“Toát mồ hôi” vì chưa rõ thẩm quyền chứng thực văn bản song ngữ

Những tưởng sau một thời gian lúng túng, việc chứng thực các văn bản song ngữ sẽ đi vào nề nếp, người dân sẽ đỡ khổ vì không phải chạy vạy nhiều nơi; song thực tế đến nay, tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt vì khi người dân đến xã thì xã chỉ lên huyện, lên huyện lại được chỉ về xã.

Những tưởng sau một thời gian lúng túng, việc chứng thực các văn bản song ngữ sẽ đi vào nề nếp, người dân sẽ đỡ khổ vì không phải chạy vạy nhiều nơi; song thực tế đến nay, tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt vì khi người dân đến xã thì xã chỉ lên huyện, lên huyện lại được chỉ về xã.

Vẫn “rối” vì… song ngữ

Theo Nghị định 79/2007/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì Phòng Tư pháp cấp huyện có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; Còn Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền  chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Như vậy, theo Nghị định 79/CP vấn đề chứng thực văn bản song ngữ bị “bỏ ngỏ” (không có quy định cụ thể), nên đã dẫn đến tình trạng khi có yêu cầu về việc này, người dân rất vất vả vì không rõ phải tới huyện hay xã để chứng thực.

Hướng dẫn Nghị định 79, Thông tư 03/2008/TT-BTP ngày 25/8/2008 của Bộ Tư pháp quy định: Đối với các giấy tờ, văn bản có tính chất song ngữ (ví dụ: Hộ chiếu của công dân Việt Nam, chứng chỉ tốt nghiệp của các trường đại học Việt Nam liên kết với trường đại học của nước ngoài... trong đó có ghi đầy đủ bằng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) thì người yêu cầu chứng thực được lựa chọn chứng thực tại Phòng Tư pháp cấp huyện hoặc UBND cấp xã.

Khi thực hiện Thông tư 03, nhiều địa phương cho biết việc xác định thẩm quyền đã đỡ “rối” hơn vì một số trường hợp cụ thể, đã được Thông tư chỉ rõ. Tuy nhiên, kể từ ngày 3/5/2012, khi Nghị định 04/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Nghị định số 79/CP có hiệu lực thì vấn đề này lại một lần nữa gây tranh cãi.

Mặc dù Nghị định này đã bổ sung thẩm quyền cho Phòng Tư pháp, tuy nhiên Nghị định lại không có hướng dẫn về văn bản song ngữ, không phân biệt văn bản song ngữ và “có tính chất song ngữ” nên việc áp dụng thực tế lại gặp nhiều khó khăn.

Phường, xã làm là tốt nhất?

Bà Nguyễn Thị Đức Hạnh, Trưởng phòng Tư pháp quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, kể từ khi Nghị định 04/CP có hiệu lực, trên địa bàn Cầu Giấy việc áp dụng quy định về chứng thực văn bản song ngữ được thực hiện không thống nhất. Nhiều phường nhận được yêu cầu đã từ chối chứng thực vì cho rằng không thuộc thẩm quyền. Trong khi đó, nếu tất cả các việc này “đổ” về Phòng Tư pháp thì Phòng sẽ không làm xuể vì biên chế có hạn. Quan trọng hơn, theo bà Hạnh, từ chối chứng thực là làm khó cho người dân.

Xác nhận tình trạng một số phường xã trên địa bàn Hà Nội đang “từ chối” chứng thực văn bản song ngữ là có thật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Xuân Phương cho biết: “Trước đây, thực hiện Thông tư 03 vấn đề này không có vướng mắc nhưng bắt đầu từ khi triển khai Nghị định 04 thì sự việc trở nên rắc rối do quy định thiếu rõ ràng. Nhiều xã phường hiểu việc chứng thực văn bản song ngữ chỉ có Phòng Tư pháp mới được làm nên đã từ chối dân”.

Cũng theo ông Phương, Sở Tư pháp Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên quan điểm của Sở là vẫn mong muốn UBND cấp xã, phường thực hiện chứng thực văn bản song ngữ để người dân đỡ khổ.

Vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phòng Tư pháp Lai Vung, Đồng Tháp cũng cho biết, thực tế tại địa phương vẫn có nhiều ý kiến khác nhau nên việc áp dụng cũng mỗi nơi một kiểu. Theo ông Xuân, có nơi khi công dân đến chứng thực văn bản song ngữ hay mang tính chất song ngữ thì UBND cấp xã hay Phòng Tư pháp huyện đều có thẩm quyền chứng thực. Có nơi áp dụng Nghị định 04 chỉ có Phòng Tư pháp huyện mới có thẩm quyền chứng thực các giấy tờ nêu trên.

Thiết nghĩ để tháo gỡ vấn đề này, các bộ ngành liên quan cần sớm có hướng dẫn để có sự áp dụng thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi có yêu cầu.

Đối với các giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng Việt hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam cấp bằng tiếng Việt, có xen một số từ bằng tiếng nước ngoài (ví dụ: Giấy chứng nhận kết hôn của người Việt Nam và người nước ngoài, trong đó có ghi tên, địa chỉ của người nước ngoài bằng tiếng nước ngoài...) thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực là UBND cấp xã.

 Đối với các giấy tờ, văn bản chỉ bằng tiếng nước ngoài hoặc chủ yếu bằng tiếng nước ngoài có xen một số từ bằng tiếng Việt (ví dụ: Văn bằng, chứng chỉ do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp cho người Việt Nam trong đó có ghi tên người Việt Nam bằng tiếng Việt...) thì cơ quan có thẩm quyền chứng thực là Phòng Tư pháp cấp huyện. (Thông tư 03 hướng dẫn Nghị định 79/CP)

Bình An

Đọc thêm