Tổng Bí thư: Không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống tham nhũng

(PLVN) - Kết luận phiên họp thứ 20 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng sáng 5/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo lưu ý, trong thời gian tới, không thể chủ quan, lơ là bởi mong mỏi của nhân dân vẫn luôn quan tâm theo dõi sát sao công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: VOV
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Ảnh: VOV

Tổng Bí thư nhận định, 6 tháng qua trong bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh COVID-19 kéo dài, mặc dù vậy sau khi Ban chỉ đạo được kiện toàn, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục những khó khăn trở ngại, vừa phải phòng chống dịch vừa phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống tham nhũng (PCTN), kết quả đã khẳng định, công tác PCTN của chúng ta không hề chững lại hay chùng xuống:

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: "Mọi việc chúng ta tiến hành rất tốt, trong đó công tác PCTN không ngừng không nghỉ, và trước đây khi chưa có tình hình mới này cũng có tâm trạng liệu có chùng xuống không, liệu có duy trì được mãi không?".

Theo Tổng Bí thư, "rõ ràng những việc chúng ta làm được trong 6 tháng vừa qua đã chứng minh cuộc chiến này không ngừng không nghỉ, thậm chí này càng quyết liệt hơn, ngày càng có hiệu quả cao hơn và cho chúng ta thêm nhiều bài học đáng quý hơn, có nhiều kinh nghiệm tốt hơn".

Nhấn mạnh nhiệm vụ sắp tới còn rất nặng nề khó khăn, Tổng Bí thư lưu ý không thể chủ quan, lơ là bởi mong mỏi của nhân dân vẫn luôn quan tâm theo dõi sát sao công tác đấu tranh PCTN của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, thực tế cũng cho thấy, trong quá trình đấu tranh PCTN luôn nảy sinh cái mới, yếu tố bất ngờ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trách nhiệm của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN là chỉ đạo để làm những vụ án trọng điểm, những vụ án lớn, những vụ án có tác động sâu rộng tới toàn xã hội, với tinh thần là làm để răn đe, cảnh tỉnh, làm để các cơ quan, Bộ ngành địa phương làm theo, chứ Ban chỉ đạo Trung ương không làm thay các cơ quan chức năng.

“Đây gần như là một Ban Chuyên án giúp cho Ban Chỉ đạo chúng ta chứ không phải là thay thế. Khi cần Ban Chỉ đạo sẽ phân công, gần như một chuyên án. Một số vụ việc khó, mà rõ ràng vừa qua đã giải quyết được bao nhiêu việc. Các cơ quan chức năng, dù không có Ban chỉ đạo, trước đây người ta vẫn phải làm.

Trong Ban chỉ đạo hầu hết tất cả các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên TW Đảng, các cơ quan tư pháp, các cơ quan quản lý quan trọng là thành viên Ban chỉ đạo, có đủ thẩm quyền, có đủ kinh nghiệm, có đủ kiến thức để chúng ta làm những việc này. Tôi muốn nói như vậy để chúng ta thống nhất với nhau quan điểm như thế chứ không phải là làm một vài vụ việc này xong thì thôi"- Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ vui mừng, hiện nay cùng với Trung ương, các cơ quan chức năng, các Bộ ngành địa phương đã làm, triển khai rất đồng bộ công tác phòng chống tham nhũng từ các khâu thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, các ngành công an, quân đội, Tòa án phối hợp với nhau nhịp nhàng, mặc dù trong quá trình làm bao giờ cũng có ý kiến theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng tinh thần là trao đổi hết trong nội bộ thẳng thắn, sau đó thống nhất vì sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước thì phải tìm tiếng nói chung, nghĩa vụ phải đi đôi với trách nhiệm tạo sự đồng thuận cao trong chỉ đạo điều hành.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đây chính là kinh nghiệm để triển khai thực hiện nhân rộng trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo.

