“Tôi đồng ý” và những khát khao “không vô hình”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Trong tiến trình thảo luận và sửa đổi Luật Hôn nhân gia đình 2014, chiến dịch “ Tôi Đồng Ý” bắt đầu với sứ mệnh thay đổi nhận thức, vận động cộng đồng cùng hướng về ủng hộ hợp thức hóa hôn nhân đồng giới tại Việt Nam. Tính tới thời điểm hiện tại, “Tôi Đồng Ý” đã nhận được hơn 44.803 chữ ký ủng hộ…
Hoàng và Minh tại sự kiện 10 năm Tôi đồng ý. Ảnh BTC
Hoàng và Minh tại sự kiện 10 năm Tôi đồng ý. Ảnh BTC

Mối tình 15 năm ngoài đời và trong phim

Tại sự kiện kỷ niệm 10 năm chiến dịch “Tôi Đồng Ý” vừa qua tại Hà Nội, trong buổi lễ này, phim ngắn “Hôn nhân vô hình” cũng được giới thiệu với những thông điệp ý nghĩa và đem câu chuyện về hôn nhân cùng giới gần hơn đến với cộng đồng.

Minh Hoàng 32 tuổi bày tỏ, cảnh tượng ngày hôm nay làm chúng mình bồi hồi nhớ về 15 năm trước, ngày hai đứa nhận ra tình yêu dành cho nhau.

Hai người quen nhau trên một diễn đàn học tiếng Trung. Năm 2008, Minh đi du học ở Nam Ninh (Trung Quốc), Hoàng cũng sang Quảng Châu học và làm. Nơi đất khách, họ mở lòng với nhau nhiều hơn nhưng không ai dám nói ra, vì biết tình cảm này là cấm kỵ.

Trong rạp chiếu phim ở Nam Ninh mùa đông năm đó, họ cùng nhau xem bộ phim Bá Vương biệt cơ. Khoảnh khắc Trình Điệp Y thổ lộ “không chỉ yêu Bá Vương trên sân khấu mà yêu cả ngoài đời”. Hai người khi đó bất giác quay sang nhìn nhau và bắt được tín hiệu của nhau.

Đức Minh chia sẻ, là con trưởng trong một gia đình gốc Hà thành, nề nếp, gia phong khiến lý trí anh luôn xác định sẽ lấy vợ. Khi về nước đầu năm 2011 và công tác trong một cơ quan nhà nước, anh càng sợ bí mật của mình vỡ lở.

Vì chuyện này Hoàng đau khổ. Vào một ngày tuyệt vọng, anh uống cả lọ 60 viên thuốc ngủ. May mắn anh trai kịp thời phát hiện đưa đi cấp cứu. “Giây phút tỉnh lại ở bệnh viện, tôi nhận ra mình có thể hy sinh cả thanh xuân, gia đình và mạng sống vì anh ấy thì tại sao không thể đấu tranh đến cùng”, Hoàng bày tỏ.

Trở về từ cõi chết, chàng trai không bi lụy người yêu như trước. “Anh muốn đi lấy vợ, em ủng hộ. Nhưng cũng hãy cho phép em cơ hội được tìm hiểu người khác”, Hoàng nói.

Sau lần Hoàng tự tử, Minh rất hối hận và nhận ra điều gì quan trọng nhất với mình. Lúc nhìn thấy người mình yêu đi chơi với người khác, anh cảm giác mất mát nên quyết định nói tất cả những áp lực và cảm xúc kìm nén bấy lâu.

Sau lần đó cả hai hiểu nhau hơn và dọn về sống chung. Cuối năm 2012, họ tổ chức một buổi tiệc nhỏ và trao nhau chiếc nhẫn trước sự chứng kiến của bạn bè thân thiết.

Trong kế hoạch 5 năm đầu tiên, Minh Hoàng vạch ra sẽ xây dựng hình tượng thành đạt để được gia đình và mọi người tin tưởng. Anh buôn quần áo, sau đó mở thêm xưởng sản xuất. Từ một cửa hàng anh mở được 6 cửa hàng trong nội đô trước COVID-19. Đức Minh làm nhà nước thêm một thời gian thì nghỉ, ra làm du lịch. Cặp đôi hoàn thành mục tiêu có sự nghiệp, xây nhà, mua xe trước cột mốc 5 năm.

Chương tiếp theo, Hoàng quyết định sẽ có con. Lần đầu tiên người bạn đời bàn việc này, Minh sửng sốt đến độ tưởng nghe nhầm. Trong vấn đề này quan điểm hai người khác nhau hoàn toàn. Minh đặt ra cho Hoàng hàng chục câu hỏi. Họ đấu tranh suốt bốn tháng, nhiều lúc giận nhau. Sau khi thống nhất được, họ lên kế hoạch có con bằng phương pháp mang thai hộ. Đồng thời công khai mình là người đồng tính với gia đình thông qua một video 15 phút trên YouTube tựa đề: “Con trai yêu con trai có gì sai?”.

