Tổng cục đường bộ Việt Nam 3 tháng trình 5 đề án "khủng"

Chỉ trong vòng 3 tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (DRVN) đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 5 đề án. Năng suất làm việc quá “sung”, nhưng những đề án của tổng cục này dự kiến cũng ngốn ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

Chỉ trong vòng 3 tháng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (DRVN) đã trình Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) 5 đề án. Năng suất làm việc quá “sung”, nhưng những đề án của tổng cục này dự kiến cũng ngốn ngân sách hàng trăm tỷ đồng.

DRVN đang trình Bộ chủ quản đề án quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên quốc lộ. Trong khi đó, những trạm dừng nghỉ từng được đầu tư hàng chục tỷ đồng được đánh giá là khai thác kém hiệu quả (trong ảnh là trạm dừng nghỉ tại tỉnh Ninh Bình).

Để phục vụ cho công tác điều hành lĩnh vực của mình phụ trách một cách hiệu quả, trong 3 tháng (từ tháng 3,4,5), DRVN đã chính thức trình lên Bộ GTVT 5 đề án.

Đầu tiên là đề án tổng thể kiểm soát tải trọng xe, ngày 14/3 DRVN đã trình bộ chủ quản văn bản số 1013, sau đó Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt. Đề án thứ hai, về đổi mới toàn diện và nâng cao hiệu quả của Tổng cục Đường bộ, cũng được trình trình ngay sau đó, vào ngày 8/4/2013.

Hai tháng 2 đề án lớn, nhưng tháng 5/2013 mới gọi là tháng cực “sung” của cơ quan này. Trong tháng, Tổng cục Đường bộ đã liên tiếp có 3 đề án trình lên bộ chủ quản. Theo đó, ngày 28/5, DRVN đã ký văn bản về xây dựng kế hoạch triển khai đề án đổi mới công tác quản lý vận tải đường bộ theo hướng hiện đại, hiệu quả, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và giảm thiểu tai nạn giao thông.

Trong cùng một ngày, 29/5, Tổng cục này tiếp tục trình 2 đề án, một về nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường bộ và một về quy hoạch hệ thống trạm dừng nghỉ trên đường quốc lộ.

Cho đến thời điểm này, kinh phí dự kiến để thực hiện các đề án của DRVN vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, trong khi những đề án nói trên vẫn đang được cơ quan chủ quản thẩm tra, xem xét, thì mới đây nhất, Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại đề xuất Bộ GTVT chi 400 tỷ đồng để xóa 236 “điểm đen” giao thông và những điểm hay xảy ra tai nạn giao thông trên hệ thống quốc lộ.

Theo đó, nếu đề xuất này được chấp thuận, thì ngay trong năm này, DRVN sẽ dành 20 tỷ đồng để xử lý ngay 6 vị trí. Được biết, 6 tháng qua, DRVN cũng đã cho phép đầu tư xử lý 14 vị trí “điểm đen” với tổng kinh phí 30 tỷ đồng. Trong đó, bốn vị trí được xử lý thuộc quốc lộ 6, hai vị trí nằm trên đường Hồ Chí Minh, bảy vị trí trên quốc lộ 1 và 1 vị trí trên quốc lộ 60 (nút giao ngã ba giữa quốc lộ 60 với quốc lộ 57).

Một đề xuất khác của Tổng cục này dự kiến cũng sẽ tiêu tốn “trăm tỷ”, nếu kế hoạch “điều chỉnh hệ thống biển báo hiệu đường bộ phù hợp với cam kết quốc tế” được Bộ GTVT thông qua.

Theo đó, DRVN đề nghị Bộ GTVT bổ sung 100 tỉ đồng để thực hiện kế hoạch nói trên, số tiền 100 tỷ đồng được đề nghị trong kế hoạch năm 2013 để thực hiện các công đoạn như bổ sung bắt buộc hệ thống biển báo cho phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam khi tham gia Hiệp định GMS, tháo dỡ ngay các biển không có trong Quy chuẩn mới QCVN41:2012, thay thế những biển báo quá cũ hỏng, điều chỉnh những biển báo gây cản trở tầm nhìn, hiệu lệnh đột ngột, chưa phù hợp thực tế. Khoản tiền nói trên dự kiến cũng sẽ được dùng để loại bỏ những biển báo không cần thiết cho người tham gia giao thông, bổ sung biển báo mới tại vị trí đã gây bức xúc theo phản ánh của địa phương, người dân.

Cụ thể, qua rà soát trên quốc lộ hiện nay có hơn 60% số biển báo cần được thay thế, bổ sung để đạt chuẩn (về cả nội dung, kích thước, màng phản quang), một số biển báo cần loại bỏ, bổ sung cho phù hợp.

Qua rà soát trên 95 tuyến và đoạn tuyến quốc lộ, tổng số biển báo hiệu hiện có là 103.777 biển, đã đề xuất điều chỉnh, thay thế 62.371 biển (không phù hợp về nội dung, hình thức... theo quy chuẩn), cần bổ sung mới 18.476 biển.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng cục này đang làm chủ đầu tư 88 dự án (36 dự án chuyển tiếp, 5 dự án làm mới và 47 dự án chuẩn bị đầu tư). Hiện nay, DRVN cũng đang xem xét phê duyệt dự án đầu tư xây dựng 11 trạm cân kiểm tra tải trọng xe cố định và 67 bộ cân lưu động. Trước mắt đầu tư 10 bộ trạm cân trang bị cho 4 khu quản lý đường bộ và dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2013.

Việt Hưng

Đọc thêm