Đối tượng được ưu tiên xét tuyển, thi tuyển
Điều 23 Luật Viên chức năm 2010 quy định, viên chức được tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển. Trong đó, việc quyết định tuyển dụng viên chức thông qua hình thức nào được quy định tại điều 5 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, cụ thể: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ: Người đứng đầu thực hiện tuyển dụng quyết định; Đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ: Cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập; Người đứng đầu các tổ chức sự nghiệp thuộc Chính phủ.
Người tốt nghiệp loại giỏi không phải đối tượng được ưu tiên xét tuyển hay thi tuyển
Đồng thời, các đối tượng ưu tiên trong thi tuyển và xét tuyển được quy định cụ thể tại khoản 4, điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP: Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B; Người dân tộc thiểu số, sĩ quan quân đội, công an, quân nhân chuyên nghiệp, người làm công tác cơ yếu chuyển ngành, con liệt sĩ, con thương binh, con bệnh binh…; Người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ phục vụ có thời hạn trong lực lượng công an nhân dân, đội viên thanh niên xung phong, đội viên trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ.
Căn cứ quy định trên, người tốt nghiệp loại giỏi không phải đối tượng được ưu tiên xét tuyển hay thi tuyển. Do đó, nếu người có nguyện vọng dự tuyển vào viên chức có bằng tốt nghiệp loại giỏi thì vẫn phải thực hiện việc thi tuyển hoặc xét tuyển theo yêu cầu.
Không còn đặc cách "tuyển thẳng"
Ngoài hai hình thức thi tuyển và xét tuyển, người dự tuyển viên chức còn có thể được tuyển dụng trong trường hợp đặc biệt.
Trước đây, theo điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP, người tốt nghiệp đại học loại giỏi, tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ trong nước và ngoài nước, có chuyên ngành phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng trừ trường hợp vị trí đó yêu cầu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì được xét tuyển đặc cách vào viên chức.
Người tốt nghiệp loại giỏi đã không thuộc đối tượng được "tuyển thẳng" vào viên chức như quy định trước đây.
Tuy nhiên, quy định này đã được bãi bỏ theo quy định tại khoản 7, điều 2 Nghị định 161/2018/NĐ-CP. Theo đó, chỉ còn có các trường hợp sau đây sẽ được đặc cách tuyển dụng vào viên chức: Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí yêu cầu trình độ đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng, có đóng BHXH bắt buộc như cán bộ, công chức cấp xã, người hưởng lương trong quân đội, công an, làm công tác cơ yếu…; Người có tài năng, năng khiếu đặc biệt phù hợp với vị trí việc làm trong các ngành như văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, ngành nghề truyền thống; Đã là cán bộ, công chức, viên chức sau đó được chuyển đến lực lượng vũ trang, cơ yếu, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp…
Như vậy, căn cứ quy định trên, hiện nay, người tốt nghiệp loại giỏi đã không thuộc đối tượng được "tuyển thẳng" vào viên chức như quy định trước đây nữa. Thay vào đó, những người này đều phải thi tuyển hoặc xét tuyển nếu đạt đủ các điều kiện dự tuyển theo quy định.