Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Diệt chuột” không để “vỡ bình”

(PLO) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh như vậy trong cuộc tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (TP.Hà Nội) sáng qua (6/10).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại buổi tiếp xúc cử tri
Phải “trị dứt bệnh lãng phí”
Hoan nghênh Đảng, Nhà nước quyết liệt chống tham nhũng hơn để lấy lại lòng tin của người dân nhưng cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình vẫn tiếp tục bày tỏ với Tổng Bí thư về những lo ngại về hiệu quả công tác chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí có lý do là cơ chế, chính sách chưa phù hợp, nhưng cũng có lý do lợi ích nhóm. 
Cử tri mong muốn thời gian tới cần chống tham nhũng quyết liệt hơn và đề nghị Quốc hội tìm rõ nguyên nhân “trị dứt bệnh lãng phí”, quy trách nhiệm cho người đứng đầu, người phê duyệt rõ ràng, không để kéo dài  tình trạng “nói đến câu chuyện chống lãng phí toàn nói chúng ta không nói đến cái tôi”. 
Chia sẻ với lo lắng của cử tri, Tổng Bí thư khẳng định, chủ trương nhất quán là chống cho được tham nhũng, lãng phí vì tham nhũng, lãng phí không chỉ mất lòng tin mà làm hại nền kinh tế. “Đảng nói không ai “bật đèn xanh” cho tham nhũng, lãng phí nhưng việc khó phải kiên trì, lâu dài bằng luật pháp, chính sách để người ta không muốn, không dám, không thể tham nhũng” – Tổng Bí thư nhấn mạnh. Tuy nhiên, kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí nhưng bình tĩnh, tỉnh táo làm lâu dài bằng nhiều biện pháp, phải tính nhiều mặt, tổng thể. “Chống tham nhũng là “diệt chuột” không để “vỡ bình”, phải bảo vệ được bình hoa”, không để các thế lực lợi dụng chống phá chế độ.
Cán bộ luân chuyển đi cơ sở không phải “lấy mác về đề bạt”
Cử tri cũng xót xa trước tình nông nghiệp, nông thôn hiện nay và đề nghị Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ người dân yên tâm với nghề nông, “không để nông dân có ruộng mà không làm hoặc muốn làm ruộng mà không có đất dẫn đến nghèo đói”. Cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình cũng mong muốn cán bộ “vi hành nhiều hơn để nghe tiếng lòng của dân”, có chế tài trách nhiệm cho người quản lý thiếu trách nhiệm.
Thừa nhận “phát triển nông nghiệp quản lý đất đai là vấn đề lớn, chủ trương phát triển nông nghiệp vẫn là chủ trương lớn để công nghiệp hóa nông thôn”, Tổng Bí thư nhắc nhở: “đi vào công nghiệp hóa không thể coi nhẹ nông nghiệp mà phải phát triển theo hướng sản xuất lớn, đưa khoa học công  nghệ vào làm tăng giá trị công nghiệp cao hơn để xuất khẩu”. Đồng thời cho rằng, cần tiếp tục thực hiện tốt phong trào xây dựng nông thôn, phát huy những hiệu quả của phong trào đã thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống nông dân.
Đề cập đến công tác bồi dưỡng bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực nói chung đặc biệt cán bộ đề cao nhất là cán bộ cấp cao, Tổng Bí thư cho đây là công việc gốc của Đảng vì “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân” nên thực hiện đào tạo lớp dự nguồn, cán bộ luân chuyển xuống cơ sở để rèn luyện ít nhất 3 năm “chứ không cốt xuống lấy mác về đề bạt” – Tổng Bí thư cho biết. Cũng theo Tổng Bí thư, “cán bộ luân chuyển xuống cơ sở là đi cải thiện, là quá trình thử thách và cũng chống cục bộ trong công tác cán bộ”. 

Đọc thêm