Trao đổi với PV, Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên, cho biết: “Dù không nhận được thông báo chính thức nhưng chúng tôi cũng nắm được thông tin là Công ty TNHH URC Hà Nội, đơn vị sản xuất 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì số tiền lên đến gần 6 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng buộc Công ty phải thu hồi tối đa 2 lô sản phẩm nói trên, báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ trước ngày 10/6”.
“Luật quy định việc thu hồi là trách nhiệm của nhà sản xuất. Ngoài ra đơn vị sản xuất cũng đã nhận được chỉ đạo về việc phải thu hồi tối đa sản phẩm nhưng chúng tôi ngạc nhiên là tại sao sản phẩm lỗi đó vẫn bán với số lượng nhiều tại Phú Yên? Việc thu hồi của công ty URC được thực hiện thế nào, về vấn đề này chúng tôi đang vào cuộc để kiểm tra, lỗi từ công ty URC hay nhà phân phối. Có thể lỗi này là do các nhà phân phối trên địa bàn cố tình không thu hồi hoặc thu hồi còn sót. Tuy nhiên, việc không thu hồi không hết thì lỗi cuối cùng vẫn là nhà sản xuất”, ông Tâm nói.
Cũng theo ông Tâm, đến thời điểm này, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên chưa nhận được hướng dẫn từ Bộ Y tế cũng như Cục vệ sinh An toàn vệ sinh thực phẩm liên quan đến 2 sản phẩm nhiễm chì. Tuy nhiên, khi biết được thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã chủ công tổ chức kiểm tra. Đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện ra cửa hàng, đại lý, nhà hàng nào đang bán 2 sản phẩm C2 và Rồng đỏ nằm trong lô bị thu hồi.
Sở Công Thương tỉnh Phú Yên đã phát đi thông báo trên các hệ thống báo đài địa phương để người dân nắm bắt được thông tin về sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì. Ngày 14/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên tiếp tục ra công văn, gửi đến các phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố. “Họ sẽ phối hợp với quản lý thị trường kiểm tra; các trạm y tế giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn, nếu phát hiện các lô nước nhiễm chì thì giữ lại, sau đó sẽ xử lý theo pháp luật”, ông Tâm cho biết.
Trước câu hỏi Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên có mời Cảnh sát môi trường vào cuộc, ông Tâm trả lời: “Từ trước đến nay, việc kiểm tra định kỳ thường xuyên vẫn được ngành Y tế, Công Thương, Nông nghiệp tiến hành, chủ yếu mang tính chất hướng dẫn để người dân thực hiện đúng các quy định của pháp luật.
Đối với các cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vi phạm hay khi nhận được phản ánh của người dân là có vi phạm thì sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất. Khi có sự cố, lực lượng liên ngành, trong đó có cảnh sát môi trường sẽ phối hợp kiểm tra. Với sản phẩm C2 và Rồng đỏ nhiễm chì, chúng tôi đang thực hiện hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, nếu thấy cần thiết sẽ mời cơ quan công an vào cuộc”, ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên |
Chi cục trưởng cho biết thêm, khi đã xác định do đâu mà nước giải khát C2 nhiễm chì vẫn còn được bày bán trên thị trường, thì cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm và thực hiện các giải pháp hạn chế nguy cơ mất an toàn thực phẩm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt cao nhất đối vơi cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng.
Ông Huỳnh Công Điềm - Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên cũng cho biết: “Tôi có nghe thông tin về việc nước giải khát C2 nhiễm chì nhưng chưa có công văn chỉ đạo từ cấp trên xuống nên chúng tôi chưa dám làm. Tôi có hỏi Cục Quản lý thị trường thì được biết rằng Bộ Y tế cũng chưa có văn bản đề nghị hay chỉ đạo”.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên, trước những thông tin mà báo chí phản ánh, Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên đã đi kiểm tra và đang kiến nghị xem xét việc nhà sản xuất đã có động thái gì chưa và sẽ chỉ đạo các đơn vị cấp dưới kiểm tra các đại lý phân phối ở Phú Yên. Các đại lý, nhà phân phối ở Phú Yên nhập về bao nhiêu thùng nước C2, Rồng đỏ nhiễm chì, đã bán ra bao nhiêu, thu hồi bao nhiêu…
“Nếu họ khai báo không trung thực thì sau khi cơ quan chức năng kiểm tra các cửa hàng tạp hóa và truy xuất nguồn gốc, họ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Chắc chắn chúng tôi sẽ làm nghiêm vụ này. Trách nhiệm của cá nhân, tổ chức nào sẽ được xem xét đến nơi đến chốn. Chúng tôi không dừng lại ở việc kiểm tra và thu hồi”, ông Điềm nói.
Theo quyết định này, các vi phạm chính của công ty URC Hà Nội sau thanh tra gồm sản xuất 2 lô trà xanh hương chanh C2 (lô sản xuất ngày 4/2/2016, hạn sử dụng 4/2/2017) và lô nước tăng lực Rồng đỏ hương dâu sản xuất ngày 10/11/2015, hạn sử dụng 10/8/2016 có hàm lượng chì cao quá mức công bố. Công ty cũng đã bán hai lô sản phẩm này với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 3,9 tỉ đồng không thu hồi được.
Thanh tra Bộ Y tế yêu cầu công ty này thu hồi tối đa hai lô sản phẩm vi phạm nói trên. Tuy nhiên, công ty chỉ thu hồi được 1.184 thùng hàng. Mới đây, 2 sản phẩm nằm trong lô bị thu hồi được phát hiện vẫn bày bàn nhan nhản tại địa bàn tỉnh Phú Yên.