"Tổng hợp lại thành bài học, thành kinh nghiệm, tôi muốn nói tầm ấy chứ không đi vào từng vụ việc cụ thể, vụ án cụ thể, đó rất là mừng. Cho nên qua đây cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm rất quý báu và rõ ràng vừa qua chúng ta đã làm một cách có bài bản, có kịch bản. Lúc đầu là khó, Ủy ban kiểm tra vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm, phát hiện ra thì xử lý kỷ luật về Đảng trước, kỷ luật về Đảng, rồi kỷ luật hành chính rồi đến xử lý hình sự. Rõ đến đâu làm đến đấy, cuối cùng xử hết. Đây là kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn”- Tổng Bí thư chia sẻ

Chỉ rõ những tồn tại hạn chế trong thời gian qua như vẫn còn một số vụ án, vụ việc chưa đảm bảo đúng tiến độ, tình trạng cấp dưới ỷ lại cấp trên, hay sự phối hợp giữa các các cơ quan chức năng chưa nhuần nhuyễn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, thời gian tới phải khắc phục cho được tình trạng này, đồng thời các cấp ủy, tổ chức đảng phải tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh PCTN trên tinh thần là kiên quyết hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, không ngừng không nghỉ và liên tục.

“Sắp tới phải làm sao Ban Chỉ đạo chúng ta tất cả các ngành, các cấp phải đồng bộ thì mới được. Sức mạnh toàn dân, sức mạnh của cả hệ thống chính trị mới là quan trọng, có phải Ban chỉ đạo làm hết được đâu. Bây giờ đúng vai thuộc bài rồi, có kinh nghiệm rồi, huy động được các đoàn thể quần chúng, Mặt trận vào cuộc và nhân dân phải tham gia vào đây thì chúng ta mới thắng được, cho nên là phải tiếp tục đẩy mạnh làm tốt hơn nữa, chất lượng cao hơn nữa, khắc phục những khâu yếu, việc khó, phải chú ý khâu tự kiểm tra, tự xử lý. Muốn như thế thì phải giao và yêu cầu các cấp dưới phải làm, phát động thành phong trào PCTN trong toàn xã hội" - Tổng Bí thư nói.

Cho ý kiến về việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý, Ban Chỉ đạo thống nhất thêm chữ “Tiêu cực” thành Ban Chỉ đạo Trung ương PCTN, tiêu cực bởi trước kia có đề xuất lãng phí, tiêu cực nhưng cần hiểu lãng phí là một việc cụ thể, tiêu cực ở đây nguy hiểm hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống, chính điều này dẫn đến các hành vi tham nhũng:

"Một cán bộ Đảng viên bao nhiêu năm công tác đã từng là thế nọ thế kia, bây giờ lập ra tổ chức này, tổ chức kia, chống lại Đảng. Thế ta có làm không, thế này còn tệ hại hơn là tham nhũng. Cho nên chữ "tiêu cực", tôi hiểu theo nghĩa đó, lãng phí là một chuyện cụ thể thôi, chứ còn từ cái này dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa là hệ quả.

Nếu suy thoái về tư tưởng chính trị thì anh tự diễn biến, tự chuyển hóa và rồi mất cả cán bộ, gây hậu quả lớn vô cùng. Tôi đề nghị nếu chúng ta chống được điều này còn quan trọng hơn cả tham nhũng tiền bạc vì tiền bạc còn có thể thu lại được chứ con người mà mất phẩm chính trị, phản bội thì khó lắm.”

Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo

Tại phiên họp, Ban chỉ đạo cũng xem xét, cho ý kiến ban hành Quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực. Theo đó, Quy định gồm 05 chương, 24 điều, quy định về mục đích, nguyên tắc, chủ thế, đối tượng, nội dung, hình thức kiểm tra, giám sát; thẩm quyền, trách nhiệm của chủ thể, đối tượng, kiểm tra, giám sát; quy trình kiểm tra, giám sát; tổ chức, trách nhiệm, quyền hạn của đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo về công tác PCTN, tiêu cực.

Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc chỉ đạo xử lý đối với 10 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo do đã kết thúc việc giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Bổ sung một số vụ án, vụ việc vào diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo, bên cạnh đó cũng giao Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc việc xử lý 01 vụ việc, 02 vụ án./.

Đọc thêm