Cuối tháng 10 sẽ cải tạo SVĐ Mỹ Đình
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã có buổi làm việc với Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình về công tác sửa chữa, nâng cấp Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình phục vụ các nhiệm vụ tới đây.
"Một số vấn đề được truyền thông phản ảnh liên quan đến mặt sân Mỹ Đình và các phòng chức năng xuống cấp. Do đó, hôm nay chúng ta phải xem xét thực địa, tìm ra các nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết" – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) Lê Hoài Anh, quá trình tổ chức trận đấu giữa tuyển Việt Nam và tuyển Australia nhận được ý kiến của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) về một số vấn đề trong đó nổi bật là mặt sân, các phòng chức năng, hệ thống âm thanh, ánh sáng….
Cụ thể, mặt sân cỏ dù có quá trình chăm sóc nhưng mặt cỏ xấu, cỏ dài và yếu nên cần có quá trình bảo dưỡng.
Ngoài ra, các khu vực kĩ thuật; hệ thống đèn chiếu sáng; khu vực khán đài; các phòng chức năng cũng cần được tiếp tục sửa chữa, nâng cấp đạt được các yêu cầu của AFC đề ra.
Ông Lê Hoài Anh cho biết, AFC đề nghị chậm nhất là 28/10 tới đây, phía BTC phải có báo cáo về việc nâng cấp chất lượng các hạng mục của sân Mỹ Đình để chuẩn bị cho các trận đấu lượt về của ĐT Việt Nam tại Vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Ngay sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đã trực tiếp đến từng khu vực để kiểm tra tình hình thực tế và cùng đại diện các đơn vị đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Đối với các phòng chức năng, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu 6 phòng gồm phòng trọng tài, 2 phòng thay đồ của 2 đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo phải được sửa chữa, nâng cấp.
Ngoài ra, BTC phải sắp xếp lại các phòng chức năng sao cho hợp lý, đảm bảo cho công tác di chuyển với mọi tình huống diễn biến trước, trong và sau trận đấu.
Về vấn đề mặt sân cỏ, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương giao Tổng cục TDTT phối hợp cùng Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia và Liên đoàn bóng đá Việt Nam tiến hành cải thiện. "Tôi đề nghị Tổng cục TDTT, theo dõi về chuyên môn, các công việc liên quan theo cách bài bản khoa học. Phối hợp với VFF theo dõi quy trình bảo dưỡng để mặt sân được cải thiện"- Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu.
Còn với vấn đề được nêu ở các khu vực khán đài, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương yêu cầu trước ngày 20/10, Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia phải làm sạch sẽ toàn bộ khu vực khán đài bao gồm các vấn đề về rác, cây cối… để bàn giao cho đơn vị chịu trách nhiệm khởi công, thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Mỹ Đình nhằm phục vụ cho SEA Games 31 (Dự án cải tạo, nâng cấp sân vận động Mỹ Đình phục vụ cho SEA Games 31 hiện đang được thẩm duyệt và dự kiến khởi công vào ngày 20/10).
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cũng giao Tổng cục TDTT chịu trách nhiệm kiểm tra tiến trình sửa chữa, nâng cấp. Sẽ có 3 đợt kiểm tra tại chỗ từ nay cho đến cuối tháng 10.
"Phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện đảm bảo được thời gian, không để xảy ra tình trạng làm đi làm lại các hạng mục. Thời gian chúng ta có không còn nhiều nên cần phải nỗ lực để đảm bảo tiến độ, chất lượng phù hợp với các quy định" – Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Cần khoảng 1.000 tỉ đồng để sửa sân Mỹ Đình
Sân vận động Mỹ Đình được xây dựng và hoàn thiện vào năm 2003 để phục vụ SEA Games 22 tại VN. Tổng kinh phí xây sân Mỹ Đình lúc đó là 53 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng). Từ đó đến nay sân này chưa được tu bổ toàn diện lần nào.
Những năm qua, ngân sách nhà nước cấp khoảng 66 tỉ đồng để sửa sang một số hạng mục trong sân, trong đó có việc sửa đường chạy của sân Mỹ Đình.
Hiện hầu như toàn bộ khán đài, phòng chức năng, mặt cỏ, âm thanh, ánh sáng... của sân Mỹ Đình đều xuống cấp nghiêm trọng. Theo đề án chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 tại VN, KLHTTQG dự kiến được cấp hơn 400 tỉ đồng để sửa chữa và mua mới thiết bị cho sân Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước...
Lãnh đạo của KLHTTQG cho biết khi chuẩn bị cho SEA Games 31, KLHTTQG từng xây dựng danh mục các hạng mục cần sửa chữa, thay mới ở sân Mỹ Đình với số tiền gần 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên do ngân sách có hạn, sân Mỹ Đình sẽ được "đại tu" trước SEA Games nhưng do thiếu tiền nên cũng chỉ có những hạng mục rất cấp thiết như: các phòng chức năng, hệ thống phòng cháy chữa cháy... được ưu tiên sửa.