Bố Hoàng, ông Nguyễn Văn Nghi (65 tuổi) chia sẻ, khi xem video ấy vô cùng thương con trai. Còn mẹ anh, bà Đỗ Thị Thắm (58 tuổi) vẫn thấy khó chấp nhận. Ông Nghi khi đó nói với vợ: “Giả dụ nó là thằng nghiện ngập, cướp giật bà có bỏ không? Con mình vừa ngoan, vừa giỏi sao lại bỏ nó?”. Và rồi, bà Thắm lên Hà Nội hỗ trợ Hoàng chăm từ đứa con thứ nhất tới đứa thứ hai.

Ngược lại, với gia đình Minh, quá trình chấp nhận con khó khăn hơn rất nhiều. Vài năm gần đây khi có cháu, bố mở lòng hơn. Mỗi lần về nhà ông không niềm nở, nhưng vẫn dặn: “Dù có đi đâu, làm gì, ngày lễ Tết, giỗ chạp cần về với gia đình”.

Bước sang 5 năm lần thứ ba, đôi uyên ương đặt mục tiêu có thêm con và báo hiếu bố mẹ. Không chỉ báo hiếu vật chất, đôi trẻ quan tâm bố mẹ cả tinh thần và sức khỏe. Họ mua cho bố mẹ hai bên bảo hiểm chăm sóc sức khỏe tốt nhất, mỗi năm đưa các cụ đi nước ngoài một lần. Việc nhà Hoàng, Minh luôn chu đáo. Ngược lại việc nhà Minh, Hoàng cáng đáng không nề hà. “Có thể chúng tôi không cho bố mẹ hai bên được những người con dâu tốt, nhưng có thể cho họ thêm một đứa con hiếu thuận”, Hoàng nói.

Nhìn các con sống bên nhau hạnh phúc, tu chí làm ăn và nuôi dạy con tốt, vợ chồng ông Nghi giờ thấy tự hào. Hè năm 2022, người cha bày tỏ không có niềm tin vào sức khỏe của mình. “Bố đã lo được đám cưới cho hai con của bố. Giờ còn một đứa, bố mong sớm được lo liệu”, ông nói.

Lời của bố khiến Hoàng và Minh không kìm nổi những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi một đám cưới là mong mỏi của họ bấy lâu. Hôn lễ của hai người diễn ra đầu tháng 10/2022 trong sự chung vui của đầy đủ anh em họ hàng và xóm giềng. Tên của Minh được ghi vào gia phả nhà Hoàng.

Trong ngày vui, ông Nghi ôm hai con thì thầm: “Các con hãy cứ sống hạnh phúc đi. Quãng đường còn lại bố sẽ gánh cho con”…

Mong mỏi một ngày tờ giấy A4 được công nhận về pháp lý

Mọi người trao đổi, trờ chuyện ại sự kiên 10 năm, hành trình rực rỡ. Ảnh BTC

Mọi người trao đổi, trờ chuyện ại sự kiên 10 năm, hành trình rực rỡ. Ảnh BTC

Từ năm 2014, Việt Nam không còn cấm hôn nhân đồng giới mà chỉ “không thừa nhận”. Từ đó tới nay những đám cưới cùng giới không còn xa lạ. Tuy nhiên các cặp đôi vẫn gặp rất nhiều trở ngại trong sở hữu tài sản hay đại diện hợp pháp cho người bạn đời. Đặc biệt, hơn 63% các đôi LGBT được khảo sát trong một nghiên cứu của Viện iSEE năm 2022 mong muốn có con.

Trong ký ức của những người đồng hành cùng “Tôi Đồng Ý”, hành trình một thập kỷ hướng tới hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới cũng xuất phát từ những vui buồn cá nhân. Đó là những con người bình thường với những mưu cầu hạnh phúc bình đẳng như những cá nhân khác trong xã hội. “Tôi Đồng Ý” đã góp phần thay đổi nhận thức của xã hội, người dị tính và người trong chính cộng đồng, để việc người LGBT được công nhận không chỉ ở trong luật pháp mà còn trong cuộc sống.

“Tôi Đồng Ý” hướng tới “thay đổi trái tim, khối óc của từng người Việt Nam để huy động sự ủng hộ một cách đa dạng nhất có thể đối với quyền của người thuộc cộng đồng LGBT” - ông Vương Khả Phong, Phó Giám đốc Chương trình tại Viện iSEE, một trong những cá nhân đã đồng hành cùng “Tôi Đồng Ý” từ những ngày đầu bày tỏ.

