Tổng công ty Viettel Business Solutions: Tiên phong đưa Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ

(PLVN) - Vừa là hệ thống thông tin thông minh hỗ trợ truyền tín hiệu và cảnh báo nhanh tới người sử dụng các vụ việc cháy nổ; vừa có thể hỗ trợ các đơn vị chức năng quản lí, điều hành giám sát và tác chiến, hệ thống cảnh báo cháy nhanh Safe One của Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Business Solutions), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đang hứa hẹn sẽ mở ra cuộc cách mạng trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) vốn bộc lộ nhiều bất cập thời gian qua.
Ông Bùi Ánh Quang – Giám đốc sản phẩm, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel
Ông Bùi Ánh Quang – Giám đốc sản phẩm, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel

Đưa cách mạng công nghiệp 4.0 vào PCCC

Chiều tối ngày 23 tháng Chạp năm 2017, khi đang đi liên hoan cuối năm cùng người thân ở khu vực Hồ Tây, điện thoại của chủ một công ty kinh doanh mỹ phẩm có trụ sở tại chính nhà riêng của họ trên đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) đổ chuông tới tấp từ đầu số 0114. Kiểm tra tin nhắn và nghe điện thoại, cặp vợ chồng bủn rủn chân tay khi nhận được thông báo ngôi nhà của họ xảy ra hỏa hoạn. Vội vã buông bát đũa, họ tất cả chạy về bởi căn nhà và những đồ đạc ở đó là gia tài mà họ đã tích cóp cả đời.

Cùng lúc, trên hệ thống bản đồ số của Trung tâm thông tin chỉ huy và điều hành giám sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ - Phòng Cảnh sát PCCC số 3 đóng tại số 1 Dương Đình Nghệ cũng đã nhận được tín hiệu báo cháy tại nhà của cặp vợ chồng. Ngay lập tức, quy trình xác định cháy được kích hoạt. Xác định đây là vụ cháy thật, hệ thống Safe One tự động phát động tác chiến. Hai xe cứu hỏa được điều tới hiện trường theo lộ trình ngắn nhất được hiển thị trên bản đồ số. Đám cháy đã được khống chế chỉ sau vài phút, với thiệt hại chỉ là 2 chiếc máy tính được đặt ở tầng 1 của tòa nhà.

Khi những người của công ty có mặt tại hiện trường, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn. Nếu vụ việc không được phát hiện sớm và việc tác chiến chữa cháy chậm trễ, ngọn lửa rất có thể đã bùng lên, thiêu trụi cả căn nhà vốn chứa rất nhiều đồ dễ cháy nổ, thậm chí còn có thể cháy lan sang những ngôi nhà xung quanh. Khi đó, thiệt hại là rất lớn. Tuy nhiên, thảm họa đã không xảy ra nhờ một hệ thống cảnh báo cháy nhanh mà cặp vợ chồng nọ mới lắp đặt trong nhà trước vụ hỏa hoạn chỉ 15 ngày có tên Safe One HOME – một sản phẩm của Trung tâm IOT, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel.

Theo ông Bùi Ánh Quang – Giám đốc sản phẩm, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Qua các tài liệu phân tích đánh giá, hầu hết nguyên nhân của tình trạng này là do phát hiện chậm, việc nắm địa bàn và xử lý tác chiến cũng còn chưa khoa học. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn mạnh, đi kèm là việc quản lý các khu vực trên địa bàn mỗi tỉnh, thành phố trên cả nước cũng sẽ diễn biến phức tạp. Điều này đặt ra thách thức trong công tác điều hành, giám sát PCCC.

Để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đặt ra, thời gian qua, Cục cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cũng đã có những chuyển dịch theo hướng đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào việc cảnh báo cháy, thông tin chỉ huy điều hành về chữa cháy, cứu nạn cứu hộ… giúp người dân phát hiện cháy ngay từ khi mới phát sinh còn lực lượng Cảnh sát PCCC phát hiện sự cố cháy sớm và có các thông tin để phục vụ chỉ huy, điều hành, xử lý sự cố cháy, nổ, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra, từ đó góp phần làm giảm số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Hệ thống Safe One.
Hệ thống Safe One. 

