Tồn kho hàng triệu tấn vẫn phá rừng… làm xi măng

Trong khi tồn kho xi măng cả nước đang lên đến trên 3 triệu tấn, hàng loạt nhà máy thua lỗ kéo dài, tỉnh Tây Ninh thực sự khiến dư luận bàng hoàng khi định triệt hạ 360 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng để giao Công ty Xi măng Fico Tây Ninh thực hiện giai đoạn 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.

Trong khi tồn kho xi măng cả nước đang lên đến trên 3 triệu tấn, hàng loạt nhà máy thua lỗ kéo dài, tỉnh Tây Ninh thực sự khiến dư luận bàng hoàng khi định triệt hạ 360 ha rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng để giao Công ty Xi măng Fico Tây Ninh thực hiện giai đoạn 2 Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh.

Nhà máy Xi măng Tây Ninh
Nhà máy Xi măng Tây Ninh

Kế hoạch phá rừng làm xi măng của Tây Ninh nếu được thông qua sẽ hạ sát những cây cổ thụ, những tán rừng dày với thảm thực vật phong phú, không chỉ có thế, còn gián tiếp uy hiếp chính tính mệnh của hàng vạn người dân mỗi khi xẩy ra mưa lũ.

Dường như linh cảm được “điều chẳng lành” đối với môi sinh, từ tháng 10/2011, tại cuộc hội thảo do Hội Khoa học thủy lợi TP.HCM tổ chức, các chuyên gia và cả đại diện cơ quan quản lý nhà nước - ông Trần Duy Tiến - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng công trình (Bộ NN&PTNT) -  đã lên tiếng cảnh báo về việc phải ưu tiên trồng lại rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Dầu Tiếng. Thế nhưng, ý kiến của các nhà khoa học đã không được phía địa phương thực sự quan tâm.

Điều không thể hiểu nổi là trong khi đó, tồn kho xi măng đang "nóng" hơn bao giờ hết. Chưa kể con số đang đóng băng tại các đại lý, lượng tồn kho hiện tại ở các nhà máy đã lên tới 3 triệu tấn. Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, cả năm 2012, toàn ngành xi măng sẽ thừa ít nhất 5-8 triệu tấn trong khi một số nhà máy mới vẫn chưa thể vận hành đến công suất tối đa. 

Điều đáng lo ngại hơn nữa là thông tin năng lực sản xuất xi măng sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Theo quy hoạch, đến 2020 ngành xi măng Việt Nam sẽ có công suất 130 triệu tấn và trở thành một trong ba quốc gia sản xuất xi măng lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Thời điểm hiện tại, nhiều nhà máy, đầu tư theo phong trào đang sống dở chết dở dù đã nhận được rất nhiều ưu ái của của các cơ quản lý nhà nước. Điển hình như Nhà máy Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn), “tác phẩm” của Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (COMA), Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) và Công ty Xi măng Lạng Sơn, trong đó cổ đông chi phối là COMA góp 88,23%.

Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm với tổng mức đầu tư ban đầu là 1.298 tỷ đồng. Thế nhưng, vận hành chưa được bao lâu, nhà máy đã dừng hoạt động từ quý I/2012 với số lỗ gần 197 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản vốn vay mà Xi măng Đồng Bành phải trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm tới là trên 600 tỷ đồng. Thời gian vừa qua, do thua lỗ Bộ Tài chính đã phải đứng ra trả 3,5 triệu USD cho ngân hàng ANZ thay cho Xi măng Đồng Bành. Với việc ngừng sản xuất thì các khoản nợ trong thời gian tới Xi măng Đồng Bành không biết lấy đâu để trả.

Đồng Bành chỉ là một cái tên rút trong số rất nhiều cái tên xi măng cùng chung họ “bê bối”. Theo báo cáo tài chính của Vinaconex đã được Đại hội cổ đông năm 2012 thông qua, sau 3 năm hoạt động xi măng Cẩm Phả lỗ lũy kế lên đến 1.259 tỷ đồng. Nhà máy Xi măng Hạ Long của Tập đoàn Sông Đà sau 2 năm hoạt động, đang lỗ 1.215 tỷ đồng.

Đương nhiên, để “thuyết minh” cho đề án phá rừng nói trên, cả Fico và Tây Ninh cũng sẽ có nhiều lý lẽ. Rằng là Fico không phải Đồng Bành, rằng là thị trường phía Nam không dư xi măng, rằng là tỉnh có thêm nguồn thu lớn, vv và vv. Tuy nhiên, những lý lẽ đó rốt cuộc cũng chỉ nhìn từ góc độ lợi ích doanh nghiệp và cục bộ địa phương mà thôi. Đặt trong mối quan hệ chung với tổng thể thị trường, với môi trường sinh thái, sẽ chẳng có lý lẽ nào có thể biện minh cho được việc phá rừng làm xi măng.

“Nếu vì một dự án mà cắt đi hàng trăm hecta rừng đầu nguồn là việc làm nguy hiểm cho môi trường và đánh đổi quá lớn” - lời nói thống thiết của TS Đào Trọng Tứ (Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi với biến đổi khí hậu, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam) hy vọng sẽ được các vị dân biểu Tây Ninh lưu tâm.

Trường Lưu

Đọc thêm