Tổng kiểm tra toàn diện

(PLO) - Hiện tại, việc quản lý xã hội đang đứng trước một thực trạng: Động đến bất cứ lĩnh vực nào cũng cần thấy phải tiến hành một cuộc tổng kiểm tra toàn diện.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nổi cộm nhất là mối quan tâm của toàn xã hội là cuộc đấu tranh chống tham nhũng thì yêu cầu đặt ra là phải tổng kiểm tra việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức. Khi vấn đề sử dụng bằng cấp giả (hoặc kém chất lượng) của một số cán bộ lãnh đạo lộ diện thì ngay lập tức có đề xuất tổng kiểm tra toàn bộ việc “lấy bằng” trong đội ngũ cán bộ, nhằm loại trừ các trường hợp dùng bằng giả như một tiêu chuẩn để thăng tiến, vi phạm đạo đức cán bộ.

Một cách gọi khác của tổng kiểm tra là “rà soát toàn bộ”, việc này xảy ra khi công tác bổ nhiệm cán bộ có vấn đề trong bối cảnh “4 ệ” lên ngôi (quan hệ, tiền tệ, hậu duệ và trí tuệ), hoặc, các dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” hay thua lỗ. Chỉ cần tập trung vào việc tổng kiểm tra tài sản và bổ nhiệm cán bộ là sẽ làm lộ diện không ít những hành vi tham nhũng.

Lĩnh vực quản lý kinh tế thì vấn đề xã hội quan tâm nhất hiện nay là các dự án BOT giao thông mà cách thu phí như “trấn lột” với rất nhiều khuất tất, tù mù đằng sau nó. Người dân thiết tha mong đợi sự tổng kiểm tra này và minh bạch hóa nó.

Có những lĩnh vực rất nhỏ, đơn ngành nhưng khi đụng đến cũng xuất hiện yêu cầu phải tổng kiểm tra, rà soát. Ví dụ, các bản án mà tòa đã tuyên nhưng thực tế không thể thi hành được vì nó xa rời, thậm chí trái ngược hoàn toàn với thực tế. Hoặc, khi dư luận lên tiếng về Ban đại diện Hội phụ huynh học sinh chỉ là “cánh tay nối dài” cho lạm thu và yêu cầu giải tán cái Ban này. Trong lĩnh vực giáo dục cũng rất cần đến một cuộc tổng kiểm tra về học sinh “ngồi nhầm” lớp, giáo viên “đứng nhầm chỗ” hoặc tỷ lệ học sinh giỏi, đỗ tốt nghiệp siêu cao.

Trong lĩnh vực ban hành văn bản pháp luật thì lại càng cần đến một cuộc tổng rà soát để loại bỏ các văn bản trái luật, vi hiến đẻ ra các “giấy phép con” hoặc bảo vệ lợi ích cục bộ.

Đáng để nói là không tự dưng mà xuất hiện các cuộc tổng kiểm tra và rà soát này nếu không có những sự cố đáng buồn xảy ra hoặc sự phản ứng quyết liệt của người dân. Minh chứng rõ nhất là những sự cố xảy ra ở các Trạm thu phí giao thông ở các địa bàn khác nhau, do có những phản ứng đó mà mới có sự “xem xét lại” và giảm phí đến 1/4 hoặc miễn phí cho những người không sử dụng đường mà vẫn phải nộp phí. Rõ ràng, BOT giao thông đã “ăn” của dân ta khá nhiều đến nỗi người ta không chịu đựng được nữa. Hãy nhìn vào con đường cao tốc dài nhất nước Nội Bài – Lào Cai hoàn toàn làm mới, thu phí theo chặng minh bạch, có ai phản đối gì đâu? Cứ theo thế mà làm chứ!

Những yêu cầu khẩn thiết và bức xúc phải tiến hành tổng kiểm tra ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy rõ là công tác điều hành, quản lý xã hội trải qua một thời gian dài có vấn đề và để lại những hậu quả rất xấu. Khái quát lên là sự mất công bằng xã hội, tạo môi trường cho tham nhũng lây lan và đặc biệt kéo lùi sự phát triển của đất nước. Rất cần những cuộc tổng kiểm tra thiết thực và minh bạch, công khai loại trừ những hệ lụy xấu tiếp tục!

Đọc thêm