Từ những trăn trở như vậy, ông Quang đã “đắm đuối” nghĩ ra hệ thống thông minh Safe One. Ông Bùi Ánh Quang cho hay, Safe One là hệ thống thông tin thông minh, giúp cho lực lượng cảnh sát PCCC có thể quản lý, giám sát và điều hành đồng thời giúp người dân tự động phát hiện và báo cháy sớm nhất và khi có cháy rồi thì hệ thống đã số hóa toàn bộ các thông tin về điểm cháy và chỉ dẫn cho lực lượng cảnh sát PCCC. Hệ thống này còn ưu việt ở chỗ thiết bị báo cháy thường xuyên phát tín hiệu về trung tâm thông tin, giúp đơn vị quản lý cập nhật được tình trạng hoạt động của thiết bị phòng cháy chữa cháy. Với việc đảm bảo giải quyết 2 nguyên tắc cơ bản của lực lượng PCCC, đó là phòng ngừa và tác chiến, ông Quang kỳ vọng, hệ thống cảnh báo nhanh Safe One của công ty sẽ số hóa toàn bộ các nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát PCCC, từ đó tạo ra một cuộc cách mạng trong công tác PCCC.

Ông Bùi Ánh Quang giới thiệu về sản phẩm
Ông Bùi Ánh Quang giới thiệu về sản phẩm

“Bầm dập” vì sự mới mẻ

Ông Bùi Ánh Quang kể lại rằng, khi bắt tay vào xây dựng hệ thống, ông và các cộng sự có được nhiều điểm thuận lợi. Trước hết, về mặt kĩ thuật công nghệ, việc phát triển hệ thống không gặp khó khăn vì tất cả những vấn đề liên quan người Việt Nam đều có thể làm được hết. Tất cả phần mềm, thiết bị của hệ thống đều do các kĩ sư của Việt Nam viết ra, sản xuất ra. Thuận lợi thứ 2 là Viettel có tiềm năng, trình độ năng lực và tài chính. “Đặc biệt, chúng tôi có một thuận lợi nữa là Ban lãnh đạo Viettel có chủ thuyết kinh doanh là cứ những gì có lợi cho người dân, mang lại lợi ích cho con người, cho xã hội là làm”, ông Quang cho hay.

SMS và tin nhắn báo cháy
SMS và tin nhắn báo cháy 

Có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ bên trong nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, theo ông Quang, Safe One là sản phẩm của nỗ lực làm việc miệt mài trong suốt gần 2 năm của ông và các cộng sự. Sản phẩm phải tuân thủ theo quy trình quốc tế, nghĩa là từ nghiên cứu, khảo sát sản phẩm, các tính năng cho đến khi phát triển thử nghiệm, chạy thử nghiệm rồi đánh giá các tiêu chuẩn về bảo mật, an toàn thông tin… Sau những khâu ở phòng thí nghiệm, công ty mất thêm gần 1 năm lắp đặt, đo đạc, thử nghiệm các phương án tối ưu… để đưa hệ thống ra được thực tế. “Khó khăn thì nhiều vô kể. Đầu tiên là sản phẩm không có nguồn thu ngay được trong khi đơn vị của chúng tôi là một đơn vị kinh doanh, phải tính tới hiệu quả làm ăn. Ở điểm này, rất may là chúng tôi được các lãnh đạo ủng hộ theo đúng chủ thuyết được tập đoàn đặt ra”, ông Quang giãi bày.

