Thời gian qua, Công ty cổ phần Non Nước (Cty Non nước), địa chỉ số 2, ngõ 02B, đường Mỹ Sơn, phường Vĩnh Trại, tỉnh Lạng Sơn liên tục gửi đơn tố cáo Tổng Công ty khoáng sản Việt Nam (Tổng cty) vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và có thái độ hống hách, lợi dụng các ưu đãi, lợi thế Nhà nước để chèn ép đối tác…
Công ty lớn, làm ăn “bé”
Theo đơn trình bày, năm 2006, qua trúng đấu giá, ngày 19/10/206 Cty Non Nước đã ký Hợp đồng số 1759 mua 5000 tấn tinh quặng Magnetit của Tổng Cty. Để đảm bảo thực hiện, Cty Non Nước đã ký quỹ cho Tổng Cty 800 triệu đồng.
|
Ảnh minh họa |
Theo hợp đồng, hàng được giao cho Cty Non Nước làm nhiều đợt và mỗi đợt giao tối thiểu 5000 tấn; các bên sẽ ký phụ lục tại mỗi thời điểm giao hàng. Thời gian giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 10/2006 và kết thúc vào quý II năm 2007.
Thực hiện hợp đồng, Tổng Cty đã ký với Cty Non Nước 06 phụ lục, trong đó chỉ có 3 đợt đầu là Tổng Cty ký phụ lục với số lượng hàng giao 5000 tấn/lần theo đúng thỏa thuận; ba đợt sau, Tổng Cty chỉ ký phụ lục giao cho Cty Non Nước 3000 tấn/lần. Sau đó, mặc dù Hợp đồng 1759 đã hai lần được gia hạn nhưng đến cuối thời điểm gia hạn lần hai (30/6/2008), Tổng Cty vẫn không giao đủ hàng cho Cty Non Nước. Khi bị Cty Non Nước giục, Tổng Cty đã không giao hàng cho Cty Non Nước nữa và đề nghị thanh lý Hợp đồng 1759.
“Trong kinh doanh, việc vi phạm hợp đồng có thể xảy ra của bất kỳ chủ thể nào, không phân biệt doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, việc Tổng Cty vi phạm Hợp đồng 1759 cho thấy khả năng quản lý yếu kém, thói quen hành xử phách lối và coi thường đối tác của đơn vị này”, đơn của Cty Non Nước viết.
Liên tục đưa ra yêu sách?
Theo trình bày, Tổng Cty đã tạo ra tình trạng hỗn loạn trong việc mua bán Magnetit: Sau khi ký hợp đồng với Cty Non Nước, từ tháng 2/2007 đến 6/2007, Tổng Cty đã ký liên tiếp 5 hợp đồng bán loại quặng này cho 5 doanh nghiệp khác với khối lượng lên tới 20.000 tấn/tháng, trong khi năng lực sản xuất của nhà máy chỉ hơn 5000 tấn/tháng. Điều này dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng nghiêm trọng, khiến khách hàng phải chầu chực, tranh giành để lấy hàng và Cty Non Nước cũng bị cuốn vào vòng xoáy đó khi bị rút khối lượng giao hàng từ 5000 tấn xuống còn 3000 tấn/đợt.
Chưa hết, lợi dụng lợi thế được Nhà nước ưu đãi về khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên và tài chính, Tổng Cty tùy tiện áp đặt các điều kiện vô lý đối với khách hàng: Theo Hợp đồng 1759, Tổng Cty phải giao hàng cho Cty Non Nước mỗi đợt tối thiểu 5000 tấn cho đến khi giao đủ 50.000 tấn. Tuy nhiên, để có hàng giao cho đối tác khác, Tổng Cty đã cắt giảm lượng hàng giao cho Công ty Non Nước xuống còn 3000 tấn/lần giao và nếu không đồng ý, Tổng Cty sẽ không ký phụ lục về việc giao hàng. Vì cần hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh, Cty Non Nước đành chấp thuận việc thay đổi này.
Tổng Cty không có đủ hàng để giao đúng thời hạn, nhưng lại yêu cầu Cty Non Nước phải đưa ra công văn đề nghị gia hạn thời hạn giao hàng thì mới tiếp tục thực hiện việc giao hàng theo cam kết trong hợp đồng. Do vậy, song song với việc thúc giục Tổng Cty giao hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng, Cty Non Nước đồng thời phải “xin xỏ” để Tổng Cty cho phép gia hạn thời hạn giao hàng của Tổng Cty.
Tổng Cty giao hàng kém chất lượng. Cụ thể, tinh quặng magnetit do Tổng Cty giao có hàm lượng lưu huỳnh cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép; theo Hợp đồng 1759, tinh quặng Magnetit do Tổng Cty giao có hàm lượng Fe cao dần theo 9 mức, nhưng thực tế Cty Non Nước chỉ được giao hàng với hàm lượng Fe với mức thấp nhất, thậm chí lần giao hàng theo phụ lục 6, hàm lượng Fe trong tinh quặng Magnetit thấp hơn hàm lượng cam kết từ 3-5%.
Cũng theo đơn trình bày, mặc dù giá mua bán tinh quặng Magnetit theo Hợp đồng 1759 là giá trúng đấu giá nhưng Tổng Cty luôn yêu cầu tăng giá. Thậm chí Tổng Cty còn buộc khách hàng mua tinh quặng phải chịu hoàn toàn khoản phụ phí mà UBND tỉnh Lào Cai (địa điểm khai thác) đánh vào doanh nghiệp khai thác.
Tháng 4/2008, Tổng Cty đã gửi cho Cty Non Nước một công văn yêu cầu tăng giá tinh quặng và nêu rõ nếu Cty Non Nước không đồng ý điều chỉnh giá thì sẽ ngừng việc giao hàng và trả lại tiền cọc mua tinh quặng cho Cty Non Nước. Cty Non Nước không chấp nhận yêu cầu vô lý này nên từ tháng 4/2008 đến nay, Tổng Cty không giao hàng theo Hợp đồng đã ký, mặc cho Cty Non Nước có nhiều văn bản đề nghị.
Việc kéo dài thời hạn thực hiện Hợp đồng hoàn toàn do lỗi của Tổng Cty mà cụ thể ở đây là Tổng Cty không đáp ứng hàng để giao cho một số lượng khách hàng lớn trong khi năng lực sản xuất có hạn. Tuy nhiên, quá trình giải quyết bất đồng trong thực hiện Hợp đồng 1759, đại diện Tổng Cty luôn cho rằng Tổng Cty ngừng giao hàng vì Cty Non Nước không đủ năng lực để tiếp nhận hàng...
Về sự việc này, ngày 4/11/2010 Báo PLVN đã có công văn chuyển nội dung tố cáo đến Tổng Cty, nhưng đến nay vẫn không có một dòng hồi âm. Chúng tôi sẽ theo dõi và tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Trần Đinh