Nhưng ngay cả chuyện học hành của bọn trẻ con cũng vất vả. 
Bình thường khi còn ở địa chỉ cũ, đi chưa đến cây số đã đến trường học, giờ chuyển ra chung cư, ngày nào cũng phải đi đường vòng, khoảng 5 cây số để đưa con, em mình đi học ở Trường Mẫu giáo và Trường Tiểu học Phú Thượng. Một đứa trẻ mới 5- 6 tuổi phải đi cả 5km để đến trường, nghe cứ như đang ở một vùng miền núi nào đó chứ không phải ở ngay giữa Thủ đô. Gần chung cư này cũng có trường của khu Xuân La, chỉ đi khoảng… 3km thôi, nhưng có phải ai cũng có tiền cho trẻ vào học trái tuyến. 
Chưa hết chuyện học hành cho con cháu Phú Thượng, ông Quý lại trăn trở chuyện tìm nghề cho bà con. Ông chia sẻ: “Ở khu chung cư này, có đến 60-70% là dân Phú Thượng di rời đến, thất nghiệp nhiều vô kể vì đa phần họ chỉ trồng đào và làm nông nghiệp. Chúng tôi muốn nhận những công việc dịch vụ quanh khu chung cư như bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh… cho bà con Phú Thượng làm, để tạo cho họ có công ăn việc làm ổn định nhưng không được. Bây giờ, nói thật, họ chỉ trông chờ vào số tiền đã được đền bù, tiêu hết số ấy rồi, cuộc sống của họ sẽ ra sao? Đấy là còn chưa kể lên sống ở khu chung cư lại phải thêm bao nhiêu chi phí cố định, bên cạnh các chi phí hàng ngày phát sinh do lên đây “cái gì cũng dịch vụ”. 
Ông Phạm Đức Tịnh (phòng 907, CT 14A2) kể khổ: “Nhà tôi giờ không biết làm thế nào với 2 thằng con trai đã ngoài 20 tuổi. Trước đây thì quanh năm bán mặt cho đào với bố và chú. Từ ngày mất đất, chúng chỉ ở nhà, chưa biết làm gì. Tôi đã hướng cho chúng nó nhiều việc nhưng vì cả hơn 20 năm qua chỉ quanh quẩn bên nhà, bên ruộng, kỹ năng yếu, giao tiếp cũng không tự tin nên chúng tự ti lắm. Tôi phải đi xin làm thêm bảo vệ, có thời kỳ khó khăn quá, xin làm 24/24h bởi cả nhà 4 miệng ăn chỉ trông chờ vào tôi thôi. Tôi cũng muốn bán nhà để mua một ngôi nhà nhỏ dưới đất, để bớt các chi phí hàng ngày cũng như có điều kiện tìm kiếm công việc phù hợp cho các con, nhưng bán 1 chung cư, sao mua được 2 nhà để dành cho 2 thằng con trai. Lại phải chịu khó. 
Nhà tôi còn đỡ chứ ở đây, nhiều gia đình 3-4 thế hệ sinh sống dưới đất, diện tích của họ chỉ khoảng 30-40m2 thôi nhưng xây 4-5 tầng thì vẫn đủ để sinh sống. Nhưng từ ngày phải di dời, chỉ được cấp 1 căn nhà chung cư, gia đình họ phải li tán, vài người ra ngoài thuê nhà ở vì quá chật và cũng vì không hợp với chung cư. Ngay trên tầng trên nhà tôi đây, có hai ông bà đã ngoài 80, bình thường vẫn sống cùng con cái, thế mà mới lên đây chưa được bao lâu thì các con xin ra ngoài ở vì chật, để hai ông bà già cả ở với nhau. Nói dại chứ nhỡ xảy ra chuyện gì thì làm sao? Lại còn chưa kể đến việc lên chung cư, tình cảm bà con xóm giềng cũng bị mất mát đi bởi mỗi nhà đều 2-3 lớp cửa, mỗi lần muốn sang thăm là phải gọi, phải chờ…”. 
Ông Đào Đình Tân (phòng 605) cho biết, ông đang phải giao bán nhà vì ở chung cư không làm ăn được gì. Ở dưới đất, sẵn mặt bằng, ông Tân đặt một cái ghế, cái gương làm chỗ cắt tóc cho bà con cũng có đồng ra đồng vào, bây giờ lên đây không biết làm nghề gì để sống. Hầu hết những người mà chúng tôi tiếp xúc đều chỉ nói đến câu chuyện... nghề này. 
(Còn tiếp)

Đọc thêm