Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh: TFP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 623/QĐ-TTg ngày 24/5/2019. Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Tài chính là cơ quan chủ quản của Dự án và Tổng cục Hải quan được giao làm chủ Dự án.
Mục tiêu tổng thể của TFP là cải cách, chuẩn hóa, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu phù hợp với các chuẩn mực quốc tế nhằm thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO TFA) và chủ trương của Chính phủ về cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. “Mục tiêu chính của Dự án là tạo thuận lợi thương mại, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Một hợp phần quan trọng của Dự án là cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia. Đây là mảng việc có liên quan rất nhiều đến nhiệm vụ của các bộ, ngành” - Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nói.
Vì vậy, với vai trò là cơ quan chủ Dự án, lãnh đạo Tổng cục Hải quan mong muốn các bộ, ngành tích cực phối hợp với cơ quan Hải quan và chuyên gia của USAID nhằm thúc đẩy việc thực hiện TFP, qua đó góp phần tăng cường tạo thuận lợi thương mại, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cảm ơn sự hỗ trợ của USAID và các chuyên gia trong việc tài trợ, thực hiện Dự án.
|
TFP có tổng vốn dự kiến gần 22 triệu USD và được thực hiện trong vòng 5 năm. Tại buổi làm việc, chuyên gia của USAID nhận xét: 2 thập kỷ gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế cởi mở nhất thế giới. Tuy nhiên, bất cập trong thủ tục thông quan đang cản trở Việt Nam trong cải thiện sức cạnh tranh thương mại. Trong đó kiểm tra chuyên ngành là một phần của thủ tục thông quan hàng hóa do các bộ, ngành thực hiện. Các hoạt động kiểm tra chuyên ngành liên quan đến nhiều bộ, ngành gây trì hoãn đáng kể cho việc thông quan hàng hóa, làm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tốn thời gian, chi phí và làm ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, TFP nhằm hỗ trợ Việt Nam áp dụng và triển khai cách tiếp cận quản lý rủi ro tại cơ quan Hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành, từ đó tăng cường thực thi Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới. Điều này sẽ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đồng thời giảm thời gian và chi phí thương mại.
Đại diện USAID chia sẻ, thông qua việc hợp tác với Tổng cục Hải quan và các cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ mong muốn việc thực hiện TFP đạt được kết quả cụ thể trong việc hài hòa, đơn giản hóa chính sách và thủ tục (đối với hàng hóa xuất nhập khẩu); công tác phối hợp giữa cấp Trung ương và địa phương về chính sách tạo thuận lợi thương mại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được tăng cường…
Theo Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), năm 2015, có 13 bộ, ngành ban hành danh mục 82.698 mặt hàng thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số lượng nhiều nhất với 65.185 mặt hàng, chiếm gần 79% tổng số lượng của cả nước. Ngoài ra, 5 bộ khác có số lượng mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành từ một nghìn trở lên vào thời điểm đó là: Bộ Y tế 5.730; Bộ Công Thương 5.096; Bộ Khoa học và Công nghệ 3.434; Bộ Giao thông vận tải 1.433; Bộ Thông tin và Truyền thông 1.034.
Cập nhật đến tháng 4/2019, tổng số lượng mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn 70.087. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng là đơn vị còn số lượng nhiều nhất với 7.623 mặt hàng.