Tại sự kiện, một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất là nghi thức trao giấy chứng nhận chung đôi của các cặp đôi cùng giới đến tham dự chương trình. Chỉ là một tấm giấy A4 có tính tượng trưng, nhưng giây phút đó cả sân khấu và khán giả tưởng chừng như vỡ òa bởi niềm hy vọng rằng một ngày nó sẽ trở thành tờ giấy được công nhận về mặt pháp lý để đảm bảo quyền lợi cho các cặp đôi trong cộng đồng LGBTI.

Trong phiên chiếu và thảo luận về phim ngắn “Hôn nhân vô hình”, anh Đức Minh và Minh Hoàng bày tỏ, “Tôi Đồng Ý” là một hành trình ghi dấu sự thay đổi: Từ việc thấy tội lỗi với chính bản thân mình, cha mẹ và cả xã hội, nghĩ mình trái với mọi thứ và “không có cơ hội ngóc đầu lên đâu”. Cho đến phát hiện mình không cô đơn, lạc lõng, bình đẳng với những cá nhân khác và có quyền mưu cầu hạnh phúc cho bản thân.

“Mình nhận ra ông trời cho mình hạnh phúc này không phải không có lý do. Khi nhận được món quà ông trời cho mình thì cũng phải trả lại cho xã hội, cho cộng đồng. Chính vì vậy chúng mình lựa chọn kể lại câu chuyện của mình ra, khi đó may mắn sẽ có một hai người, không ít thì nhiều có những người như những cá nhân đang ngồi bên dưới đây đồng hành và chia sẻ cùng mình”…

Tuy nhiên, “... cái buồn nhất là không được thể hiện tình cảm người cha của mình. Ngày khai giảng của con mình đã phải lùi lại về phía sau, không dám dắt tay con vào lễ khai giảng. Mình sợ con bị kì thị do ký ức ngày xưa mình bị bắt nạt, sợ mình làm ảnh hưởng tới tương lai của con.”…

“Có những ngày anh Minh đi công tác, con mình đau ốm phải đưa đến bệnh viện khám. Mình vẫn nhớ bác sĩ liên tục hỏi mình những câu như “Thế bố mẹ của cháu đâu?”, “Anh là chú của cháu à? Sao lại mang họ khác với cháu? Sao làm chú mà biết nhiều về cháu mình thế?”- anh Hoàng chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình nuôi dạy con trai của hai anh.

Khi lên tiếng về câu chuyện của mình, hai anh “không đòi hỏi những quyền cao sang mà chỉ muốn được làm cha, làm bố”. Được cất hai tiếng gọi “Con ơi” một cách thân thương và không giấu giếm…

Dù quyết định có con và nuôi dạy hai con cùng nhau, nhưng do không được đứng tên trên giấy khai sinh, hai anh Minh và Hoàng chia nhau để mỗi người đứng tên trên giấy tờ nhận nuôi một người con. Luật sư Đinh Hồng Hạnh chia sẻ trải nghiệm “chia con” này - thông thường được nhắc tới khi các cặp đôi tiến hành thủ tục để ly dị, chứ không phải khi mới bắt đầu cuộc sống gia đình.

Tham gia sự kiện kỷ niệm 10 năm bắt đầu chiến dịch Tôi Đồng Ý, hai anh cũng đã đưa con trai cả tới tham dự, với mong muốn thông qua sự kiện, con trai sẽ hiểu về bố, về gia đình của mình hơn. “Mong con hãy tự hào nói rằng gia đình mình tuy khác biệt nhưng đặc biệt với chính mình là đủ rồi”.

Chị Đặng Thùy Dương, Quản lý Chương trình Quyền LGBTI tại Viện iSEE về các nghiên cứu mà iSEE đã thực hiện, việc có con của các cặp đôi LGBTI luôn là một tiến trình với rất nhiều thảo luận thấu đáo và cân nhắc kỹ lưỡng, do những khó khăn về cả pháp luật và bối cảnh xã hội.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều khó khăn liên quan tới thủ tục pháp lý khác như các giấy tờ hộ tịch, sở hữu nhà đất, tài sản chung. Hay trở ngại trong việc đại diện hợp pháp cho người yêu, bạn đời để họ có thể an tâm cống hiến và gia tăng giá trị cho xã hội. Quan trọng hơn cả, chiến dịch “Tôi Đồng Ý” không chỉ tập trung vào việc giải quyết các khó khăn về pháp luật đó của các cặp đôi, mà còn hướng tới việc hành động để người thân của cộng đồng LGBTI không phải đối diện với những phân biệt đối xử…

Đọc thêm