Để bảo đảm ATVSLĐ, các đơn vị quan tâm việc xây dựng môi trường làm việc an toàn, bảo vệ kho vũ khí và súng đạn, kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) làm việc trong môi trường đặc thù, quản lý tốt bộ đội để hạn chế tối đa tai nạn giao thông...
Đại đội 17 (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh) là đơn vị bảo đảm công binh cho lực lượng vũ trang tỉnh. Hàng năm, đơn vị được cấp trên giao nhiều nhiệm vụ có tính chất khó, phải bảo đảm an toàn cao như: Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ); xây dựng các đường hầm và đường vành đai, các công trình chiến đấu trên địa bàn toàn tỉnh; phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy rừng; dò gỡ bom mìn, vật nổ, bảo đảm an toàn trong các cuộc diễn tập… Do đó, công tác bảo đảm ATVSLĐ - phòng, chống cháy nổ (PCCN) là yêu cầu hàng ngày, nhiệm vụ bắt buộc phải tuân thủ với mỗi CBCS.
Đại úy Lê Văn Trường, Chính trị viên Đại đội 17 cho biết, đơn vị luôn quan tâm công tác bảo quản vũ khí, quản lý trang thiết bị, trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm an toàn giao thông và các vấn đề an toàn khác trong thực hiện nhiệm vụ SSCĐ, huấn luyện, cơ động, xây dựng các công trình chiến đấu, rà phá bom mìn, vật nổ và xử trí các tình huống trong phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, cháy rừng…
Mặc dù còn khó khăn nhưng công tác ATVSLĐ và PCCN trong toàn quân tiếp tục được triển khai thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả tích cực; các mặt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin, tuyên truyền, huấn luyện, quan trắc môi trường lao động, thanh, kiểm tra, kiểm định, thẩm định an toàn và báo cáo được duy trì nền nếp. Chất lượng môi trường lao động được cải thiện. Sức khỏe người lao động (NLĐ) được chăm sóc ngày càng tốt hơn.
Năm 2023, số đơn vị được quan trắc môi trường trong toàn quân tăng 12,5%. Trong khám, giám định bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động (TNLĐ), năm 2023, toàn quân có 64 đơn vị tổ chức khám phát hiện bệnh nghề nghiệp cho 4.924 NLĐ làm việc trong môi trường độc hại, tăng 39% số đơn vị và 300% số người khám so với 2022. Hội đồng giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng (BQP) đã tổ chức giám định, giải quyết chế độ cho 54 người mắc bệnh nghề nghiệp thuộc 6 đơn vị. BHXH BQP đã thẩm định, giải quyết đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc và đầy đủ chế độ cho NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp, TNLĐ.
|
Các đơn vị diễn tập PCCN, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn tại buổi lễ. |
Thiếu tướng Đỗ Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo ATVSLĐ và phòng, chống bệnh nghề nghiệp (PCBNN) BQP cho biết, toàn quân phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu như: Giảm 8% tần suất TNLĐ chết người trong các ngành, lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, sử dụng điện, sản xuất và sử dụng vũ khí, đạn dược; tăng 8% số cơ sở được giám sát môi trường lao động; 100% NLĐ làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp được tiếp cận thông tin về yếu tố có hại, biện pháp phòng, chống và được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp; 100% NLĐ bị TNLĐ, BNN được chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng lao động; sắp xếp công việc phù hợp sức khỏe…
Phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân 2024. Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng BQP, Trưởng Ban Chỉ đạo ATVSLĐ và PCBNN BQP yêu cầu toàn quân quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của Chính phủ, BQP về công tác ATVSLĐ. Đẩy mạnh đầu tư công nghệ, cải thiện điều kiện lao động; tăng cường củng cố, nâng cao khả năng, trình độ công nghệ cho sản xuất, sửa chữa trang bị kỹ thuật tại các cơ sở; nghiên cứu các loại trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân phù hợp, hiệu quả với từng loại công việc.
Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách với NLĐ, đặc biệt ưu tiên những ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Rà soát, đề nghị bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực quốc phòng.