Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Văn Pha cùng đại diện nhiều bộ, ngành đã tham dự.
Báo cáo về quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) (sửa đổi), ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho biết, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình.
Trên cơ sở các kế hoạch này đã triển khai nhiều hoạt động lấy ý kiến nhân dân. Việc lấy ý kiến nhân dân đã được tổ chức dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú và được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân tiếp cận và góp ý vào Dự thảo Bộ luật.
Qua tổng hợp bước đầu ý kiến góp ý của nhân dân về Dự thảo BLHS sửa đổi cho thấy, Dự thảo Bộ luật cơ bản đã thể chế hóa được những quan điểm, đường lối chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật hình sự, cải cách tư pháp. Dự thảo đã cụ thể hóa các quy định có liên quan của Hiến pháp 2013; giải quyết những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra liên quan đến các quy định của BLHS, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Bộ luật cơ bản có tính khái quát cao, bảo đảm tính minh bạch, khả thi và tính dự báo, có thể xử lý được tội phạm nảy sinh trong tình hình mới.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hoàn, các ý kiến đóng góp rất đa dạng, đa chiều và không chỉ tập trung vào 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến nhân dân mà còn đề cập đến nhiều nội dung khác trong Dự thảo. Bộ Tư pháp đã tổng hợp đầy đủ, trung thành các ý kiến đóng góp của nhân dân với Dự thảo Bộ luật.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ nhấn mạnh: Trong bất cứ một vấn đề nào mà ý kiến nhân dân là đa số thì phải lấy ý kiến đó trình Quốc hội. Do vậy, việc tập hợp ý kiến phải hết sức rõ ràng, cụ thể, chính xác. “Nhân dân ý kiến như thế nào thì phải ghi đúng như vậy”, ông Thụ nói thêm.
Đồng tình, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn cũng cho rằng, qua tổng hợp ý kiến thấy vấn đề gì nổi lên mà được nhân dân ủng hộ thì phải báo cáo nếu không người dân sẽ nghi ngại việc lấy ý kiến chỉ là hình thức.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha thì lưu ý: Khi xây dựng báo cáo, ngoài các vấn đề về chuyên môn thì cần phải lưu ý đến ba yếu tố: thứ nhất, tâm lý nhiều người dân là vẫn lo xa, sợ bỏ tội nào đó biết đâu lại có lúc dùng; thứ hai là muốn răn đe đối với nhiều loại tội phạm bức xúc trong dư luận và thứ ba là góp ý không toàn diện mà chỉ bó hẹp trong phạm vi ngành. Chính phủ phải thuyết trình để làm rõ các vấn đề này cho người dân yên tâm.
Ngoài 8 vấn đề trọng tâm xin ý kiến, theo Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Nguyễn Thị Mai, Chính phủ cần tổng hợp các ý kiến về những vấn đề khác nhân dân có ý kiến, đặc biệt liên quan đến quyền con người. Các ý kiến thiểu số cũng cần có lập luận nhiều hơn để có cái nhìn toàn diện.
Kết luận phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh, đây là báo cáo rất quan trọng, khi đã lấy ý kiến nhân dân thì nhân dân cho ý kiến thế nào ta phải phản ánh như thế, do đó việc tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân phải làm thật khách quan, tỉ mỉ, chính xác. Các kiến nghị phải cụ thể, rõ ràng.
Báo cáo vừa là tổng hợp ý kiến của người dân để trình Quốc hội xem xét nhưng cũng là dịp để Chính phủ đề xuất quan điểm của mình. Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát một lần nữa các quy định của Dự thảo Bộ luật để đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Bộ luật phải đảm bảo tính dự báo, ổn định lâu dài.
Dự kiến dự thảo báo cáo nói trên sẽ được đưa ra lấy ý kiến hai miền sắp tới đây.