Câu chuyện xẩy ra ở Lai Châu, Tổng cục Thủy sản lại chuyển Long An giải quyết theo thẩm quyền…
Hôm qua, tròn 20 ngày sau khi viết thư thỉnh cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát, ông Trần Yên, người nuôi cá hồi và trồng rừng ở Lai Châu đã nhận được “phiếu chuyển đơn” của Tổng cục Thủy sản.
Nội dung nguyên văn như sau: “Ngày 10/6, Tổng cục Thủy sản nhận được thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát của ông Trần Yên, người nuôi cá hồi và trồng rừng ở Lai Châu trên đèo Hoàng Liên Sơn.
Căn cứ Điều 7 Luật Khiếu nại năm 2011 và Điều 20 Luật Tố cáo năm 2011, Tổng cục Thủy sản chuyển thư này đến Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Long An để chỉ đạo làm rõ, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả về Tổng cục Thủy sản”.
Ký phiếu chuyển đơn là ông Vũ Tuấn Cường, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra, thừa lệnh Tổng cục trưởng.
“Câu chuyện xảy ra ở Lai Châu, Tổng cục chuyển Long An giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp này chắc tôi phải chờ hơi lâu vì làm sao mấy người tận Đồng bằng sông Cửu Long họ di chuyển mấy nghìn cây số lên Hoàng Liên Sơn cho kịp được”, ông Trần Yên ngậm ngùi vì phiếu chuyển đơn có một không hai này.
“Hoặc có thể đã có một sự nhầm lẫn, họ có thể giải thích vì “cậu đánh máy”. Nhưng vì lý do thì trước cái văn bản này gì tôi cũng thực sự bó tay về cung cách làm việc của họ”, người viết thư gửi bộ trưởng cho biết.
Trước đó, như PLVN đã đưa, hôm 29/5, từ Tam Đường, Lai Châu, “người đương thời 2007” Trần Yên lái chiếc xe bán tải xuống bưu điện và tự tay dán tem bỏ vào thùng thư gửi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ông Yên muốn “thỉnh cầu” ông Phát nghiêm khắc xử lý hiện tượng thành lập các “trạm trung chuyển” trong nội địa nhằm “rửa” nguồn gốc cá tầm Trung Quốc nhập lậu.
Theo thư ông Yên, đầu tháng 5/2013, Công ty cổ phần Thủy điện Chu Va đóng tại xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu đã mở một cơ sở nuôi cá hồi và cá tầm rồi tổ chức nhập lậu giống cá tầm từ Trung Quốc về để nuôi. Đặc biệt, công ty này đã đưa cả người Trung Quốc sang trực tiếp nuôi cá theo lối đáng ngờ của họ.
“Khi biết được sự việc tôi đã báo cho chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu. Sau đó tôi có báo cho anh Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cùng anh Nguyễn Huy Điền, Tổng cục phó Tổng cục Thủy Sản. Tổng cục Thủy sản đã cho Thanh tra của lên kiểm tra và xác định vụ việc là có thật. Nhưng từ đó đến nay mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ, từ địa phương đến Tổng cục đều không có ý kiến gì. Đến ngày 28/5, Công ty Chu Va đã tẩu tán số cá nhập lậu này đi nơi khác”, thư cho biết.
Trở lại với “phiếu chuyển đơn”. Không chỉ cẩu thả về mặt chính tả, bằng phiếu này, Tổng cục Thủy sản cũng cho thấy dường như họ “quên” luôn việc đã cử đoàn thanh tra lên Tam Đường. Người ký phiếu chuyển, ông Vũ Tuấn Cường chính là người dẫn đầu đoàn thanh tra đến hiện trường. Việc cơ quan này không đưa ra quyết định xử lý trong vụ việc này cũng như không đứng ra trả lời công dân mà lại “chuyền bóng” về địa phương khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi.
Trong khi đó, về mặt pháp lý hoàn toàn không khó để chứng minh một lô hàng cá tầm nhập lậu. Tại cuộc họp giao ban về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm hôm 11/6 mới đây, chính Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu đã khẳng định: “Tất cả cá tầm đang được tiêu thụ trên thị trường hiện nay nếu không có nguồn gốc, xuất xứ đều là hàng nhập lậu. Thậm chí, cá tầm đang nuôi tại các cơ sở trong nước, nếu không chứng minh được nguồn gốc thì cũng là sản phẩm nhập lậu”.
Bà Thứ trưởng còn nói rõ: “Bất kỳ lô hàng nào kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc phải tiêu hủy”.
Đức Huy