Theo hãng tin TASS, dự luật đình chỉ thực thi INF của Nga đã được Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga phê chuẩn ngày 18/6 và được Hội đồng liên bang, hay Thượng viện Nga thông qua vào ngày 24/6.
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Hội đồng Liên bang Nga Viktor Bondarev khẳng định việc Nga đưa ra quyết định đình chỉ Hiệp ước INF là một biện pháp bắt buộc và cần thiết. Ông Bondarev cũng cho rằng đây là cách tiếp cận phù hợp với hệ thống kiểm soát vũ khí hiện tại.
Hiệp ước về loại bỏ tên lửa tầm trung (có tầm bắn từ 1.000 đến 5500 km) và tầm ngắn (từ 500 đến 1.000 km) là thỏa thuận được ký năm 1987 giữa Liên Xô và Mỹ.
Theo thỏa thuận, các bên cam kết hủy bỏ tất cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất với phạm vi chỉ định, không sản xuất, không thử nghiệm và không triển khai các vũ khí này trong tương lai.
Mỹ bắt đầu cáo buộc Nga không tuân thủ hiệp ước INF vào tháng 7/2014 và kể từ đó nhiều lần tái khẳng định cáo buộc này.
Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng Washington sẽ ra khỏi Hiệp ước INF, với lý do Moscow không tôn trọng nghĩa vụ của mình theo hiệp ước.
Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra thời hạn 2 tháng để Moscow trở lại tuân thủ các điều khoản thỏa thuận.
Cụ thể, Mỹ khăng khăng đòi Nga từ bỏ tên lửa 9M729 (SSC-8) mà Washington cho rằng có tầm bắn vi phạm các quy định của INF.
Về phía Nga, Moskva luôn khẳng định những cáo buộc nói trên là không có cơ sở, nhấn mạnh rằng tên lửa gây tranh cãi chưa được phát triển hoặc thử nghiệm cho phạm vi vượt quá giới hạn quy định.
Hồi tháng 2 vừa qua, Nga tuyên bố đình chỉ việc tuân thủ các nghĩa vụ của mình để đáp trả các hành động tương tự của Mỹ.