Tổng cục hay Cục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mới đây, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án tách Tổng cục thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.
Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án tách Tổng cục thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.
Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông Vận tải đề án tách Tổng cục thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc.

Có một điều hiếm thấy, là Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện lên báo, nói rõ ràng ông ký trình đề án theo sự thống nhất của lãnh đạo Bộ, còn bản thân không đồng ý.

Ông Huyện cho rằng sẽ có bất cập vì hai Cục đều quản lý đường bộ; cao tốc là một cấp kỹ thuật theo tiêu chuẩn đường bộ, không phải cấp quản lý. Như hiện nay, khi đi tuần kiểm có thể một đoàn kiểm tra cả quốc lộ lẫn cao tốc. Nhưng nếu tách ra cần hai bộ máy để kiểm tra, quản lý. “Bây giờ là Tổng cục thì lãnh đạo Tổng cục họp với lãnh đạo tỉnh để giải quyết những việc cấp bách của đường bộ. Nếu trở thành Cục, tỉnh cho cấp sở làm việc. Muốn làm việc với lãnh đạo tỉnh thì lãnh đạo Bộ phải đến”, ông Huyện nói.

Ngoài ra, ông Huyện cho rằng nếu tách thêm một Cục Đường bộ cao tốc với quy mô 170 người là lãng phí. Mạng lưới cao tốc mới gần 200km được đầu tư công, cần sự quản lý của Nhà nước. Còn 1.000km cao tốc đầu tư BOT do các nhà đầu tư quản lý, khai thác, cơ quan nhà nước chỉ xử lý tình huống. Trong khi đó, mạng lưới đường bộ cần quản lý tới hơn 10.000km.

Quan điểm của ông Huyện không phải không có lý. Thế nhưng trao đổi với báo chí sau đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo yêu cầu của Thủ tướng, thời gian qua Bộ đã rà soát hoạt động của các đơn vị trực thuộc. Mô hình tổng cục thuộc các bộ sẽ được tổ chức lại nếu không đảm bảo tiêu chí. “Tổng cục Đường bộ chắc chắn sẽ không còn”, ông Thể nói.

Theo ông Thể, Thủ tướng ngay sau khi nhậm chức đã làm việc với Bộ, trong đó chỉ đạo phấn đấu đến 2030 xây dựng được 5.000km cao tốc. Quá trình triển khai thời gian qua cho thấy mô hình Tổng cục Đường bộ đã bộc lộ nhiều vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách... Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng đề án xóa Tổng cục Đường bộ. Bộ đang xây dựng đề án, sẽ công khai xin ý kiến các bộ, ngành và nhân dân để làm sáng tỏ các vấn đề trước khi báo cáo lên Chính phủ, Thủ tướng.

Tại cuộc họp báo định kỳ của Bộ Nội vụ mới đây, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế cho biết, theo Nghị định 101/2020/NĐ-CP, có ba tiêu chí để thành lập tổng cục. Các tiêu chí gồm: Có đối tượng quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực lớn, phức tạp, quan trọng với phát triển kinh tế - xã hội; chuyên ngành, lĩnh vực cần quản lý tập trung, thống nhất ở Trung ương, trường hợp đặc biệt do Chính phủ xem xét quyết định; được phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng để quyết định các vấn đề thuộc phạm vi quản lý nhà nước về chuyên ngành, lĩnh vực. Tổng cục Đường bộ có một tiêu chí chưa đáp ứng đầy đủ, đó là việc được giao ngành lĩnh vực tập trung, thống nhất ở Trung ương, không phân cấp cho địa phương.

Về đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thành hai Cục, đại diện Bộ Nội vụ cho rằng sẽ không có sự chồng chéo về đối tượng quản lý. Cụ thể, trong đường bộ có cao tốc, nhưng cao tốc đang được xác định là tuyến đường huyết mạch, kết nối các trục tăng trưởng, tạo động lực phát triển mới nên cần có phương thức quản lý tập trung, thống nhất. Hơn nữa, phương thức quản lý cao tốc hiện khác đường bộ.

Bộ trưởng Nội vụ cũng nhấn mạnh tinh thần tổ chức lại các tổng cục là nhằm giải quyết vấn đề giao thoa, chồng chéo giữa những đơn vị trong các bộ, sẽ không có linh hoạt với những tổng cục không đủ điều kiện. Với trả lời của Bộ trưởng Giao thông Vận tải và đại diện Bộ Nội vụ, rất mong tới đây những ý kiến của đại diện Tổng cục Đường bộ sẽ được phản biện một cách rõ ràng, minh bạch, sòng phẳng; để các bên đều tâm phục, khẩu phục; để không tạo ra một tiền lệ không hay.

Đọc thêm