Chấm dứt ”chi xong mới báo cáo thu”
Mục tiêu quan trọng nhất trong Luật NSNN là tăng nguồn thu và cân đối được NSNN nên sửa đổi Luật NSNN thì “làm thế nào để tăng nguồn thu” là vấn đề được nhiều người quan tâm. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc băn khoăn, sau khi luật này ra đời, nguồn thu liệu có tăng? Bên cạnh việc Dự thảo Luật dành cho TƯ sự chủ động trong ngân sách (NS) nhưng ông Phúc nhận thấy lại “làm tăng tính “xin – cho” trong quản lý NS”.
Nhất trí với phương án Chính phủ trình, phân cấp nguồn thu theo 3 nhóm (khoản thu 100% ngân sách TƯ, khoản thu 100% ngân sách địa phương và khoản thu phân chia giữa ngân sách TƯ và ngân sách địa phương), Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ “rà soát lại từng khoản thu phân chia theo từng nhóm cho hợp lý để bảo đảm nguyên tắc ngân sách TƯ giữ vai trò chủ đạo” – ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban này cho biết.
Để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nguồn thu từ phí, lệ phí, Dự thảo Luật NSNN xác định, đối với lệ phí là khoản thu NSNN (tương tự như thu từ thuế) phải nộp toàn bộ vào NSNN. Đối với các khoản phí thu các hoạt động dịch vụ do Nhà nước đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì nộp toàn bộ vào NSNN; các cơ quan quản lý nhà nước bị thiếu kinh phí hoạt động do không được giữ lại một phần thu phí, lệ phí thì NSNN sẽ bố trí đủ trong dự toán chi của cơ quan theo chế độ, định mức; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ các khoản thu phí.
Còn phí của Nhà nước giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp nhà nước thu, thì các đơn vị này được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ số thu để bù đắp chi phí, song mức thu, đối tượng thu phải theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng nguồn thu để chi tiêu phải theo chế độ và phải hạch toán, kế toán, quyết toán, công khai theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ phân định lại danh mục các loại phí, lệ phí cho phù hợp, chuyển một số loại phí hiện nay sang giá dịch vụ (học phí, viện phí,...), và không phản ánh vào NSNN và cũng không ghi thu, ghi chi vào NSNN khi xây dựng Luật Phí, lệ phí. Vì thế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng Luật Phí, lệ phí, theo đó chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ, tránh việc phản ánh ghi thu - ghi chi vào NSNN như hiện nay.
Đưa nguồn thu từ xổ số vào ngân sách
Qua đánh giá thực hiện Luật NSNN, Chính phủ thấy cần thiết phải đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (XSKT) vào cân đối NS với mục đích đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội. Do đó, Dự thảo Luật NSNN đã qui định để quản lý chặt chẽ thống nhất, đầy đủ nguồn thu, chi NSNN từ hoạt động XSKT. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định: ”Thực hiện phương án này vừa bảo đảm nguyên tắc tập trung đầy đủ các khoản thu vào NSNN, vừa bảo đảm thực hiện được Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về mục tiêu sử dụng của các khoản thu này”.
Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí đưa khoản thu từ hoạt động XSKT vào trong cân đối NSNN và bổ sung quy định nguồn thu XSKT không sử dụng để tính tỷ lệ điều tiết giữa NS TƯ và NS địa phương, tính số bổ sung cân đối từ gân sách TƯ cho NS địa phương.
Tuy nhiên, một số ý kiến không tán thành vì lo ngại “khó phân biệt rõ ràng số tiền thu được từ hoạt động XSKT được sử dụng để đầu tư hay chi thường xuyên”. Vì thế, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị “ghi rõ trong Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), nguồn thu từ XSKT chỉ chi cho các dự án phúc lợi xã hội như y tế, giáo dục” để đảm bảo mục đích chi của nguồn thu này.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: “Trong nhiều luật hiện nay có qui định thành lập quỹ. Hiện có khoảng 70 - 80 loại quỹ. Vậy Luật NSNN sửa đổi lần này có tập trung các quỹ lại được hay không; nếu không, trong khi NS nhỏ, cứ phân tán mỗi thứ một tý như thế này rất khó, nguồn vốn không được tập trung, không hiệu quả. Trong Dự thảo chưa thể hiện được sự tập trung về nguồn NSNN mà hầu như đang “thả” ra về quỹ, chương trình dự án, mục tiêu”.