Màn hình điều hành tác chiến
Màn hình điều hành tác chiến 

Bắt tay vào triển khai, để có được sản phẩm phù hợp, nhóm đã phải tự mày mò tìm hiểu về nghiệp vụ, quy trình PCCC. Nắm bắt công nghệ cũng là một thách thức không nhỏ. “Mình sinh sau đẻ muộn nên để có thể cạnh tranh và được đón nhận thì sản phẩm phải là phải đáp ứng yêu cầu về quy trình nghiệp vụ của lực lượng cảnh sát PCCC; đảm bảo công nghệ mở nhất, mới nhất. Chúng tôi đã phải bỏ công sức và cả tiền bạc ra để tìm hiểu, nghiên cứu về các sản phẩm đi trước, về xu thế công nghệ… để tham khảo”, ông Quang kể.


Khi đã có sản phẩm, việc kết nối với cảnh sát PCCC, thuyết phục để họ cho lắp đặt thiết bị hứng thông tin báo cháy từ nhà dân, văn phòng vào các cơ quan này cũng là cả một thách thức không nhỏ vì đây là công nghệ hoàn toàn mới. “Chúng tôi đã mất gần một năm trời để vận động, thuyết phục họ chấp nhận đưa sản phẩm của mình vào. Song song với đó, chúng tôi cũng tìm cách giới thiệu, khuyến khích để người dân biết được sản phẩm, hiểu được những tĩnh năng vượt trội của nó và tự động kết nối vào. Nhưng, sau hơn 2 năm nỗ lực của chúng tôi thì đến giờ phút này, mọi thứ đã gần ổn. Hệ thống đã được triển khai tại 17 tỉnh, thành. Sản phẩm đã chứng minh được hiệu quả và đang tạo thành làn sóng, dần lan tỏa. Lãnh đạo nhiều tỉnh, thành đã hiểu được rằng Cuộc cách mạng 4.0 đã đến rất sát rồi nên không làm là không được. Bên cạnh đó, thế hệ lãnh đạo trẻ ở các nơi cũng đã bắt đầu thay đổi”, ông Quang hào hứng cho biết.

Tầm nhìn về một hệ sinh thái thông minh

Theo Giám đốc sản phẩm, Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel, hiện nay, hệ sinh thái của hệ thống cảnh báo cháy nhanh Safe One có rất nhiều tính năng như tự động phát hiện báo cháy; quản lý hai chiều; nhắn tin, gọi điện thoại ngay lập tức chỉ trong vòng 6 giây; chỉ dẫn đường đi ngắn nhất cho lực lượng PCCC; kết nối hệ thống camera trực tiếp quay hiện trường đám cháy… Ông Quang tiết lộ, hệ thống này chính là tiền đề để ông và Viettel hướng tới tạo ra hệ sinh thái ưu việt hơn về cảnh báo khẩn cấp. “Khi có hệ sinh thái này, người dân chỉ cần kết nối với hệ thống cảnh báo, từ đó có thể dễ dàng và sẵn sàng báo cho lực lượng chức năng những thông tin về mối nguy hiểm, địa điểm xảy ra cháy, nổ một cách nhanh nhất bằng nhiều cách đa phương tiện”, ông lý giải.

Trong tương lai, Viettel muốn hệ sinh thái này phát triển hơn nữa, hình thành được một hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ, trong đó mọi thông tin truyền đạt cho lực lượng PCCC được số hóa cụ thể để họ có thể quản lý điều hành tất cả thông tin từ lớn đến nhỏ, xuyên suốt từ Cục, Bộ công an cho đến địa điểm cháy nổ.

Hệ sinh thái này không chỉ cảnh báo những tình huống nguy cấp trong lĩnh vực PCCC, cứu nạn cứu hộ mà còn phát triển sang các lĩnh vực khác như giao thông, y tế, xây dựng… “Viettel muốn tạo ra một “iCloud” cho xã hội, để xã hội kết nối vào đó, sống trong hệ sinh thái đó, khi nào có nguy hiểm thì hệ sinh thái đó sẽ báo cho lực lượng cảnh sát PCCC để xử lý luôn”, ông Quang chia sẻ.

Đọc thêm